Nông sản Việt: Đừng lãng phí chỉ dẫn địa lý

HỒNG NGA| 15/04/2018 06:44

Việc xây dựng, khai thác và quản lý càng nhiều sản phẩm có chỉ dẫn địa lý sẽ mang lại càng nhiều lợi ích kinh tế cho nông sản Việt Nam.

Nông sản Việt: Đừng lãng phí chỉ dẫn địa lý

Vải thiều Thanh Hà - một đặc sản kinh tế gắn liền với địa danh. Ảnh: X.Thảo

Cụ thể, chỉ dẫn địa lý có thể giúp sản phẩm có giá bán gấp 50 lần so với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Thế nhưng, lợi thế này đang bị lãng phí.

Nguồn lợi lớn từ chỉ dẫn địa lý

Cuối tháng 1/2018, dừa xiêm xanh Bến Tre đã được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý - dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm chất lượng, uy tín có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Đây là tin vui cho người dân Bến Tre khi mở ra triển vọng mới trong việc kinh doanh sản phẩm từ cây dừa. Chỉ riêng dừa trái uống nước đã là nguồn thu đáng kể. Các thống kê cho thấy, thị trường nước dừa tươi thế giới đạt 22 tỷ USD trong năm 2016, tăng so với mức 533 triệu USD trong năm 2011.

Bến Tre có 40% dân số trồng dừa và cũng chiếm gần 40% tổng diện tích trồng dừa cả nước. Lợi thế có chỉ dẫn địa lý chắc chắn đem lại cho Bến Tre nhiều lợi ích khi xây dựng chuỗi phát triển từ dừa.

Bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (Hội) cho biết, tại cuộc kết nối với thương nhân Thái Lan do Hội tổ chức năm 2017, các sản phẩm mặt nạ dừa, thảm xơ dừa của Việt Nam được doanh nghiệp nước ngoài đặt vấn đề hợp tác kinh doanh lâu dài. Các sản phẩm khác như dây thừng dừa, cám dừa, chỉ xơ dừa, giá thể nông nghiệp... cũng được giới kinh doanh nước ngoài quan tâm.

Link bài viết

Việt Nam có nhiều đặc sản có giá trị kinh tế, gắn liền với các địa danh như nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Thanh Hà, chè Thái Nguyên, bưởi Năm Roi, vú sữa Lò Rèn... Tính đến tháng 3/2018, Việt Nam đã bảo hộ 66 chỉ dẫn địa lý với khoảng 1.000 sản vật, trong đó có 60 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và 6 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài.

Chia sẻ tại Hội thảo Vai trò của chỉ dẫn địa lý trong phát triển kinh tế địa phương do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức hồi tuần trước, bà Delphine Maria Vivian đến từ Trung tâm Hợp tác quốc tế nghiên cứu nông nghiệp vì sự phát triển - CIRAD (Pháp) cho biết, có 4 lợi ích từ chỉ dẫn địa lý: mang lại giá trị gia tăng cho nhà sản xuất; giúp doanh nghiệp và địa phương chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng; quảng bá sản phẩm địa phương, thu hút khách du lịch; giúp bảo vệ, gìn giữ những nét văn hóa truyền thống ở địa phương. Nếu các chỉ dẫn địa lý được khai thác tốt sẽ mang lại nguồn lợi rất lớn cho Việt Nam.

Trên thực tế, các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý được bán với giá cao hơn rất nhiều lần so với sản phẩm không có chỉ dẫn địa lý. Ông Trần Anh Tuấn - Giám đốc Công ty The Pathfinder đưa dẫn chứng cụ thể về chỉ dẫn địa lý của Campuchia. Hiện nay, Campuchia chỉ có 2 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý là tiêu và thốt nốt nhưng đã khai thác rất tốt giá trị lợi thế này bằng cách chú trọng vào chất lượng, tập trung vào một sản lượng nhỏ để xuất khẩu. Trong đó, nhờ có chỉ dẫn địa lý mà giá tiêu của Campuchia lên đến 425 USD/kg, trong khi tiêu Việt Nam chỉ có giá 8 USD/kg.

Lãng phí lớn

Tại các nước Thái Lan, Indonesia, Philippiness, Ấn Độ..., tiềm năng từ cây dừa được khai thác rất tốt. Trong đó, Ấn Độ được đánh giá là quốc gia có "nền kinh tế dừa hùng mạnh" khi rất nhiều cơ quan, ban ngành và doanh nghiệp cùng tham gia. Viện Công nghệ chế biến thực phẩm Ấn Độ đã nghiên cứu, đưa ra chương trình mới phát triển công nghệ phục vụ việc giải quyết các vấn đề sau thu hoạch.

Các sáng kiến đó đã tạo ra giá trị gia tăng cho bột nước dừa, sữa dừa, chíp dừa và rượu dừa. Trong khi đó, Việt Nam có diện tích trồng dừa khá lớn nhưng vẫn chưa được vào "bản đồ dừa thế giới". Về dừa trái, hiện mới chỉ có một doanh nghiệp xuất khẩu nhưng chủ yếu xuất sang khu vực châu Á như Singapore, Hong Kong, Đài Loan.

Bà Delphine Maria Vivian cho rằng, điều đáng tiếc nhất của Việt Nam là chỉ dẫn địa lý chưa được sử dụng nhiều và khai thác hiệu quả trong thương mại. Hiện vẫn chưa có sự hợp tác, kết nối giữa các cơ quan quản lý, nhà sản xuất và người tiêu dùng.

"Có đến 50% chỉ dẫn địa lý của nông sản Việt Nam không có người quản lý, khai thác. Chẳng hạn như chỉ dẫn địa lý quế Hưng Yên được Nhà nước ủy quyền, giao cho Hiệp hội Ngành nghề quế địa phương quản lý nhưng hiệp hội này chỉ họp đúng một lần vào ngày thành lập từ năm 2011 đến nay. Hay trà Mộc Châu có hiệp hội quản lý nhưng không khai thác hiệu quả chỉ dẫn địa lý do cả 10 thành viên đều là nhà chế biến, không có nông dân tham gia", bà Delphine Maria Vivian nêu thực tế.

Trong khi ở các nước, chỉ dẫn địa lý do các hiệp hội ngành nghề quản lý thì ở Việt Nam lại thuộc về Nhà nước. Điều này dẫn đến tình trạng rất nhiều nhà sản xuất tại địa phương được bảo hộ nhưng không sử dụng logo chỉ dẫn địa lý vì không biết mình có quyền. Và cũng vì vậy mới xảy ra việc nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột mất thương hiệu và phải kiện mới lấy lại được thương hiệu từ Trung Quốc.

Theo bà Delphine Maria Vivian, người tiêu dùng Việt Nam đã quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm nhưng lại ít thấy thông tin về chỉ dẫn địa lý trên nhãn những sản phẩm an toàn, hữu cơ... Đây là điều đáng tiếc và lãng phí khi phải bỏ công sức, tiền bạc để được chứng nhận CDĐL nhưng lại ít quan tâm, sử dụng.

Cùng với nhận định này, PGS-TS. Phạm Xuân Đà - Cục trưởng Cục Công tác phía Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, sản phẩm có chỉ dẫn địa lý giúp doanh nghiệp có được lợi thế cạnh tranh trên thị trường, rộng cửa ra thị trường thế giới. Thế nhưng các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam chưa có đánh giá đầy đủ về hiệu quả. Nếu các tỉnh đăng ký chỉ dẫn địa lý xong, giao cho địa phương và để đó, không đầu tư, khai thác thì CDĐL gần như không có giá trị.

Về mặt quản lý, hiện vẫn chưa có sự kết nối giữa các cơ quan quản lý cấp cao. Chỉ dẫn địa lý do Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, khuyến khích việc canh tác và xây dựng chuỗi, còn Bộ Công Thương xúc tiến thương mại. Thế nhưng chưa có sự liên kết giữa 3 bộ này trong việc phát triển các loại cây, trái đặc biệt để làm thành những chuỗi sản phẩm đạt đúng giá trị cao.

Để khai thác tối đa hiệu quả của chỉ dẫn địa lý, theo bà Delphine Marie Vivien, cần phải nâng cao nhận thức cho người dân và người trồng, sản xuất, kinh doanh về lợi ích, tầm quan trọng của chỉ dẫn địa lý bên cạnh việc quản lý vùng trồng, sản xuất sản phẩm hợp lý.

Các địa phương nên chú trọng việc đăng ký chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đã qua chế biến cũng như việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi đưa ra thị trường. Quan trọng hơn, "Việt Nam nên để các hiệp hội ngành nghề tham gia ngay từ đầu khi đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý vì họ hiểu rõ sản phẩm, quy trình sản xuất và sẽ bảo vệ tài sản vô hình này về sau", bà Delphine Marie Vivien tư vấn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nông sản Việt: Đừng lãng phí chỉ dẫn địa lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO