Mỗi năm Nga chi hàng trăm tỉ USD nhập khẩu hàng nông sản, dệt may, tiêu dùng... Đây là những mặt hàng VN có thế mạnh. Việc Nga cấm nhập khẩu nông sản từ các nước phương Tây đang mở cơ hội lớn cho các doanh nghiệp VN đẩy mạnh xuất khẩu và đầu tư vào thị trường cực kỳ tiềm năng này.
Thời cơ đã tớiHàng nông thủy sản đang có cơ hội lớn vào Nga - Ảnh: Chí Nhân
Theo ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển VN (BIDV), chỉ tính riêng trái cây mỗi năm Nga nhập từ châu Âu 5,5 tỉ USD. Còn ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty Hùng Vương cho biết mỗi năm Nga nhập khẩu thủy sản đạt giá trị trung bình 15 tỉ USD, trong khi VN mới chỉ xuất sang Nga 200 triệu USD.
Ông Phạm Phú Cường, Phó tổng giám đốc Tập đoàn dệt may VN (Vinatex), cho hay năm 2013 dệt may VN xuất khẩu 21 tỉ USD, chiếm 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (chủ yếu vào Mỹ, Nhật Bản, châu Âu) nhưng chưa “đụng” gì vào thị trường Nga. Trong khi năm 2012, ngành dệt may của Nga nhập khẩu đến 38 tỉ USD, chủ yếu từ Trung Quốc (chiếm 80%) và phần còn lại là Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiện do tình hình chính trị giữa Nga và các nước phương Tây đang căng thẳng dẫn tới việc Nga cấm nhập khẩu nông sản và thực phẩm từ các nước này. Trong khi đó, VN đang đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Liên minh Hải quan (Nga, Belarus và Kazakhstan), dự kiến có thể kết thúc trong năm nay. Theo ông Trần Ngọc Quân, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công thương), ít nhất 80% hàng hóa VN vào đây sẽ được miễn thuế. Đặc biệt, hàng tiêu dùng sẽ được hưởng lợi lớn do Nga không tập trung vào các ngành công nghiệp này.
Theo ông Dương Ngọc Minh, hiện hàng thủy sản của VN và Trung Quốc, Thái Lan vào thị trường Nga đang cùng chịu mức thuế suất 18%. Nếu FTA được ký kết thì tính cạnh tranh của hàng hóa chúng ta tăng lên rất cao so với các đối thủ khác. Chúng ta không chỉ có thị trường 140 triệu dân của Nga mà là cả thị trường của Liên minh Hải quan lên đến 200 triệu dân. "Tôi mơ đặt được một cơ sở hay một điểm tái chế sản phẩm để phân phối tại thị trường Nga. Hiện nay đầu tư ra nước ngoài thủ tục còn nhiêu khê. Tôi nghĩ nhà nước phải cải cách thủ tục nhanh hơn vì đây còn là cơ hội để nông dân VN bán sản phẩm vào thị trường này", ông Minh nói.
Theo các chuyên gia, đây là một thị trường tương đối dễ tính và phù hợp với hàng hóa trong nước. Mặt khác, một số nước khác như Armenia, Kyrgyzia cũng đang có ý định tham gia Liên minh Hải quan, mở thêm cơ hội cho hàng hóa VN đẩy mạnh vào thị trường này.
Mở khu công nghiệp tại Nga
Ông Trần Ngọc Quân cho biết, trong quan hệ đầu tư, tính đến tháng 6.2014 có 101 dự án đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga tại VN với tổng số vốn đăng ký gần 2 tỉ USD, xếp thứ 18 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào VN. Trong khi đó, VN đầu tư vào Nga 17 dự án với tổng số vốn 2,4 tỉ USD, đứng thứ 3 trong số các nước và vùng lãnh thổ mà VN đầu tư ra nước ngoài. Hiện Nga đang kêu gọi và ưu tiên doanh nghiệp (DN) VN đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp nhẹ của Nga. BIDV đang phối hợp với Vinatex mở khu công nghiệp nhẹ phía tây bắc Moscow, dự kiến có diện tích khoảng 119 ha và có thể mở rộng giai đoạn 2 - 3 lên đến 1.000 ha. Giai đoạn 1 của dự án sẽ được khởi công trong quý 4/2014 bằng việc xây dựng cơ sở hạ tầng và lấy các dự án của Vinatex làm hạt nhân.
Theo ông Phạm Phú Cường, dự án Vinatex đầu tư vào Nga sẽ bao gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 dự kiến khởi công vào tháng 1.2015, với tổng giá trị đầu tư 50 triệu USD, xây dựng 3 nhà máy dệt, nhuộm và thu hút khoảng 5.000 công nhân, trong đó sẽ thu hút những người Việt đang làm ăn bất hợp pháp tại Nga vào làm và giúp đỡ họ trở thành những lao động hợp pháp.
Đây là điều mà chính quyền Moscow đã cam kết hỗ trợ lao động bất hợp pháp người Việt. Giai đoạn 2 có tổng đầu tư 450 triệu USD, tiếp tục mở rộng để nâng công suất nhà máy và nâng số lao động lên 10.000 người như cam kết với Thống đốc Moscow. Hiện nay, ở thị trường châu Âu, dệt may VN đang bị cạnh tranh quyết liệt từ Indonesia và Myanmar. Chính vì vậy, chiến lược của Vinatex là vừa đầu tư vào dệt nhuộm và may để tận dụng toàn bộ giá trị gia tăng vừa biến nơi này thành đầu mối tiếp nhận nguồn hàng đem về trong nước. Bên cạnh đó sẽ mở hệ thống trung tâm phân phối bán lẻ để đưa hàng hóa trong nước sang Nga.
Để đẩy mạnh xuất khẩu và đầu tư vào Nga, ông Hà cho biết BIDV sẽ có gói tín dụng 3.000 tỉ đồng hỗ trợ các DN xuất khẩu hàng hóa sang Nga, với lãi suất thấp hơn lãi suất vay thông thường. Bên cạnh đó là gói tín dụng 50 triệu USD cho các DN vay đầu tư vào khu công nghiệp nhẹ tại Nga với lãi suất thấp hơn 1,5 - 2% lãi suất thị trường và cho vay đến 75% giá trị đầu tư dự án trong thời gian vay tối đa lên đến 10 năm.
Nga mở cửa cho nhiều doanh nghiệp thủy sản VN Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản - Nafiqad (Bộ NN-PTNT) cho biết Nga tiếp tục gỡ bỏ lệnh tạm đình chỉ nhập khẩu thủy sản và cho phép thêm một số DN VN, gồm DNTN Anh Long, chi nhánh Công ty CP thủy sản số 1 - Nhà máy chế biến thực phẩm Tân Phú Trung, Xí nghiệp đông lạnh AGF9 (Công ty CP xuất nhập khẩu thủy sản An Giang) được phép xuất khẩu thủy sản vào thị trường này. Q.Thuần |