Khách du lịch nước ngoài tham quan TP.HCM qua đường sông |
Ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, ngành du lịch, khách sạn đang tăng trưởng cao về lượng khách nhưng thiếu nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động đạt chuẩn quốc tế. Năm 2016, số lượng lao động trực tiếp trong ngành là khoảng 1 triệu người nhưng với tốc độ tăng trưởng của du lịch Việt Nam hiện nay, dự báo đến năm 2020, số người làm việc trong ngành này sẽ tăng lên 2,5 triệu. Tại nhiều điểm đến ở Phú Quốc, Đà Nẵng, các khách sạn đang thiếu lao động chất lượng cao, nhưng nếu tuyển dụng được, các doanh nghiệp phải đào tạo lại.
Chia sẻ về sự thiếu hụt nguồn cung lao động, bà Sim Trần - Giám đốc Thương mại Imperial Group cho biết nhiều khách sạn mới mở ở Phú Quốc, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải... "đặt hàng" cùng lúc 500 - 700 nhân viên nhiều bộ phận nhưng The Imperial International Hotel School không đủ người để cung cấp. Tại Phú Quốc có hàng trăm khách sạn cần rất nhiều nhân viên nhưng không thể tuyển người tại chỗ, đành phải đến Kiên Giang, An Giang, Rạch Giá, Cần Thơ đưa người về đào tạo.
Riêng với hướng dẫn viên du lịch, theo ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Lửa Việt Tour, là thiếu trầm trọng. Năm 2017 cả nước đón hơn 13 triệu lượt khách các nước, 7 triệu người Việt du lịch nước ngoài nhưng lực lượng hướng dân viên chưa đến 13.000 người. Mảng du lịch nội địa càng thiếu. Mỗi năm có khoảng 70 triệu lượt khách Việt đi chơi trong nước nhưng hướng dẫn viên chưa đến 10.000 người.
Cùng nhận định này, ông Nguyễn Hữu Thọ cho rằng, tiềm năng của du lịch Việt Nam vượt trội so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, ngành này đang tồn tại 4 vấn đề. Đó là cạnh tranh yếu vì thiếu chuyên nghiệp, thiếu liên kết, chưa tận dụng được công nghệ thông tin để thu hút khách du lịch và thiếu nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của ngành.
Dự báo, trong thời gian tới, tốc độ tăng trưởng của ngành từ 25 - 35%/năm, và theo kế hoạch đến năm 2020, ngành du lịch sẽ cần đến hơn 2 triệu lao động chất lượng cao, chưa kể hàng ngàn lao động cung cấp cho du lịch tàu biển.
Hiện các doanh nghiệp như Vingroup, FLC, Sun Group đang xây dựng nhiều khách sạn 4 - 5 sao tại Phú Quốc, Thanh Hóa, Phú Yên..., nên nguồn lao động chất lượng cao đang được săn đón quyết liệt. Các trường đào tạo chuyên ngành du lịch không đủ cung cấp nhân lục cho thị trường thời điểm này và chắc chắn sẽ thiếu hụt lớn trong những năm sắp tới.
Số lượng đã thiếu, chất lượng càng thiếu hơn. Theo báo cáo về thực trạng chất lượng nguồn nhân lực du lịch của Tổng cục Du lịch, tỷ lệ lao động có chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch còn thấp, chỉ chiếm 43% tổng số lao động du lịch, trong đó hơn một nửa không biết ngoại ngữ. Chất lượng thấp nên năng suất lao động ngành du lịch, khách sạn của Việt Nam chỉ bằng 1/15 của Singapore, 1/10 của Nhật Bản và 1/5 của Malaysia.
Hiện nay, thị trường nhân lực ngành du lịch - khách sạn đang đứng trước nguy cơ bị nguồn nhân lực các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia "xâm chiếm". Sau khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) ra đời, lao động Philippines, Thái Lan, Indonesia, Singapore sang Việt Nam làm việc khá đông, và hầu như các khách sạn 4 - 5 sao nào cũng có lao động nước ngoài.
Còn để phục vụ khách trên các du thuyền quốc tế 5 sao, lao động Việt Nam chủ yếu đảm nhận khâu vệ sinh, rửa chén, dọn phòng. Các bộ phận khác như tiếp tân, phục vụ bàn đều do lao động các nước Singapore, Thái Lan, Trung Quốc đảm trách. Sở dĩ có sự "phân công" như vậy vì lao động Việt Nam thua kém các nước trong khu vực về trình độ ngoại ngữ, sự tự tin trong giao tiếp và nhiều kỹ năng không đạt chuẩn quốc tế.
Bà Sim Trần cho rằng, sinh viên ngành du lịch - khách sạn Việt Nam rất yếu tiếng Anh, vì thế, sau khi ra trường phải vừa làm vừa học. Tại Phú Quốc, có khách sạn mới hoạt động được 3 tháng mà đã có đến 30% nhân viên nghỉ việc. Nguyên nhân là do kỹ năng yếu và không đủ tiếng Anh giao tiếp với khách nước ngoài.
Cách mà các doanh nghiệp trong ngành hay sử dụng là kết hợp với một trường chuyên đào tạo về du lịch - khách sạn cùng tuyển người. Sau khi có đủ quân số, trường sẽ đào tạo theo yêu cầu, tiêu chuẩn của doanh nghiệp, rồi chuyển lại cho doanh nghiệp.
Theo Hiệp hội Khách sạn Việt Nam, tính đến hết năm 2017, cả nước có 25.600 cơ sở lưu trú với 508.000 phòng, tăng 20,9% phòng so với năm 2016. Trong đó có 120 khách sạn 5 sao với 34.554 phòng, 262 khách sạn 4 sao với 34.024 phòng, 488 khách sạn 3 sao với 34.200 phòng.
Phần lớn các khách sạn ở Việt Nam có số lượng phòng ít, quy mô dưới 20 phòng chiếm tỷ trọng khoảng 65% trong tổng số khách sạn hiện nay.
Trường The Imperial International Hotel School ra đời năm 2017 cũng vì muốn cung ứng cho ngành những nhân lực theo chuẩn quốc tế. Cuối tháng 6 vừa qua, The Imperial International Hotel School đã ký kết hợp tác đào tạo với Đại học Niagara (New York, Mỹ). Ông Huỳnh Trung Nam - Chủ tịch HĐQT Imperial Group cho biết, việc hợp tác với một trường danh giá của Mỹ như Niagara nhằm cung ứng cho thị trường nguồn nhân lực chuẩn quốc tế.
Theo đó, The Imperial International Hotel School là trường đầu tiên tại Việt Nam đào tạo chuyên ngành quản trị khách sạn theo mô hình chuẩn quốc tế Hotel School.
Hai bên đặc biệt quan tâm chương trình đào tạo cử nhân thực hành quản trị khách sạn (2 năm), các khóa đào tạo quản lý kinh doanh và vận hành khách sạn (4 tháng) để góp phần giải quyết việc làm và cơ hội thăng tiến nhanh cho sinh viên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng chưa có việc làm hoặc việc làm không ổn định.
Sự kết hợp này sẽ khai thác tối đa thế mạnh của mỗi bên mà khách sạn 5 sao The Imperial Hotel Vũng Tàu là nơi để thực hành, tạo ra nguồn nhân lực cạnh tranh quốc tế. Việc hợp tác đào tạo này sẽ đáp ứng nguồn nhân sự chất lượng cao cho ngành khách sạn Việt Nam hội nhập cùng khu vực và thế giới.
Một trường chuyên ngành về đào tạo du lịch khác là Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist. Với ưu thế là "trường trong doanh nghiệp" nên Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist không chỉ đào tạo nhân lực cho riêng hệ thống Saigontourist mà còn cho những đơn vị kinh doanh lĩnh vực dịch vụ du lịch - khách sạn.
Hiện các lớp tiếp tân khách sạn 4 - 5 sao do trường đào tạo chỉ dạy bằng tiếng Anh, gần như không đủ cung ứng cho nhu cầu của các khách sạn.