Cơ chế giám sát doanh nghiệp nhà nước phải đủ mạnh

THANH HUYỀN| 24/07/2018 00:53

Việt Nam đang tìm kiếm một công cụ giám sát doanh nghiệp nhà nước (DNNN) theo cách thức của Cơ quan Hợp tác phát triển kinh tế (OECD), với các tiêu chí thường xuyên, liên tục...

Cơ chế giám sát doanh nghiệp nhà nước phải đủ mạnh

Nhà nước cần cơ chế đủ mạnh để giám sát vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ảnh: Hoàng Dũng

Thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được xem là bước ngoặt về đổi mới cách thức và công cụ giám sát DNNN. Thế nhưng, đang có những hoài nghi về cách tổ chức, trách nhiệm giải trình của ủy ban này khi tỷ suất lợi nhuận của DNNN giảm mạnh, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu giảm 39%, tỷ suất lợi nhuận trên tài sản cũng giảm tới 30% từ năm 2011 đến 2016.

Cũng giai đoạn này, tỷ trọng DNNN thua lỗ không giảm. Báo cáo năm 2016 cho thấy, 23/91 công ty, nhóm công ty mẹ - con DNNN lỗ lũy kế trên 17.000 tỷ đồng.

Việc quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, công tác giám sát kinh doanh của DNNN đã và đang bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, tạo lỗ hổng làm lãng phí, thất thoát nguồn lực nhà nước tại khu vực này.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp dự kiến sẽ quản lý một nguồn lực rất lớn, gồm 820 tỷ đồng vốn cùng 1,5 triệu tỷ đồng tài sản nhà nước. Tuy nhiên, đang có nhiều nghi ngại về cách thức tổ chức và trách nhiệm giải trình của ủy ban này khi mà cơ chế giám sát hiện hành bị xem là kém hiệu quả và thiếu hiệu lực.

Link bài viết

Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội năm 2018 về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DNNN và cổ phần hóa giai đoạn 2011 - 2016 cho thấy, việc thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu, kiểm soát nội bộ chưa hiệu quả là nguyên nhân dẫn đến những vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Việc yêu cầu đổi mới giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan là rất cần thiết trong tiến trình cơ cấu lại DNNN, nhưng để giám sát hiệu quả thì phải thu hẹp tối đa phạm vi hoạt động và số lượng DNNN. Bên cạnh đó, cần có quy định minh bạch về trách nhiệm của các cơ quan quản lý vốn nhà nước tại DNNN.

Các cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu, ban hành quy định pháp lý một cách đồng bộ, phù hợp cũng như đẩy mạnh việc kiểm tra để kiểm soát tốt tình hình.

Theo ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), lâu nay công tác giám sát DNNN vẫn là "giám sát sau" và "thụ động". Việc áp dụng cơ chế của một cơ quan quản lý nhà nước cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có thể dẫn đến không hoàn thành mục tiêu. Nếu cứ làm dần rồi rút kinh nghiệm, rất lâu nữa mới có thể chuyển đổi được cách thức và công cụ giám sát DNNN.

Dự thảo các nghị định về cơ quan đại diện chủ sở hữu, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang được xây dựng. Viện trưởng CIEM cho rằng, đối với cơ quan chuyên trách chủ sở hữu, cần tách chức năng chủ sở hữu ra khỏi chức năng khác để tập trung vào công việc như một người đầu tư vốn, như một cổ đông, như một thành viên trong công ty. Khi đó, chủ sở hữu sẽ thực hiện chức năng giám sát, sử dụng các nguồn lực, nguồn vốn của DNNN, cũng như giao chỉ tiêu cho doanh nghiệp rõ ràng về hiệu quả.

TS. Cung cho rằng, cần nhìn Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp như một chủ sở hữu, có vai trò như một nhà đầu tư, dù nó trực thuộc Chính phủ. Điều kiện để cho cơ quan này hoạt động hiệu quả là ngừng áp đặt những quy định về quản lý đối với công chức, viên chức và không đánh giá nhân sự cơ quan này theo cách thức như nhân sự các cơ quan hành chính hiện nay.

Các tiêu chuẩn tuyển dụng phải theo yêu cầu của thị trường, quy tắc của đầu tư và kinh doanh, không phải áp dụng nguyên tắc của quản lý nhà nước. Nhân sự của Ủy ban phải được lựa chọn từ doanh nghiệp, có thể từ doanh nghiệp tư nhân, đó là những người hiểu về công việc kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cơ chế giám sát doanh nghiệp nhà nước phải đủ mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO