Giảm vì đâu?
Tính từ đầu tháng 9 đến phiên giao dịch đầu tuần này, chỉ số VN-Index đã rớt gần 80 điểm, tương đương hơn 6%, về lại vùng hỗ trợ 1.200 điểm, cũng là mốc thấp nhất tính từ đầu tháng 8 đến nay. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index thậm chí còn giảm nhiều hơn, gần 10%, UPCoM Index giảm gần 5%.
Bất chấp những thông tin tích cực như chính thức áp dụng thanh toán T+2 kể từ cuối tháng 8, hay giao dịch lô lẻ kể từ ngày 12/9/2022, TTCK từ đầu tháng 9 đến nay vẫn chìm trong xu hướng điều chỉnh, trong khi thanh khoản cũng không có sự khởi sắc như kỳ vọng. Có lẽ những thông tin này đã bị phủ mờ trước lo ngại về lộ trình tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay của ngân hàng trung ương nhiều nước, cũng như những vi phạm tăng vốn ảo của một số doanh nghiệp (DN) trên sàn đang bị phanh phui.
Một số dự báo trước đó đã cho rằng TTCK sẽ chịu áp lực điều chỉnh trong nửa đầu tháng 9 vì lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 0,75% trong cuộc họp vào tháng 9 này, đánh dấu lần tăng mạnh thứ ba trong năm nay và là lần tăng thứ 5 tính từ đầu năm nay. Đây cũng là yếu tố đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư suốt những tuần qua.
Trong khi đó, việc các DN tăng vốn ảo liên quan đến FLC bị công bố gần đây cũng khiến không ít nhà đầu tư đánh mất thêm niềm tin dành cho TTCK. Nhiều người e ngại không biết sẽ còn thêm những DN nào đang niêm yết trên sàn có thể vi phạm tương tự. Xu hướng một số cổ phiếu penny có tính đầu cơ giảm mạnh trong thời gian qua đã phản ảnh mối lo lắng này, trong khi phía cơ quan quản lý cảnh báo cần cẩn trọng với những giao dịch bất thường, đột biến tại cổ phiếu của DN.
Kỳ vọng sớm khởi sắc
Bất chấp những diễn biến tiêu cực kéo dài từ đầu tháng 9 đến nay, bên cạnh tâm lý bi quan, vẫn có những ý kiến tin tưởng TTCK sẽ sớm khởi sắc trở lại, có thể diễn ra từ cuối tháng 9 này.
Thứ nhất, việc FED thêm một lần tăng lãi suất mạnh tay trong tháng 9 dường như đã phản ánh vào đà sụt giảm của giá hàng hóa kéo dài trong những tuần gần đây, do đó khi thông tin chính thức được công bố, thị trường sẽ dỡ bỏ gánh nặng này. Thứ hai là những dữ liệu kinh tế lạc quan hơn được công bố trong quý III có thể hỗ trợ cho thị trường và giúp tâm lý nhà đầu tư được cải thiện. Với GDP quý III được dự báo tăng trưởng hai con số, sản xuất, kinh doanh tiếp tục xu hướng mở rộng, thặng dư thương mại hàng hóa cao hơn hay lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt, từ đó sẽ giúp giảm bớt sức ép lên chính sách tiền tệ. Thứ ba, mùa công bố báo cáo tài chính quý III đến gần cũng kỳ vọng sẽ thúc đẩy dòng tiền tham gia TTCK nhiều hơn, luân chuyển linh hoạt hơn.
Với GDP quý III được dự báo tăng trưởng hai con số, sản xuất, kinh doanh tiếp tục xu hướng mở rộng và mùa công bố báo cáo tài chính quý III đến gần, kỳ vọng sẽ thúc đẩy dòng tiền tham gia TTCK nhiều hơn, luân chuyển linh hoạt hơn.
Trong báo cáo phát hành mới đây của Công ty Chứng khoán ACBS đã lưu ý VN-Index đang giao dịch ở mức giá hấp dẫn cho cả nhà đầu tư dài hạn và ngắn hạn, với tăng trưởng thu nhập ước tính ở mức 19% cho năm 2022, 13% cho năm 2023 - cao hơn mức trung bình của thị trường ASEAN; P/E dự phóng là 12,4 lần cho năm 2022 và 11,0 lần cho năm 2023 - thấp hơn mức trung bình của các thị trường ASEAN trong năm 2022 và 2023. Về triển vọng dài hạn, ACBS tin rằng các thị trường niêm yết của Việt Nam có vị thế tốt để tiếp tục phát triển cùng với nền kinh tế nói chung.
Dựa trên việc nối lại các chuyến bay quốc tế, kết hợp với hiệu ứng tích cực từ gói tài chính tiền tệ của Việt Nam giúp thu nhập DN vượt kỳ vọng và tâm lý nhà đầu tư lạc quan hơn vào cuối năm khi các vấn đề thế giới và trong nước được giải quyết hoặc có dấu hiệu đáng kể cho thấy điều tồi tệ nhất đã qua. Dựa trên tình huống đó, ACBS kỳ vọng thu nhập sẽ tăng và bội số thu nhập sẽ quay trở lại mức 15 lần, đưa chỉ số VN-Index đạt mức 1.500-1.600 điểm.