Để không "lạc nhịp" với cách mạng công nghiệp 4.0

HỒNG NGA - THANH NGÂN| 24/04/2018 03:37

Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống và đã mang lại những hiệu quả kinh tế lớn chưa từng có cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

Để không

Robot tự hành vận chuyển thành phẩm tại Nhà máy Vinamilk Bình Dương - Ảnh: X.Toàn

Tuy nhiên, nếu "lạc nhịp" về công nghệ, doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh, thậm chí sẽ bị đào thải khỏi thị trường.

Làn sóng công nghệ 4.0 là không thể cưỡng lại, vì vậy muốn tồn tại và phát triển trong điều kiện hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam buộc phải cập nhật xu hướng công nghệ mới, thay đổi phương thức quản trị...

Tương tác với quá trình toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0 tác động đáng kể đến Việt Nam. Những ngành hưởng lợi nhiều nhất là du lịch, thương mại, công nghệ thông tin, giáo dục, y tế, xây dựng và một số ngành có thể bị tác động tiêu cực như năng lượng, điện, điện tử, công nghiệp chế tạo, dệt may.

Chia sẻ về tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, PGS-TS. Lê Hoài Quốc - Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM cho rằng, cuộc cách mạng 4.0 đang tạo ra những thách thức liên quan đến những chi phí trong ngắn đến trung hạn do tác động không đồng đều đến các ngành khác nhau.

Có những ngành sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, có những ngành sẽ phải thu hẹp đáng kể. Trong từng ngành cũng có sự khác biệt. Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới sẽ tăng trưởng nhanh còn doanh nghiệp "lạc nhịp" thì sản xuất kinh doanh sẽ bị thu hẹp, thậm chí bị đào thải khỏi thị trường.

Link bài viết

Trao đổi với Doanh Nhân Sài Gòn, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 đã đặt doanh nghiệp toàn cầu vào một cuộc đua khốc liệt. Sự ra đời của người máy có trí tuệ nhân tạo làm thay đổi cách thức làm việc và cả công việc của con người. Đây là xu thế không cưỡng được, nếu không làm chủ được nó, doanh nghiệp sẽ bị cuốn trôi.

Đã có những doanh nghiệp đầu tư lớn cho công nghệ, nhưng số lượng chưa nhiều. Đa phần doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn chậm chân trong chuyển đổi công nghệ. Theo số liệu từ  Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có tới 75% doanh nghiệp sản xuất đang sử dụng máy móc hết khấu hao. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn loay hoay với thiết bị, máy móc có công nghệ lạc hậu vài ba thế hệ. Chỉ có 24% doanh nghiệp sử dụng công nghệ ở mức trung bình và chỉ 1% doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến.

Ngoài yếu thế về tài chính, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa thấy được cơ hội cũng như thách thức mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Ông Liêu Hưng Tiến - Giám đốc Kinh doanh Công ty Haravan cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam chưa nhìn ra nguy cơ cho hàng Việt Nam khi hàng hóa ngoại nhập tràn vào theo con đường thương mại điện tử.

Việt Nam có đến 60% dân số dùng internet và sử dụng đến 25 giờ mỗi tuần để online. Đây là thuận lợi rất lớn để doanh nghiệp đầu tư vào thương mại điện tử. Thế nhưng, rất nhiều doanh nghiệp có lợi thế về phân phối, bán lẻ trực tiếp nhưng làm thương mại điện tử thì không biết bắt đầu từ đâu.

Ở góc độ của một nhà sản xuất, theo ông Trịnh Thành Nhơn, doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam đang gặp nhiều thách thức trong tiến trình theo kịp cuộc cách mạng công nghiệp đang diễn ra trên toàn cầu. Tốc độ phát triển công nghệ kỹ thuật hay công nghệ thông tin đưa vào quản lý sản xuất, kinh doanh đều rất nhanh, nếu không chuyển biến, doanh nghiệp sẽ không thể phát triển.

Nền công nghiệp sản xuất Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn tự động hóa từng phần đến tự động hóa toàn bộ. Những nhà máy sản xuất có mức độ tự động hóa cao thường nằm ở các thương hiệu lớn hoặc có đầu tư từ nước ngoài. Trong xu thế phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật, xu hướng tùy biến cá nhân trong việc tạo ra sản phẩm đang ngày một tăng.

Các nhà máy truyền thống không thể thực hiện được điều đó, ngay cả những dây chuyền có mức độ tự động hóa cao cũng chỉ cho ra đời từng lô hàng theo kế hoạch đã định sẵn. Từ những nhu cầu ấy, kiểu nhà máy thông minh (smart factory) sẽ phải ra đời nhằm đáp ứng thời kỳ "cá thể hóa theo số đông" hay "tùy biến theo khách hàng".

Trong lĩnh vực du lịch, các doanh nghiệp cho rằng cần tự động hóa kết nối hệ thống dịch vụ, kết nối hệ thống quản lý và hệ thống thực thi. Nếu không làm tốt hệ thống kết nối này thì trí tuệ nhân tạo đưa vào sẽ không phù hợp, lãng phí. Song song đó, ngành du lịch cần xây dựng nền móng của trí tuệ thông minh nhân tạo để dự báo xu hướng của du khách, cách tiếp cận của người dân về sản phẩm du lịch, về tuyến điểm tham quan và triển khai sớm việc hỗ trợ du khách trong không gian số.

Theo ông Trương Gia Bình, lợi thế lớn nhất của Việt Nam trong làn sóng công nghiệp 4.0 là nguồn lao động chất lượng cao. Hiện nay, các nước đang nhìn nhận Việt Nam như một nơi cung cấp lao động cho ngành công nghệ thông tin và là điểm đến của các doanh nghiệp phần mềm trên thế giới. Việt Nam là một trong số các quốc gia có số lượng kỹ sư sở hữu nhiều chứng chỉ về công nghệ điện toán đám mây của Amazon Web Services nhất.

Vấn đề cần quan tâm hiện nay là phải chuẩn bị hệ thống đào tạo nghề để người dân có thể chuyển đổi công việc thông qua việc học và doanh nghiệp làm thế nào để tận dụng được nguồn lao động quý giá này. "Doanh nghiệp dù ở quy mô nào, nếu không thay đổi và nắm bắt kịp thời xu hướng công nghệ sẽ khó sinh tồn và phát triển. Nếu doanh nghiệp không chủ động ứng phó sẽ bị thay thế bởi các doanh nghiệp hình thức mới. Điều cần làm ngay lúc này là chủ doanh nghiệp phải thay đổi nhận thức, phải biết đối mặt với điều gì và phải làm như thế nào. Doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới và lan tỏa tinh thần đó đến từng thành viên", ông Trương Gia Bình chia sẻ.

Tháng 5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tận dụng những cơ hội thúc đẩy sự phát triển đất nước. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương tạo sự bứt phá về hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông, cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, nền quản trị thông minh, ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh; lựa chọn phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm cạnh tranh chiến lược của quốc gia, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Để không "lạc nhịp" với cách mạng công nghiệp 4.0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO