Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025: Tập trung vào 7 lĩnh vực

Nguyễn Hoàng| 29/12/2020 05:36

Theo "đặt hàng" của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đang đánh giá quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Kết quả nghiên cứu sẽ đóng góp trực tiếp cho quá trình soạn thảo Đề án Cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hậu Covid-19 giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030 (Đề án Cơ cấu lại nền kinh tế) để trình Chính phủ và Quốc hội trong năm 2021.

Tại dự thảo Đề án Cơ cấu lại nền kinh tế, CIEM tập trung phân tích 7 lĩnh vực tái cơ cấu nền kinh tế, bao gồm: doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công, tổ chức tín dụng, ngân sách nhà nước, dịch vụ sự nghiệp công, tái cơ cấu ngành, phát triển doanh nghiệp tư nhân.

Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã đạt được nhiều kết quả. Đến năm 2020, dự kiến 16 trong số 23 mục tiêu lớn được giao tại Nghị quyết 27 năm 2017 của Chính phủ hoàn thành và có khả năng hoàn thành, chiếm gần 70%. Nhưng trong quá trình ấy, đầu tư công vẫn còn dàn trải, chậm tiến độ, hiệu quả không cao. Thu ngân sách chưa bền vững. Đối với doanh nghiệp nhà nước, mục tiêu nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh, kế hoạch cổ phần hóa chưa hoàn thành. Quá trình tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm, đặc biệt về tài chính. Quy mô, năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng còn hạn chế, việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém chưa được triển khai dứt điểm, nợ xấu tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Untitled-1-3636-1609137393.jpg

Dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đã làm kinh tế Việt Nam suy giảm tăng trưởng, thậm chí là suy thoái trên diện rộng trong năm 2020. Theo CIEM, Việt Nam chưa đạt được các mục tiêu của giai đoạn 2011-2020, nhất là những mục tiêu quyết định khả năng vượt bẫy thu nhập trung bình. Tăng trưởng có cải thiện nhưng cơ bản vẫn theo chiều rộng. Hiệu quả sử dụng nguồn lực kém. Thị trường nhân tố sản xuất chưa phát triển. Tỷ lệ nội địa hóa thấp, kinh tế tư nhân còn yếu.

Cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tiếp tục được đặt ra trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó, cần tập trung nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực thông qua phát triển đồng bộ các loại thị trường kết hợp với khai thác cơ hội của công nghệ số, khuyến khích đổi mới sáng tạo. Những kết quả triển khai cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm (đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và tổ chức tín dụng) là tiền đề quan trọng để trong giai đoạn 2021-2025 tập trung phát triển một bước, đồng bộ hơn hệ thống các loại thị trường, từ đó xây dựng môi trường kinh doanh cạnh bình đẳng, thuận lợi, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Theo TS. Cao Viết Sinh - nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ cấu lại nền kinh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030 nên tập trung vào ba điểm trọng yếu, đó là năng suất lao động, khả năng cạnh tranh và khả năng chống chịu của nền kinh tế. Đó là những yếu tố quyết định sức khỏe của nền kinh tế Việt Nam. 

Cơ cấu lại nền kinh tế có phạm trù rộng, trong khi những nỗ lực cơ cấu lại nền kinh tế thời gian qua mới chủ yếu là "làm sạch các hậu quả để lại từ giai đoạn phát triển trước". 

Theo CIEM, sửa đổi Luật Đất đai theo hướng bỏ giới hạn đối tượng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, kéo dài thời hạn giao đất, bỏ hoặc nâng mức hạn điền, xây dựng tác nhân thị trường, hỗ trợ thị trường quyền sử dụng đất là một trong những điều kiện để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Năm 2020, biến đổi khí hậu đã gây ra rất nhiều hậu quả. Diễn biến ấy cần được xem xét trong Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế. Đề án cũng nên tập trung phân tích hiện trạng và giải pháp làm thay khả năng cạnh tranh, khả năng chống chịu trước các biến cố bất thường. Hơn thế, các yếu tố này cần đặt trong chuẩn mới theo điều kiện thị trường để tìm ra con đường đổi mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025: Tập trung vào 7 lĩnh vực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO