Cửa hàng tiện lợi và làn sóng dịch chuyển về vùng ven

HỒNG NGA - THANH NGÂN| 05/05/2018 06:30

Thị trường bán lẻ càng sôi động buộc doanh nghiệp chuyển ra vùng ven các thành phố lớn khi nội đô ngày càng khan hiếm mặt bằng.

Cửa hàng tiện lợi và làn sóng dịch chuyển về vùng ven

Thị trường bán lẻ hiện đại trong năm qua đã chứng kiến hình ảnh chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh tại các vùng ven một số thành phố lớn. Chia sẻ lý do đưa thương hiệu đến các vùng ven, đại diện Thế Giới Di Động cho biết, việc chọn kinh doanh ở các quận, huyện là để lấp đầy những khu vực chưa có mô hình cửa hàng tiện lợi và người tiêu dùng đang có nhu cầu lớn.

Cùng với Bách hóa Xanh, sau khi mở nhiều cửa hàng ở các quận trung tâm, Saigon Co.op, Satra cũng đưa cửa hàng tiện lợi ra vùng ven và về các tỉnh. Hiện tại, chuỗi Co.op Food có 210 cửa hàng, riêng tại Hà Nội có 5 cửa hàng, tại Cần Thơ có 2 cửa hàng.

Ông Nguyễn Anh Đức - Phó tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, việc chủ động phát triển hệ thống siêu thị Co.opmart đến các tỉnh - thành được Saigon Co.op thực hiện từ khá sớm, đến nay đã vượt con số 60, phân bổ trên cả 3 miền. Cùng với đó, Saigon Co.op đang đẩy mạnh việc nhượng quyền thương hiệu Co.op Food tại một số tỉnh thành.

Link bài viết

Nghiên cứu của HSBC được công bố trong báo cáo "Asean connect 2016" cho thấy, tầng lớp trung lưu của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á và dự kiến sẽ tăng 33 triệu người vào năm 2020. Chi tiêu của người tiêu dùng đang tăng do dân số trẻ, đô thị hóa nhanh và nền kinh tế ngày càng mở cửa với cơ hội việc làm, kinh doanh và thu nhập ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, việc Chính phủ cho phép thành lập công ty bán lẻ 100% vốn nước ngoài từ năm 2015, cùng với các chính sách ưu đãi khác là những lý do khiến thị trường bán lẻ Việt Nam luôn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Ở lĩnh vực bán lẻ thực phẩm, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động từng chia sẻ, Bách hóa Xanh không tạo sự khác biệt bằng cách xây dựng vùng nguyên liệu, mở nhà máy sản xuất hay đầu tư xây dựng trung tâm phân phối lớn mà chỉ là chuỗi bán lẻ thông thường hướng đến mục tiêu cung cấp cho khách hàng dịch vụ "mua nhanh, mua rẻ".

Các cửa hàng này không mở ở những trục đường thương mại mà chủ yếu ở đường nhỏ, đường hẻm, gần khu dân cư nhằm thay thế một phần vai trò chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa. Lợi thế của Bách hóa Xanh là có lượng hàng hóa phong phú và giá rẻ hơn ở chợ hay cửa hàng tạp hóa truyền thống.

Theo tính toán, giai đoạn năm 2018 - 2021 được xem là thời điểm vàng để thị trường bán lẻ tăng trưởng, đáp ứng sự phát triển mạnh của nhu cầu về giải trí (với mức tăng khoảng 10%), tạp hóa hiện đại (tăng khoảng 9% hằng năm) và thời trang (tăng 6%). Ở nông thôn, kênh bán hàng hiện đại đang thu hút người tiêu dùng mua sắm. Cụ thể, tính đến cuối năm 2017, số siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi ở 4 thành phố lớn của Việt Nam đã tăng 32% so với cùng kỳ 2016.

Bà Nguyễn Hương Quỳnh - Tổng giám đốc Công ty Nielsen Việt Nam cho rằng, xu hướng mở cửa hàng thực phẩm tiện lợi ở vùng ven sẽ tiếp tục trong năm 2018 khi các nhà bán lẻ đều có kế hoạch tăng số lượng điểm bán. Và các doanh nghiệp trong nước đang ngày càng cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ, cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp đa quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cửa hàng tiện lợi và làn sóng dịch chuyển về vùng ven
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO