Ngành gỗ xuất khẩu: Bền, nhưng chưa vững

LỮ Ý NHI| 18/08/2018 03:32

Các doanh nghiệp ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 9 tỷ USD trong năm 2018, 10 - 11 tỷ USD năm 2019 và 18 - 20 tỷ USD vào năm 2025.

Ngành gỗ xuất khẩu: Bền, nhưng chưa vững

Để đạt mục tiêu xuất khẩu 18 - 20 tỷ USD vào năm 2025, ngành gỗ còn nhiều vấn đề cần giải quyết

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu ấy và phát triển vững chắc, vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.

Tăng trưởng đột phá

Ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) cho biết, trong 20 năm qua, ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam tăng trưởng đột phá và tạo động lực cho ngành lâm nghiệp phát triển. Hiện gỗ và các sản phẩm từ gỗ đã trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 6 của Việt Nam, chiếm 6% thị phần thế giới, đứng đầu trong khối ASEAN, thứ 2 châu Á và thứ 5 trên thế giới.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ đạt khoảng 7 - 8 tỷ USD mỗi năm. 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch của ngành đạt 4,13 tỷ USD. Ngành gỗ cũng dẫn đầu giá trị xuất siêu trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực với thặng dư trên 3,2 tỷ USD. Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm 78,5% tổng giá trị xuất khẩu của ngành.

Ông Huỳnh Văn Hạnh - Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho biết: "Sở dĩ ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu phát triển mạnh trong những năm qua là do diện tích rừng trồng tăng mạnh. Tỷ lệ sử dụng gỗ rừng trồng tăng từ 36% trong năm 2005 lên 52% trong năm 2017 và kỳ vọng sẽ tăng lên 55% năm 2020. Điều đáng ghi nhận là ngày càng nhiều doanh nghiệp ý thức vấn đề nhân lực là giá trị cốt lõi của ngành, tận dụng tốt các điều kiện về thị trường, đầu tư máy móc trang thiết bị, gia tăng giá trị thiết kế, giảm giá trị gia công, từ đó đầu tư nâng cao tay nghề cho nhân viên".

Link bài viết

Đánh giá tốc độ tăng trưởng của ngành chế biến gỗ, ông Nguyễn Tôn Quyền khẳng định, đây là tốc độ tăng trưởng bền vững. Bởi, tương ứng với tốc độ tăng trưởng của ngành, quy mô sản xuất của các doanh nghiệp cũng tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, với gần 100 doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu đạt 26 - 200 triệu USD/năm, ngành chế biến gỗ được xem là một lực lượng sản xuất rất tốt. Hơn nữa, nếu như những năm trước, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ sản xuất đồ gỗ nội thất, đồ gỗ mỹ nghệ thì nay đã sản xuất bàn ghế ngoài trời, đồ gỗ xây dựng, ván nhân tạo, đồ gỗ kết hợp vật liệu khác".

TS. Tô Xuân Phúc - cố vấn của Forest Trends (một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập năm 1996 có trụ sở tại Washington DC, Hoa Kỳ với mục tiêu thúc đẩy bảo tồn và quản lý rừng bền vững) nhận định: "Hiện tại, nguồn gỗ rừng trồng đang là một lợi thế của Việt Nam. Trong bối cảnh chế biến gỗ xuất khẩu đang tiếp tục được mở rộng về quy mô, việc đảm bảo đầu vào bền vững đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành".

Tính đến cuối năm 2017, Việt Nam có 732 doanh nghiệp gỗ có chứng nhận chuỗi hành trình, đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Trong đó, 49 doanh nghiệp được cấp chứng chỉ quản trị rừng bền vững với tổng diện tích 226.500ha.

Chưa vững chắc

Để duy trì lợi thế phát triển bền vững, điều quan trọng là các doanh nghiệp gỗ Việt Nam cần tạo ra năng suất cao hơn trên một đơn vị nguyên liệu đầu vào. Để làm được điều này, cần tạo ra chuỗi liên kết chặt chẽ từ khâu trồng rừng đến đồ gỗ xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần có cải tạo giống, nâng cao kỹ thuật canh tác để tăng năng suất và chất lượng gỗ.

Tuy rất lạc quan về sự phát triển của ngành nhưng theo ông Nguyễn Tôn Quyền, ngành chế biến gỗ Việt Nam vẫn chưa phát triển vững chắc vì còn thiếu tính cộng đồng, sự chia sẻ về kinh nghiệm, thị trường. Đặc biệt thiếu sự liên kết, hợp tác, phối hợp trong sản xuất, nhất là liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Cùng nhận định này, ông Huỳnh Văn Hạnh cho rằng, ngành chế biến gỗ vẫn còn một số bất cập, như nguồn nguyên liệu trong nước mới chỉ đảm bảo được một phần nhu cầu, chất lượng gỗ còn thấp. Để đạt mục tiêu đến năm 2025, tối thiểu đáp ứng được 80% tổng nhu cầu gỗ nguyên liệu cho ngành chế biến thì song song với phát triển rừng trồng, cần tăng dần khối lượng gỗ có chứng chỉ quốc tế đáp ứng nhu cầu thị trường. Về phía doanh nghiệp, để đảm bảo tính bền vững của chuỗi cung ứng, cần liên kết với các thành phần kinh tế vào chuỗi giá trị ngành gỗ quốc gia và toàn cầu.

Mới đây, tại buổi làm việc với các doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Đa số doanh nghiệp ngành gỗ vẫn là đơn vị gia công theo đơn đặt hàng của đối tác nước ngoài, ngành công nghiệp phụ trợ còn sơ khai nên vật liệu phục vụ chế biến gỗ như sơn, keo... vẫn phải nhập khẩu. Nguồn nhân công dồi dào nhưng chủ yếu là lao động phổ thông, năng suất thấp".

Trước những bất cập ấy, để phát triển bền vững, các doanh nghiệp thay vì phát triển bề rộng, mở rộng kim ngạch xuất khẩu, cần tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất, trong đó cần khuyến khích sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước, giảm nguồn gỗ nhập khẩu.

Bà Đỗ Thị Bạch Tuyết - Tổng giám đốc Công ty CP Woodsland đề nghị: "Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Lâm nghiệp có biện pháp hỗ trợ giảm tải các chi phí bất hợp lý trong chuỗi cung ứng, giảm xuất siêu nguyên liệu gỗ thô, bảo đảm nguyên liệu trong nước thông qua các chính sách thuế”. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành gỗ xuất khẩu: Bền, nhưng chưa vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO