Ngành công nghiệp chế biến cao su: Cơ hội từ "ngách"

NGUYÊN BẢO| 07/04/2016 08:33

Giá trị của các sản phẩm từ cao su mang lại không nhỏ nhưng các nhà sản xuất Việt Nam vẫn chưa tận dụng được hết ưu thế về vùng nguyên liệu như Thái Lan.

Ngành công nghiệp chế biến cao su: Cơ hội từ

Xuất khẩu cao su nguyên liệu có ngay "tiền tươi thóc thật", nhưng ngành công nghiệp chế biến sản phẩm từ cao su, như lốp xe, linh kiện, băng chuyền, cao su kỹ thuật, găng tay... lại được đánh giá cao vì tạo ra giá trị gia tăng lớn và bền vững.

Đọc E-paper

Cũng như gạo và cà phê, cao su được xác định là một trong 10 ngành hàng chiến lược của Việt Nam. Xuất khẩu (XK) cao su thiên nhiên của Việt Nam hiện nằm trong nhóm 5 quốc gia đứng đầu trên thế giới (theo www.worldstopexports.com).

Dẫn chứng của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cho thấy, năm 2014, cao su Việt Nam đã xuất sang 86 nước với hơn 1 triệu tấn, chiếm 11,2% thị phần thế giới, đạt kim ngạch 1,78 tỷ USD. Tuy nhiên, việc XK cao su trong khoảng ba năm trở lại đây không mấy khả quan do giá liên tục suy giảm, như năm 2015, giá trị XK giảm 10% so với 2014.

Giá cao su nguyên liệu giảm là nỗi lo của nhà nông, các doanh nghiệp (DN) chuyên trồng cao su và đơn vị XK, nhưng với ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm từ cao su lại là cơ hội để tăng doanh thu, lợi nhuận do giá nguyên liệu đầu vào giảm.

Hơn nữa, với nền kinh tế ngày càng hội nhập, các nhà sản xuất sản phẩm từ cao su cũng đang đứng trước nhiều cơ hội hợp tác mới. Tuy nhiên, để tận dụng được các cơ hội này, DN phải đầu tư dài hạn.

Tại một hội nghị quốc tế về ngành cao su gần đây, phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, để ngành cao su phát triển bền vững, thời gian tới cần tái cơ cấu theo hướng giảm XK nguyên liệu thô và tăng XK sản phẩm từ cao su.

Bởi, thực tế cho thấy, năm 2014, trên 85% sản lượng cao su nguyên liệu XK chỉ đạt gần 1,8 tỷ USD, trong khi 15% sản lượng cao su nguyên liệu được chế biến ra thành phẩm lại có giá trị XK hơn 1,5 tỷ USD, theo đó, giá trị XK tăng trên 33% mỗi năm trong giai đoạn từ 2010 - 2014.

Ngay như quốc gia có sản lượng và XK cao su lớn nhất thế giới là Thái Lan (năm 2015, cao su là một trong 10 ngành đóng góp đáng kể vào tổng giá trị kim ngạch XK của Thái), XK các sản phẩm từ cao su là một phần quan trọng trong cơ cấu chung của ngành. Cách đây hơn chục năm, trong tổng kim ngạch XK hơn 4,6 tỷ USD của Thái Lan thì các sản phẩm từ cao su chiếm hơn 1,95 tỷ USD.

Giá trị của các sản phẩm từ cao su mang lại không nhỏ nhưng các nhà sản xuất Việt Nam vẫn chưa tận dụng được hết ưu thế về vùng nguyên liệu như Thái Lan.

Hay như trường hợp của Trung Quốc, dù không thuộc top 15 quốc gia có giá trị XK cao su nguyên liệu lớn nhất thế giới nhưng lại đứng đầu về sản xuất các sản phẩm từ cao su và thứ hai thế giới trong sản xuất săm lốp xe (Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cao su nguyên liệu lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 48% sản lượng XK).

Thậm chí, theo chia sẻ của đại diện Công ty Showa Holdings, nhiều sản phẩm cao su từ Trung Quốc đã lấn sang thị trường Nhật Bản và kết quả là một số sản phẩm của DN Nhật phải dừng sản xuất do khó cạnh tranh về giá thành.

Hiện, dư địa thị trường để các nhà sản xuất sản phẩm từ cao su của Việt Nam còn khá lớn, nhưng những hạn chế về nguồn vốn, công nghệ, kỹ thuật khiến DN khó mở rộng kinh doanh và tham gia vào những lĩnh vực tạo ra giá trị gia tăng cao.

Theo báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán MBS, cả nước chỉ có ba DN quy mô lớn sản xuất các sản phẩm từ cao su, đó là Công ty CP Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina, HOSE: CSM), Công ty CP Cao su Sao Vàng (HOSE: SRC) và Công ty CP Cao su Đà Nẵng (HOSE: DRC).

Song, sản phẩm chủ lực của cả ba DN này phần lớn là săm lốp xe, trong khi sản phẩm của các công ty Trung Quốc lại "đánh mạnh" vào nhiều ngành nghề, bên cạnh nhu cầu của ngành công nghiệp ô tô, họ nhắm đến ngành xây dựng, y tế, da giày, may mặc.

Với mục tiêu khai thác tiềm năng thị trường Việt Nam khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành (cuối năm 2015), cũng như các hiệp định kinh tế quốc tế (mà Việt Nam là thành viên) và nhu cầu khá lớn từ thị trường nội địa, tháng 2/2016, Tập đoàn Showa Holdings (một trong 4 DN lớn nhất ở Nhật Bản về mảng thi công bọc cao su và nắm hơn 55% thị phần bóng soft tennis ở Nhật) đã tổ chức hội thảo kêu gọi đầu tư tại TP.HCM. Thông qua đó, Showa Holdings muốn tìm đối tác Việt Nam gia công, sản xuất một số sản phẩm cao su cho công ty mẹ ở Nhật để XK.

Ông Tatsuya Konoshita - Giám đốc Điều hành Tập đoàn Showa Holdings cho biết, trước mắt, DN sẽ phát triển mảng thi công bọc cao su tại Việt Nam, bởi mảng này không thể thiếu trong ngành công nghiệp hóa chất (phân bón), thực phẩm, điện, nhà máy đường.

Chẳng hạn, với Việt Nam, hiện có khoảng 40 nhà máy đường (đứng thứ 21 thế giới về sản lượng) cùng hàng loạt nhà máy bột ngọt, nhà máy hóa chất, nhưng ngành công nghiệp bọc cao su lại chưa phát triển, những công trình lớn đều phải thuê đối tác gia công từ Malaysia.

Hiện tại, Showa Holdings đang tìm kiếm đối tác ở Việt Nam để hợp tác, chuyển giao công nghệ nhằm thực hiện những công trình lớn về bọc cao su do Tập đoàn đảm trách tại đây.

"Giá nhân công ở Việt Nam đang khá cạnh tranh, các khoản thuế suất đang được cắt giảm, trao đổi thương mại trở nên dễ dàng hơn nên chúng tôi mong muốn tìm thêm đối tác sản xuất các sản phẩm từ cao su hiện có của Công ty và phát triển một số sản phẩm mới (dùng trong y tế), sau đó xuất ngược về Nhật, vì một số sản phẩm của Trung Quốc đang dần mất lợi thế về giá cả do chi phí đầu vào, đặc biệt là nhân công đã tăng đáng kể”, ông Tatsuya Konoshita cho biết.

Đây được xem là cơ hội cho các nhà sản xuất sản phẩm từ cao su của Việt Nam tiếp cận công nghệ mới và tăng doanh thu, trước hết là từ các hợp đồng gia công.

Phía Showa Holdings cũng chia sẻ, DN đang tìm kiếm nhà cung cấp ru lô cao su (sử dụng cho nhiều ngành như in offset, ngành dệt may, giấy và cán tole). Showa Holdings từng nằm trong top 3 về ru lô cao su ở Nhật nhưng vài năm trở lại đây đã ngưng sản xuất. Hiện tại, thị trường Nhật chỉ còn duy nhất một công ty cung cấp sản phẩm này, trong khi cầu đang có chiều hướng tăng.

Showa Holdings sẽ kinh doanh lại mảng này thông qua một nhà cung ứng sản phẩm bên ngoài Nhật Bản, nếu mọi việc thuận lợi, họ và đối tác sẽ cùng thực hiện hợp đồng 10 triệu USD trong vòng hai năm tới.

Theo ông Lê Văn Chương - Giám đốc Công ty TNHH Cao su Kỹ thuật A.67, dù có hơn 30 năm trong ngành nhưng sản phẩm của Công ty (ru lô cao su) chủ yếu tiêu thụ nội địa, kết quả kinh doanh khá ổn định và có thể cạnh tranh được với hàng Thái nhưng nếu để cạnh tranh với các thương hiệu Nhật thì không dễ. Do đó, ông Chương cũng muốn hợp tác với các DN lớn ở nước ngoài để cải tiến công nghệ và tiêu chuẩn sản phẩm.

Trong khi đó, đại diện Công ty Cao su - Nhựa Vạn Phát (xưởng sản xuất ở Long An) cho biết, đầu năm 2016, một đối tác lớn đã yêu cầu làm sản phẩm mới là băng chuyền khổ rộng (vốn mua từ Nhật Bản nhưng nay lại muốn mua từ Việt Nam), nhưng công nghệ và dây chuyền sản xuất của Vạn Phát chưa đáp ứng được nên muốn tìm đối tác lớn, sở hữu công nghệ hiện đại cùng chia sẻ lợi ích này.

Đánh giá về lĩnh vực công nghiệp chế biến các sản phẩm từ cao su, ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP.HCM cho rằng, đến nay, số DN lớn trong nước không nhiều, chủ yếu sản xuất săm lốp, còn sản xuất cao su kỹ thuật thì đa phần là DN nhỏ và vừa.

Điểm chung của các nhà sản xuất trong nước là khâu kỹ thuật còn hạn chế nên không dễ chen chân vào phân khúc cao cấp. Do đó, việc làm nhà cung ứng cho DN ngoại có quy mô lớn là cách học hỏi nhanh nhất để nhà sản xuất trong nước tạo nền tảng vững chắc và tăng dần nguồn thu.

> Cần nguồn phí xúc tiến để "giải cứu" thị trường cao su

>Công nghiệp hỗ trợ ngành cao su: Hứng mảnh vụn

> Ngành cao su Việt Nam: Ăn may thắng lớn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành công nghiệp chế biến cao su: Cơ hội từ "ngách"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO