Ảnh: Huỳnh Anh Dũng |
Nghị quyết 54 được Quốc hội ban hành cuối năm 2017 cho phép thí điểm chính sách, cơ chế đặc thù để TP.HCM chủ động trong phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, tại hội thảo do Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM (HIDS) và BáoDoanh Nhân Sài Gòn phối hợp tổ chức, các đại biểu và nhà nghiên cứu cho rằng đến nay vẫn còn lúng túng, chưa vận dụng hiệu quả cơ chế này để nâng cao năng lực cạnh tranh giúp doanh nghiệp bứt phá.
Tận dụng nguồn lực
Theo TS. Huỳnh Thanh Điền, phải nhìn nhận bài toán nguồn lực cho phát triển doanh nghiệp hiện nay không chỉ trong phạm vi thành phố, quốc gia mà còn tính toán đến nguồn lực toàn cầu. Nhà nước tạo môi trường kinh doanh, hạ tầng công nghệ thuận lợi và thúc đẩy doanh nghiệp kết nối nguồn lực để phát triển. Với cơ chế đặc thù, TP.HCM cần tận dụng nguồn lực, kết nối hiệu quả và chủ động hơn trong việc thực hiện vai trò tiếp sức cho doanh nghiệp.
TS. Điền lý giải, để làm được điều đó, cần nhận diện được xu thế di chuyển và cơ hội sử dụng, đánh giá lại năng lực khai thác nguồn lực. Dẫn chứng cơ cấu phát triển ngành nghề tại TP.HCM, ông chỉ ra sự kém hấp dẫn của ngành công nghiệp, với tỷ lệ các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo những năm qua đều giảm và tăng trưởng thấp, khiến thành phố mất đi lợi thế thu hút đầu tư cho sản xuất công nghiệp so với các địa phương khác.
Số liệu 10 tháng đầu năm 2018 cho thấy lĩnh vực thương mại, dịch vụ hiện đóng góp hơn 60% GRDP, trong khi công nghiệp chỉ chiếm 18%. Đầu tư vào các ngành thương mại bán lẻ và bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng cao 27,7% và 20,2%, trong khi hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ chỉ 13,4%.
"Khi nhà đầu tư chú tâm vào lĩnh vực bất động sản, dẫn đến tình trạng đầu cơ khiến bất động sản bị đóng băng, đẩy chi phí vào mặt bằng cao. Chi phí thuê mặt bằng cao ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nếu không giải quyết được cái gốc của vấn đề thì dòng đầu tư vẫn cứ tập trung vào đây", ông Điền nói.
Doanh nghiệp cần trang bị năng lực để phòng vệ cũng như tận dụng các cơ hội do các hiệp định thương mại mang lại. Thế nhưng phần lớn doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu định hướng xuất khẩu, quản lý sản xuất chưa theo chuẩn mực quốc tế nên lúng túng khi hội nhập.
Hơn nữa, sự liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất đầu cuối, doanh nghiệp sản xuất phụ trợ và doanh nghiệp phân phối rời rạc ngay cả tại thị trường trong nước thì khó có sự liên kết để ra nước ngoài. Sự kết nối lỏng lẻo với khối FDI cũng làm hạn chế khả năng gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp Việt.
Cải thiện dịch vụ công
Phân tích chính sách trợ giúp doanh nghiệp tại TP.HCM, ông Điền cho là đầy đủ, từ cải cách thủ tục hành chính, bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu sản xuất cho đến kích cầu thông qua đầu tư, xúc tiến thương mại..., nhưng hoạt động hỗ trợ rời rạc khiến doanh nghiệp khó tiếp cận. Bên cạnh đó, công tác tư vấn hạn chế, đội ngũ cán bộ hưởng lương thiếu năng động, nhiệt tình.
"Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp không thiếu gì, cả công nghệ lẫn tài chính, nhưng khả năng tiếp cận của doanh nghiệp lại rất thấp, do không phát triển năng lực tư vấn, hỗ trợ, không có đầu mối tháo gỡ khó khăn, nên không loại trừ khi không có nguồn ngân sách thì lại thu hẹp các điều kiện, thành ra chính sách phản tác dụng", ông Điền đánh giá.
Theo các chuyên gia, một trong những rủi ro khi triển khai cơ chế đặc thù là chính quyền bàn quá nhiều đến cơ chế mở rộng và tăng nguồn thu, trong khi doanh nghiệp và người dân trông chờ các giải pháp sáng tạo từ cơ chế đặc thù thành phố được hưởng. Ông Điền đề nghị thành phố vận dụng cơ chế đặc thù phát triển năng lực tư vấn doanh nghiệp tiếp cận chính sách, tăng cường chất lượng công vụ, thậm chí triển khai mô hình thu phí một cách hiệu quả để giảm tình trạng "cò”.
Tương tự, TS. Nguyễn Văn Trình - Phó Viện trưởng HIDS cũng cho rằng cần cải thiện đời sống cán bộ, khuyến khích họ làm việc tốt hơn, giảm nhũng nhiễu, thậm chí làm việc cho Nhà nước nhưng tìm cách thành lập doanh nghiệp "sân sau", gây ảnh hưởng không tốt đến môi trường kinh doanh.
"Chính sách khoan sức dân sẽ tạo ra nguồn thu lớn hơn, giảm chi phí cho doanh nghiệp và tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng hơn, nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, thu hút nhân tài cho bộ máy", ông nói.
Theo TS. Điền, cần chú trọng ưu tiên việc tạo ra bầu không khí phấn khởi cho doanh nghiệp làm ăn, môi trường làm ăn phải thay đổi trước khi cơ chế tự chủ có thể được vận hành. Khi chưa tạo được bầu không khí như vậy mà đã bàn đến các giải pháp tăng nguồn thu ngân sách sẽ là gánh nặng cho doanh nghiệp từ cơ chế đặc thù.
"Cần gia tăng nguồn thu ngân sách thông qua thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, khi nhiều doanh nghiệp được thành lập, tạo ra nhiều nhu cầu nhân lực, mở rộng quy mô và kinh doanh hiệu quả thì nguồn thu ngân sách sẽ tăng lên một cách bền vững", ông Điền góp ý.
Các chuyên gia đưa ra 4 điểm đột phá trong chính sách tiếp sức cho doanh nghiệp TP.HCM:
- Tích cực cải cách hành chính và tạo động lực cho cán bộ, công chức nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, lấy mục tiêu xây dựng chính quyền với tinh thần kiến tạo và phục vụ làm trọng tâm;
- Cơ chế, chính sách hạn chế đầu cơ bất động sản gây đóng băng tài sản, tổn thất nguồn lực xã hội. Để ngăn chặn, cần sử dụng đòn bẩy kinh tế theo nguyên tắc đầu cơ phải chịu thuế và phí cao. Chính sách thuế tài sản tạo sự bình đẳng cho cả doanh nghiệp lẫn người dân;
- Bên cạnh đánh thuế đầu cơ, cần tạo nhiều cơ hội lựa chọn cho đầu tư thực. Hoạt động trợ giúp doanh nghiệp nên chú trọng vào mở rộng thị trường, phát triển công nghệ, nguồn nhân lực và năng lực quản trị sản xuất, tín dụng... Cần xây dựng chương trình đặc biệt giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực thích ứng với bối cảnh hội nhập và tiếp cận xu thế công nghiệp 4.0;
- Kiến tạo cơ chế huy động vốn đầu tư hạ tầng giao thông, logistics, công nghệ. Quan trọng nhất là kiến tạo các dự án công vừa hấp dẫn tư nhân, vừa tạo ra tiện ích cho cộng đồng, góp phần phát triển văn minh đô thị.
TS. Điền cũng khuyến cáo tránh rủi ro khi vận dụng cơ chế đặc thù, đó là chính quyền dễ bị thiên lệch về các cơ chế gia tăng nguồn thu thông qua tăng thuế, phí và lệ phí. Điều này dễ tạo ra sự hoài nghi đối với cộng đồng doanh nghiệp về lợi ích họ nhận được từ cơ chế đặc thù, khó khuyến khích họ đồng hành với các chương trình do thành phố kiến tạo.
"Thay vào đó nên gia tăng nguồn thu từ các đòn bẩy kinh tế để ngăn chặn đầu cơ, cổ phần hóa doanh nghiệp, giao đất theo cơ chế minh bạch", ông Điền nói.
Ông Cao Thanh Bình - Phó trưởng Ban Kinh tế ngân sách HĐND TP.HCM cho biết qua một năm thực hiện cơ chế theo Nghị quyết 54 cho thấy hiệu quả chưa rõ ràng, vẫn là những bước đi, kế hoạch, ý tưởng của các đơn vị. Thành phố dù nhận thấy tiềm năng và cơ hội phát triển nhưng vẫn còn vướng cơ chế pháp lý cần tháo gỡ.
"Ý kiến của các đại biểu rất sát với nhu cầu thực tế và cần có sự hỗ trợ để giúp doanh nghiệp phát triển. Chúng tôi sẽ tổng hợp đề xuất để đưa ra bàn thảo tại HĐND TP.HCM, làm sao giúp doanh nghiệp vận dụng cơ chế đặc thù của thành phố để nâng cao sức cạnh tranh, tạo môi trường thông thoáng để doanh nghiệp phát triển ngày một tốt hơn", ông Bình phát biểu.