Thời sự

Cơ chế đặc thù sẽ tạo cơ hội cho TP.HCM bứt phá

Hồng Nga 26/09/2024 7:00

Với những cơ chế đặc thù về quản lý đầu tư, tài chính, ngân sách, về tổ chức bộ máy chính quyền, về quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường, về tiển lương, về ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược… Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đã tạo cơ hội lớn cho TP.HCM phát triển nhanh và bền vững.

Sau hơn một năm triển khai thực hiện Nghị quyết 98, TP.HCM đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận. Một trong những kết quả tích cực là việc huy động được nhiều nguồn lực xã hội, đồng thời đẩy mạnh các công trình hợp tác công tư (PPP) nhằm phát triển hạ tầng giao thông và các lĩnh vực quan trọng khác. Thành phố đã thông qua chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư hơn 85 công trình giao thông với hơn 55.000 tỷ đồng, mở rộng, hiện đại hóa 5 chặng đường bộ hiện hữu; các công trình lớn như cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường Vành đai 3 đang đạt tiến độ thi công… Bên cạnh đó, TP.HCM đã chứng minh khả năng dẫn đầu trong việc triển khai các chính sách đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Nghị quyết 98 đã giúp TP.HCM giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, đồng thời tăng cường khả năng cạnh tranh với các đô thị lớn trong khu vực. Chính sách đổi mới, sáng tạo đã mở ra những cơ hội lớn cho Thành phố trong việc phát triển mô hình kinh doanh bền vững và thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, việc triển khai Nghị quyết 98 vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những vấn đề lớn nhất là việc thực thi cơ chế phân quyền vẫn chưa đủ mạnh và đồng bộ. Theo TS. Trần Du Lịch, mặc dù TP.HCM đã được trao quyền tự chủ cao hơn nhưng các thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, phức tạp, làm chậm tiến độ xây dựng nhiều công trình trọng điểm. Tình trạng này khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai dự án và thu hút đầu tư. Việc huy động nguồn lực tài chính để xây dựng các công trình lớn vẫn gặp không ít khó khăn. Nhiều công trình cần nguồn vốn lớn nhưng Thành phố chưa xác định được số tiền cụ thể, trong khi quy trình cấp phép và quản lý công trình còn chồng chéo, chậm trễ, gây mất niềm tin đối với các nhà đầu tư. PGS-TS. Trần Hoàng Ngân cho rằng, việc thiếu hụt nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực đổi mới, sáng tạo và khoa học công nghệ là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trì trệ trong phát triển bền vững của Thành phố.

5685868.jpg
TP.HCM đã thông qua chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư hơn 85 công trình giao thông với hơn 55.000 tỷ đồng

Việc phát triển kinh tế bền vững, đặc biệt là chuyển đổi xanh và chuyển đổi số cũng gặp những thách thức nhất định. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực khuyến khích doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh, nhưng việc giám sát và thực thi quy định về môi trường vẫn còn nhiều hạn chế. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp chưa thực sự chú trọng đến sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường, dẫn đến hiệu quả chưa cao trong việc bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn.

Để giải quyết các thách thức này và đạt được kết quả tốt hơn trong năm 2025, theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính, môi trường, TP.HCM cần tập trung vào một số giải pháp chính. Trước hết, cải cách hành chính cần được thực hiện triệt để để giảm thiểu thủ tục rườm rà, chồng chéo, tăng tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý, xây dựng công trình. Việc phân quyền cần phải được làm rõ và đi kèm với cơ chế giám sát chặt chẽ để đảm bảo các cơ quan, địa phương tự chủ trong việc ra quyết định mà không làm mất đi tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Việc huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài cần được đẩy mạnh thông qua đơn giản hóa quy trình cấp phép và tăng cường chính sách bảo hộ đầu tư. Quy trình quản lý công trình cũng cần được cải thiện để đảm bảo tính nhất quán và minh bạch, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. TP.HCM cũng cần đầu tư mạnh mẽ hơn vào các chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ và đổi mới, sáng tạo. Điều này sẽ giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của Thành phố trên thị trường quốc tế, đồng thời đảm bảo TP.HCM có đủ nhân lực để thực hiện chiến lược phát triển dài hạn.

Thành phố cần có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực chuyển đổi xanh và phát triển bền vững một cách hiệu quả, bao gồm hỗ trợ tài chính, tư vấn kỹ thuật và đào tạo. Đặc biệt, DN nhỏ và vừa cần được khuyến khích tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh để tạo sự lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp. Song song đó, TP.HCM cần ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đô thị để tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh và thu hút đầu tư. Các công trình giao thông trọng điểm cần được hoàn thành đúng tiến độ để giảm áp lực lên hệ thống giao thông hiện tại, đồng thời mở ra cơ hội phát triển sản xuất, thương mại.

Nghị quyết 98 đã tạo ra những cơ hội lớn cho TP.HCM nhưng để hiện thực hóa tiềm năng đó, Thành phố cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ trong quản lý hành chính, tài chính và nguồn nhân lực. Nếu thực hiện tốt các giải pháp trên, TP.HCM sẽ phát triển mạnh mẽ, khẳng định vai trò là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cơ chế đặc thù sẽ tạo cơ hội cho TP.HCM bứt phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO