Doanh nghiệp sản xuất khó vì thiếu nguyên phụ liệu, phí logistics tăng

Ý Nhi| 04/08/2021 05:15

Trước việc sản xuất đang gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp (DN) tiếp tục đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ từ Chính phủ và các bộ, ngành.

Doanh nghiệp sản xuất khó vì thiếu nguyên phụ liệu, phí logistics tăng

Thiếu nguyên phụ liệu, logistics tăng

Theo các doanh nghiệp (DN) Ngành Bia, rượu, nước giải khát (Ngành đồ uống): "Mặc dù Ngành đồ uống đóng cho ngân sách Nhà nước khoảng 60.000 tỷ đồng mỗi năm, trong đó đóng góp của các DN lớn chiếm tới hơn 80%. Tuy nhiên, đến thời điểm này, hầu hết các DN trong Ngành đều gặp khó khăn. Sản lượng của các DN đều sụt giảm so với năm 2020, có DN giảm sản lượng tới 50% dù áp dụng mọi biện pháp. Cũng do sản phẩm bia bị liệt vào danh mục hàng hóa, thực phẩm không thiết yếu nên một số nhà máy, DN mới thành lập vẫn còn khoản vay lớn, việc sản xuất không đủ công suất thiết kế đang khiến các DN này khó trụ nổi. 

Cũng theo quy định thì tiền thuê đất các DN tại các khu công nghiệp theo chu kỳ 5 năm sẽ thay đổi một lần theo chiều hướng tăng lên cũng đang tạo thêm gánh nặng cho DN.

PGS.TS. Trần  Quang Trung- Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cũng cho rằng: “Ngành sữa Việt Nam vẫn đang cố gắng hết sức mình vừa thực hiện phòng chống dịch vừa ổn định phát triển sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, việc bị gãy khúc chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên vật liệu dẫn đến chi phí tăng, sản xuất cũng bị ảnh hưởng".  

Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam-ông Nguyễn Triết cũng chia sẻ: “Hiện nay các DN sản xuất thuốc lá điếu, chế biến nguyên liệu, sản xuất phụ liệu bao bì đã cố gắng sắp xếp tổ chức sản xuất hợp lý, thực hiện tốt Chỉ thị 15 và 16 của Chính phủ. Hầu hết đều tập trung công nhân sản xuất tại chỗ. Tuy nhiên, các DN đang gặp khó khăn trong sản xuất do nguồn nhập khẩu và cung cấp nội địa bị hạn chế do thiếu nguyên phụ liệu. Chi phí sản xuất tăng do phải đầu tư nguồn lực cho công nhân ăn, ở, sản xuất tại chỗ và chi phí test Covid-19 định kỳ, cùng đó là chi phí logistics đang rất cao".

Theo Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI), doanh thu năm 2021 của hầu hết DN hội viên của VASI không tăng trưởng nhiều so với năm 2020, mức tăng trưởng thấp (dưới 50%) hoặc giảm doanh số. Trong khi đó, các DN đang bị chung tình trạng "chững lại các đơn hàng" cả trong và ngoài nước do phí logistics vận chuyển đang tăng cao, lưu thông hàng hóa khó khăn. Hiện có khoảng 60% số DN trong VASI có số đơn hàng đang giảm. Thế nhưng, các DN vẫn phải phải duy trì lao động. Bởi nếu ngừng sản xuất, việc tuyển dụng lao động có tay nghề, có khả năng tham gia sản xuất sau này sẽ rất khó. 

Chủ tịch VASI-Ông Lê Dương Quang cho rằng, mặc dù có sự điều chỉnh chuỗi cung ứng trên toàn cầu, khoảng 20% DN có cơ hội gia tăng đơn hàng và mở rộng sản xuất nhưng DN lại gặp khó khăn do việc tăng chi phí, đặc biệt là phí nguyên vật liệu, vận chuyển, logistics. Cùng đó, giá thuê đất tại các khu công nghiệp hiện quá cao, tín dụng ưu đãi không tiếp cận được, không đủ vốn để đầu tư mở rộng sản xuất…

"Song, nỗi lo lớn nhất của các DN là hiện nay, nhiều DN trong vùng dịch đã phải đóng cửa nhà máy, gián đoạn sản xuất  khiến nguy cơ mất đơn hàng và bị ra khỏi chuỗi cung ứng trong dài hạn", ông Quang nhấn mạnh. 

Cùng tình trạng tương tự, ông Nguyễn Chỉ Sáng- Tổng Thư ký Hiệp hội Cơ khí Việt Nam chia sẻ thêm: “Nhiều DN trong ngành Cơ khí cũng đang bị giảm mạnh đơn hàng, trong đó số đơn hàng nước ngoài bị hủy đang tăng cao, nguy cơ DN bị mất khách hàng là rất lớn. Với nhiều DN có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài, việc xuất nhập cảnh, đi lại của chuyên gia khó khăn tốn kém cũng làm tăng giá hàng hóa. Trong khi đó, các DN không tiếp cận được gói hỗ trợ của Chính phủ đặc biệt việc giãn nợ ngân hàng và vay lãi suất ưu đãi.

hinh-bai-chuyen-lam-an-chi-Nhi-7068-1628

Các DN đang khó khăn để trở lại sản xuất bình thường

Cần giải pháp và chính sách hỗ trợ mới

Theo kiến nghị của Hiệp hội thuốc lá: “Các địa phương cần nhanh chóng cấp phép cho các DN được sản xuất lại khi đã đủ điều kiện. Để việc sản xuất tại chỗ bớt gánh nặng chi phí cho DN, Bộ Tài chính cần hỗ trợ kinh phí phát sinh khi sản xuất tại chỗ.  Các địa phương tạo điều kiện cho hàng hóa là nguyên phụ liệu, thuốc lá bao được vận chuyển đến các DN sản xuất, nhà phân phối trong nước và đến các cảng để xuất khẩu. Tổng Cục Hải quan cũng cần tạo điều kiện cho các DN được giải phóng hàng hóa tại các cảng nhanh chóng và thuận lợi’.

Còn Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) thì kiến nghị: “Do nhu cầu bức thiết về hoạt động của xưởng dịch vụ để có thể cung cấp dịch vụ sửa chửa và bảo dưỡng xe đối với trường hợp khẩn cấp, đặc biệt là các xe tải để có thể duy trì việc vận tải hàng hóa thiết yếu được vận hành một cách trơn tru và an toàn. Nếu các xưởng dịch vụ thực hiện 3 tại chỗ như theo qui định chung thì được phép hoạt động ở mức độ tối thiểu để hỗ trợ các khách hàng trong các trường hợp khẩn cấp.

Đưa ra giải pháp để phục hồi thị trường sau những tháng bị suy giảm, VAMA cho rằng, giải pháp hỗ trợ 50% thuế trước bạ trong năm 2020 đã không chỉ góp phần hỗ trợ DN duy trì doanh số mà còn góp phần làm tăng thu ngân sách. Vì thế,  kiến nghị cho giảm 50% thuế trước bạ trong thời gian 6 tháng với việc áp dụng trong thời gian sớm nhất.

Với phần lớn DN không thể áp dụng 3 tại chỗ, 1 cung đường 2 địa điểm, buộc phải đóng cửa, nhưng không biết thời gian đóng cửa này kéo dài bao lâu, bà Vũ Thị Hương Giang- Giám đốc Đối ngoại Công ty TNHH Nike Việt Nam  kiến nghị, cần có lộ trình để các DN từng bước mở lại. Điều này một phần vừa gây lãng phí thời gian chuẩn bị để tái khởi động, vừa khiến DN không thể lên kế hoạch sản xuất, nhân sự trong bối cảnh hàng ngàn lao động đang rời thành phố về quê hiện nay. 

Hinh-tu-lieu-2-8766-1628065650.jpg

Phí logistics, vận chuyển tăng cao gây khó khăn cho DN

"Bên cạnh đó, dù áp dụng 3 tại chỗ,1 cung đường 2 địa điểm hoặc đóng cửa thì việc kéo dài tình trạng hiện nay quá 2-3 tuần sẽ tạo ra những thách thức mới, làm chậm lại quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh doanh của DN và của TP.HCM nói chung', bà Giang nói.

Theo bà Giang,cũng có thể áp dụng 2 tại chỗ (bỏ việc ngủ tại nhà máy). Sau một thời gian áp dụng 2 tại chỗ và việc kiểm soát dịch bệnh có chiều hướng tích cực, có thể cho phép một nửa người lao động đi làm trong nửa tháng đầu, một nửa đi làm trong nửa tháng sau, hoặc nếu làm theo ca thì bố trí công việc cho một nửa lao động của mỗi ca; Tỷ lệ này có thể linh hoạt trong một khung nhất định chứ không cần tuyệt đối phải là 50% người lao động, và có thể bàn thảo thêm để ra một số tiêu chí. Ví dụ: ưu tiên người lao động sống ở khu vực “xanh”, ít hoặc không có ca nhiễm trong cộng đồng. Duy trì xét nghiệm (test) nhanh hàng tuần và test cho nửa lao động chuẩn bị đi làm. Cách này đã được áp dụng thành công ở Campuchia và Indonesia.

Cho phép DN tự xét nghiệm nhanh theo mẫu gộp cho người lao động. Trong quá trình vận hành theo tưng giai đoạn nới lỏng trên, nếu phát hiện có F0, F1, thì tạm dừng các chuyền, xưởng liên quan, không đóng cửa toàn bộ nhà máy. Cách này có tính khả thi cao vì từ nhiều tháng nay, các đối tác của Nike đã xây dựng và áp dụng phương án phân tách nhằm giảm sự tương tác tối đa giữa các ca/chuyền/xưởng. 

Để tạo lại đơn hàng cho DN trong ngành cơ khí, ông Nguyễn Chỉ Sáng kiến nghị:“Cần tháo gỡ đấu thầu trong nước và các đại dự án tồn tại cần khởi động lại để tạo đơn hàng. Hỗ trợ giảm lãi suất vay hỗ trợ cho DN những chi phí về tổ chức sản xuất, test cho nhân viên phải thực hiện ba tại chỗ. Đối với các DN đóng và sửa chữa tàu thuyền đề nghị Bộ Y tế xem xét điều chỉnh cho phù hợp khi thuyền viên đưa tàu vào sửa chữa như đối với các đối tượng nhập cảnh bằng đường hàng không đường đường bộ. Xem xét các điều chỉnh giảm thời gian cách ly theo lịch trình tàu tính từ thời điểm tàu rời các vùng có dịch sau khi đã được xét nghiệm âm tính. Miễn tiền đóng quỹ hưu trí trong vòng hai năm, giảm chi phí bảo hiểm xã hội trong thời gian có dịch. Giảm thuế sử dụng đất trong vòng năm năm từ khi xảy ra dịch bệnh có biện pháp bình ổn giá và đảm bảo nguồn cung đặc biệt nguồn cung sách thép. Giảm thuế trước bạ 50% cho xe CKD, giãn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt tới cuối năm”.

  Ông Lê Dương Quang- Chủ tịch VASI cũng kiến nghị: “Hiện nhiều DN đang phải thực hiện 3 tại chỗ, một số nhân viên phải nghỉ việc song vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ hàng tháng là không phù hợp. Cùng đó, miễn giảm các khoản thuế và nghĩa vụ thêm từ 6 tháng – một năm như: giãn nộp các loại phí bảo hiểm (Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp, Kinh phí công đoàn), giãn nộp thuế đất, các khoản nộp thuế VAT, không tăng tiền thuê đất định kỳ trong 2 năm 2021-2022; Hỗ trợ giảm lãi suất vay từ ngân hàng thương mại". 

Hiệp hội ngành Sữa cũng đề nghị có cơ chế ưu đãi để người lao động ngành sữa có thể tiếp cận được gói hỗ trợ của Chính phủ, nhất là các DN đang ở vùng dịch bị cách ly, tạm ngừng sản xuất.

Riêng Ngành Đồ uống, kiến nghị cho phép lưu thông mặt hàng bia như mặt hàng thiết yếu khác để phục vụ nhu cầu đời sống của người dân. Thời điểm này tạm dừng chưa nên tăng giá tiền thuê đất tại các khu công nghiệp; nên giãn cách thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt; Tiếp tục duy trì, gia hạn và triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ cho các DN; không tăng thuế hay bổ sung thêm các đối tượng chịu thuế trong thời gian tới nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và tạo điều kiện cho DN vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, việc làm và thu nhập cho người lao động cũng như góp phần ổn định nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp sản xuất khó vì thiếu nguyên phụ liệu, phí logistics tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO