Con đường Tơ lụa mới: Hiện tại và tương lai của thế giới

TS Phạm Sỹ Thành (*)| 10/07/2021 06:49

Con đường Tơ lụa mới: Hiện tại và tương lai của thế giới” đã vẽ nên bức tranh khái quát những chi tiết về các vấn đề đương đại thông qua lăng kính rộng hơn với hy vọng cung cấp bối cảnh về những gì đang xảy ra trên thế giới, đồng thời nhấn mạnh một số chủ đề định hình toàn bộ cuộc sống và sinh kế của con người hiện đại.

Con đường Tơ lụa mới: Hiện tại và tương lai của thế giới

Dưới đây là bài giới thiệu về cuốn sách Con đường Tơ lụa mới: Hiện tại và tương lai của thế giới của tác giả Peter Frankopan từ TS. Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Chiến lược Mekong - Trung Quốc (MCSS), VNUA.

Doanh nhân Sài Gòn đăng tải với hy vọng có thể giúp độc giả hiểu thêm về quyển sách cũng như những biến chuyển không ngừng trên thế giới trên địa hạt kinh tế và chính trị.

***

Trên tay quý độc giả là bản dịch tiếng Việt của tác phẩm The New Silk Roads: The Present and Future of the World (nhan đề tiếng Việt: Con đường Tơ lụa mới: Hiện tại và Tương lai của thế giới) của tác giả Peter Frankopan, vốn là Giáo sư Lịch sử Toàn cầu tại Đại học Oxford, nơi ông vừa là Nghiên cứu viên Cao cấp tại Trường Worcester, vừa đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Quỹ Stavros Niarchos của Trung tâm Nghiên cứu Byzantine (thuộc Oxford). Đồng thời, Frankopan còn là Phó Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Con đường Tơ lụa tại King’s College (thuộc Đại học Cambridge).

Với vai trò một nhà nghiên cứu lịch sử chuyên nghiên cứu về “Con đường Tơ lụa”, Frankopan đã tổng hòa nhiều bằng chứng lịch sử và địa chính trị để đưa độc giả thời hiện đại chúng ta du hành vào mạng lưới những “con đường” quan trọng (mà theo quan điểm của nhiều sử gia hiện đại, như Peter Frankopan) đã và đang góp phần không nhỏ tạo nên bộ khung kinh tế và địa chính trị của thế giới ngày nay.

Như Frankopan chia sẻ, Con đường Tơ lụa mới được viết để “tiếp tục ở nơi mà Con đường Tơ lụa kết thúc”. Do vậy, để giúp bạn đọc không phải cảm thấy bỡ ngỡ quá nhiều trước khi bước vào hành trình khám phá những khả thể mới của “Con đường Tơ lụa” ở thời đại chúng ta, thiết nghĩ cần có một chút lưu ý “dẫn đường”.

Vậy thì, trước hết, “Con đường Tơ lụa” là gì?

Đó là một khái niệm được nhà địa lý người Đức Ferdinand von Richthofen khởi từ thế kỷ XIX nhằm gọi tên mạng lưới những con đường giao thương kết nối nhà Hán ở Trung Hoa với các khu vực khác trên thế giới - die Seidenstraßen, có nghĩa là “Con đường Tơ lụa”.

Dẫu vậy, lịch sử của thuật ngữ cũng mang nhiều gian truân và biến động như chính lịch sử khu vực và thế giới, theo thời gian, “Con đường Tơ lụa” không còn đơn thuần chỉ một phạm vi hay khu vực hay một hoạt động buôn bán tơ lụa cụ thể nữa, mà ngày nay, cụ thể là trong giới nghiên cứu phương Tây, nhắc đến “Con đường Tơ lụa” là đề cập đến “cách thức mà con người, các nền văn hóa và các đại lục hòa quyện vào nhau – và thông qua đó giúp chúng ta hiểu rõ hơn cách thức truyền bá tôn giáo cũng như ngôn ngữ trong quá khứ, đồng thời cho thấy làm thế nào mà các quan điểm về ẩm thực, thời trang và nghệ thuật lan tỏa, cạnh tranh và vay mượn lẫn nhau.

‘Con đường Tơ lụa’ làm rõ hơn vai trò trung tâm của việc kiểm soát các nguồn tài nguyên cũng như các tuyến thương mại đường dài, qua đó giải thích bối cảnh và động lực của các cuộc hành trình xuyên sa mạc và đại dương giúp cho các đế quốc trỗi dậy…”, như tác giả Peter Frankopan chia sẻ.

Và ở tác phẩm viết về Con đường Tơ lụa mới này, tức phần hiện tại và tương lai của thế giới (tiếp sau phần về lịch sử thế giới), Frankopan chia nội dung sách thành 5 phần, gồm:

Những con đường dẫn tới phương Đông

Những con đường dẫn tới trung tâm thế giới

Những con đường dẫn tới Bắc Kinh

Những con đường dẫn tới đối đầu

Những con đường dẫn tới tương lai

Bố cục sách thể hiện và khẳng định mạnh mẽ cái nhìn của Frankopan đối với xu hướng dịch chuyển quyền lực thế giới và trung tâm thế giới từ Tây sang Đông trong thế kỷ XXI. Cụ thể hơn, tác giả không ngần ngại chỉ ra cái tên quan trọng nhiều khả năng sẽ chính là trung tâm mới của thế giới: Bắc Kinh.

Điều này lập tức khiến chúng ta liên hệ đến một cụm thuật ngữ đang xuất hiện ngày càng phổ biến trên báo chí và các phương tiện truyền thông trong nhiều năm trở lại đây. Đó chính là “Sáng kiến Vành đai, Con đường”.

peter-frankopan-7755-1625910257.jpg

Tác giả Peter Frankopan. Ảnh: Telegraph

Là ý tưởng do Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất vào mùa thu năm 2013, sáng kiến về Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ XXI và Hành lang Kinh tế Con đường Tơ lụa (gọi tắt là Sáng kiến Vành đai, Con đường – Belt and Road Initiative, BRI) đã nhanh chóng trở thành một quyết sách kinh tế chính trị và đối ngoại quan trọng của Trung Quốc trong nhiệm kỳ lãnh đạo của thế hệ lãnh đạo thứ năm. Từ một sáng kiến kinh tế, tháng 10/2017, BRI được đưa vào Điều lệ Đảng (sửa đổi) của Trung Quốc đánh dấu việc sáng kiến này trở thành một công tác chính trị được hoạch định ở cấp cao nhất.

Tính đến tháng 1/2021, đã có 140 quốc gia ký MOU tham gia BRI với Trung Quốc. Quốc gia này cũng đầu tư hơn 700 triệu USD trong giai đoạn 2013-2020 cho các dự án liên quan đến BRI ở nước ngoài thông qua nhiều kênh tài chính song phương và đa phương.

Cho đến nay, Trung Quốc đã xây dựng tất cả sáu hợp phần/ nhánh cho sáng kiến BRI, bao gồm hai nhánh Con đường và Vành đai năm 2013, Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số (DSR) được đề xuất năm 2015. Đến năm 2018, Con đường Tơ lụa trên biển đã mở rộng đến khu vực Nam Mỹ, và trong Sách trắng về Chính sách Bắc Cực công bố năm 2018, Trung Quốc thậm chí còn đề xuất các nước cùng xây dựng “Con đường Tơ lụa trên băng” để chuẩn bị về mặt chiến lược cho sự mở rộng về mặt địa lý của sáng kiến này. Đưa nó trở thành nhánh thứ tư của BRI.

Tháng 3/2020, ông Tập Cận Bình tuyên bố rằng “Italia và Trung Quốc là nền tảng của Con đường Tơ lụa mới về y tế”, qua đó đưa Con đường Tơ lụa Y tế (HSR) trở thành nhánh thứ năm của BRI. Đến tháng 6/2020, BRI có thêm một hợp phần nữa là Con đường Tơ lụa Không gian (SSR).

Đối với các nước trên thế giới, BRI đem lại cơ hội đầu tư và thương mại mới, nhưng cần có cách tiếp cận thận trọng vì tính khả thi của BRI vẫn còn bỏ ngỏ. Do vậy, hiện thực triển khai BRI trong thời gian qua đã khiến bản thân BRI vấp phải làn sóng xét lại, vì nhiều lý do về kinh tế và địa chính trị. Do vậy, ngày 27/8/2018 tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc đã nhấn mạnh, “BRI là một sáng kiến hợp tác kinh tế chứ không phải xây dựng một liên minh địa chính trị hay quân sự, và do đó sẽ không tạo ra một vòng tròn mang tính loại trừ hay một câu lạc bộ Trung Quốc”.

Trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, do sự phong tỏa cả về kinh tế và đi lại, lưu trú nên việc triển khai BRI đã chịu ảnh hưởng và có những chuyển biến mới. Cụ thể, các dự án cơ sở hạ tầng của BRI đều bị trì hoãn do các vấn đề về tài chính của nước sở tại, các lệnh cấm đi lại và đóng cửa kinh tế. Nhưng việc triển khai Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số (DSR) và Con đường Tơ lụa Y tế (HSR) lại có bước phát triển mới. Bởi lẽ, bản chất ít nhìn thấy hơn của cơ sở hạ tầng kỹ thuật số là dễ dàng phù hợp hơn với môi trường địa chính trị mà các công ty Trung Quốc sẽ phải đối mặt khi cuộc khủng hoảng Covid-19 xuất hiện.

Ngoài ra, các dự án BRI cũng được chú ý hơn về tiêu chuẩn môi trường. Trước tình hình này, trước Diễn đàn Vành đai và Con đường đầu tiên vào năm 2017, chính phủ Trung Quốc đã công bố Hướng dẫn Thúc đẩy Vành đai và Con đường Xanh. Mặc dù tài liệu này ngắn và thiếu các chi tiết cụ thể, nhưng nó đã đặt ra một mốc thời gian 3-5 năm để đặt “nền tảng vững chắc cho một BRI xanh”. Tuy vậy, những động thái điều chỉnh này liệu thu được kết quả thế nào, chúng ta sẽ còn phải kiên nhẫn theo dõi, nhất là trong khi tình hình thế giới đang đối diện với quá nhiều biến động mà nhiều trong số này lại đến từ thế giới tự nhiên như thiên tai, dịch bệnh…

Như vậy là, xét trên khía cạnh những diễn tiến thực tế trong nhiều năm trở lại đây, quan điểm của Frankopan, cũng như của nhiều học giả khác, về “Con đường Tơ lụa” mới và xu hướng quyền lực thế giới là khá sát với thực tế.

Thế nhưng, với Frankopan, góc độ tiếp cận địa chính trị của ông có phần ngược lại với suy nghĩ của nhiều người, nhất là giới sử gia và nghiên cứu phương Tây: hình ảnh của con đường tơ lụa cổ xưa phản ánh sự trỗi dậy của một loạt các quốc gia châu Á nằm dọc theo con đường đó, mà điểm xuất phát chính là Trung Quốc.

Điều này gây bối rối với những nhà địa chính trị đặt niềm tin vào nền tảng và ưu thế của biển cả. Châu  u, hay Mỹ, là những khu vực và quốc gia từng đạt được vị thế cường quốc nhờ tận dụng đại dương, hướng ra đại dương như một tầm nhìn chiến lược.

Còn đối với Frankopan, dường như “vùng đất trái tim” (hay trung tâm thế giới) đã dịch chuyển từ Đông Âu sang khu vực thảo nguyên Trung Á-Tây Á rộng lớn thế kỷ XXI này. Cái hay của Frankopan là ông đã dành thời gian khảo cứu cụ thể những sự kiện nổi bật mang tính đương đại ở khắp các khu vực dọc theo hành lang Con đường Tơ lụa cổ đại, kết nối chúng lại với nhau theo một tư duy mạch lạc, và từ đó đưa ra lập luận rất hấp dẫn: sự tiến hóa của Con đường Tơ lụa, dù theo hướng nào đi chăng nữa, cũng sẽ là điểm mấu chốt để định hình nên thế giới của tương lai.

Đến nay, tuy rằng việc hiểu và nghiên cứu về Con đường Tơ lụa mới nói chung và BRI nói riêng vẫn chưa có được sự đồng thuận ở phạm vi rộng lớn, quan điểm ủng hộ cũng có và các quan điểm phản đối, nghi ngại cũng nhiều, song ngày càng có nhiều công trình nghiên cứu dựa trên số liệu và bằng chứng rõ ràng về chúng, trước mắt giúp cho các nhà hoạch định chính sách ở các quốc gia có nhiều sự tham khảo hơn trước khi quyết sách.

Đối với riêng Việt Nam, mặc dù Chính phủ chúng ta thể hiện sự hoan nghênh và ủng hộ việc triển khai BRI, nhưng phải đến tận năm 2017, Việt Nam và Trung Quốc mới có một Bản ghi nhớ về kết nối “hai hành lang, một vành đai” và “Vành đai và Con đường” tại Hà Nội nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của ông Tập Cận Bình. Việc hoan nghênh sáng kiến “Vành đai và Con đường” phản ánh lựa chọn mang tính chủ động của Việt Nam.

Tuy nhiên, việc tham gia sáng kiến nhiều khả năng cũng sẽ tuân theo những nguyên tắc và thứ tự được cân nhắc kỹ. Trong bối cảnh đó, cuốn sách của Peter Frankopan sẽ gợi mở nhiều điểm tham khảo đáng chú ý cho người đọc nói chung và những người làm nghiên cứu quan tâm đến sáng kiến này nói riêng.

Vậy nên, trước khi chứng thực những mảnh nào trong toàn bộ khối ý tưởng về Con đường Tơ lụa mới được hiện thực hóa với sự tham gia của Việt Nam, xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả ấn phẩm quan trọng về sáng kiến “Vành đai và Con đường” của một học giả phương Tây, với cách nhìn khách quan, dựa trên nhiều bằng chứng nghiên cứu: Con đường Tơ lụa mới: Hiện tại và Tương lai của thế giới.

Qua bản dịch của Thạc sĩ Nguyễn Thế Phương - một nhà nghiên cứu chuyên ngành quan hệ quốc tế - tôi tin ấn phẩm này sẽ càng tăng thêm mức độ tiếp cận và sự hấp dẫn với độc giả Việt Nam.

Con đường Tơ lụa mới: Hiện tại và tương lai của thế giới nằm trong Tủ sách Nhận diện Trung Quốc của Omega Plus, nhằm cung cấp những hiểu biết đầy đủ và căn bản về Trung Quốc. Tủ sách tập trung vào bốn nhóm sách quan trọng bao gồm: (1) Kinh tế; (2) Chính trị; (3) Ngoại giao và (4) Quốc phòng an ninh.

tu-sach-hieu-ve-trung-quoc-8533-16259102

Tủ sách được lựa chọn dựa trên ba nguyên tắc: (1) là những tác phẩm mang tính chất nghiên cứu của các nhà nghiên quan trọng hàng đầu trong từng lĩnh vực, (2) là các tác phẩm thể hiện quan điểm của cả hai phía học giả Trung Quốc và ngoài Trung Quốc, (3) là những công trình đương đại.

(*) Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Chiến lược Mekong - Trung Quốc (MCSS), VNUA

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Con đường Tơ lụa mới: Hiện tại và tương lai của thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO