Cá tra trong viễn cảnh 2,23 tỷ USD

Nguyễn Hoàng| 25/10/2019 09:30

Tăng trưởng ngành cá tra Việt Nam đang giảm dần bởi phụ thuộc thị trường bên ngoài và nguồn cung quá lớn, trong khi tiêu thụ trong nước chỉ khoảng 10%.

Cá tra trong viễn cảnh 2,23 tỷ USD

Một số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cá tra đang chuyển từ phương thức kinh doanh truyền thống sang kinh doanh B2C (Bussiness to Customer) để thông qua các nhà bán lẻ tiếp cận với người tiêu dùng các nước, như Công ty CP Thủy sản Vĩnh Hoàn từ cuối năm 2018 đã hợp tác với Công ty TMall Fresh của Alibaba và Win - Chain cung cấp sản phẩm từ cá tra tới tay người tiêu dùng Trung Quốc. Với cách thức mới này, quý I/2019, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc của Vĩnh Hoàn tăng 30% về giá và 42% về lượng so với cùng kỳ năm 2018. Thế nhưng, những nỗ lực của Vĩnh Hoàn vẫn không thay đổi được đà suy giảm giá trị xuất khẩu: tháng 8/2019 đạt 27 triệu USD, giảm 31% so với tháng 8/2018 và 4% so với tháng 7/2019. Lũy kế 8 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu giảm 10% so với cùng kỳ năm 2018. 

Cá tra của Việt Nam đang phải chịu cạnh tranh gay gắt cả về giá và chất lượng do Trung Quốc, Malaysia bắt đầu nuôi nhiều cá tra, trong khi Myanmar, Bangladesh liên tục tăng diện tích nuôi và sản lượng chế biến. 

Diễn biến từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã phần nào ảnh hưởng đến việc xuất khẩu cá tra của Việt Nam, khi các nhà nhập khẩu Mỹ chủ động dự trữ thủy sản Trung Quốc trước ngày các mức thuế trừng phạt có hiệu lực. Theo số liệu mới nhất của Cục Nghề cá biển Hoa Kỳ (NMFS), giá trung bình cá tra phile đông lạnh nhập khẩu trong tháng 7/2019 tại Mỹ là 3,74USD/kg, tăng 2,4% so với tháng 6/2019 nhưng vẫn thấp hơn 15,1% so với cùng kỳ năm 2018. 

Ở trong nước, sau khi nhích nhẹ trong tháng 8, giá cá tra nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long giảm trở lại do cung tăng nhanh hơn cầu. Giá bán buôn dao động trong khoảng 20.500-21.000đ/kg đối với cá tra loại 1 (800-900g/con), trong khi giá thu mua tại trang trại chỉ dao động 19.500-20.000đ/kg, giảm khoảng 1.000đ/kg so với tháng trước. 

Chín tháng đầu năm, giá cá tra nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long giảm dần sau một năm liên tục tăng, mức giá hiện tại giảm gần 10.000đ/kg so với hồi đầu năm nay và đang ở mức thấp nhất trong hai năm qua. Giá cá tra giảm mạnh chủ yếu do ảnh hưởng bởi xuất khẩu giảm, nhất là xuất khẩu sang Trung Quốc và Mỹ. 

Ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, việc giá xuất khẩu tiếp tục giảm làm cho giá nguyên liệu giảm sâu, gây khó khăn cho người nuôi cá tra và doanh nghiệp xuất khẩu. Người nuôi cá tra đang lỗ từ 3.000-5.000đ/kg nhưng việc cắt lỗ là không dễ do không bán được cá. 

Theo ông Quốc, mặc dù chưa đến mức mất thị trường Mỹ, nhưng bên cạnh việc xuất khẩu sụt giảm, việc nước này liên tục tăng thuế chống bán phá giá khiến DN xuất khẩu cá tra Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, sau áp thuế chống bán phá giá lần thứ 14 của Mỹ có hiệu lực, từ tháng 7/2017 đến tháng 7/2018, chỉ Vĩnh Hoàn có thuế xuất 0% và Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông có thuế suất 0,19 USD/kg. Theo ông Quốc, tại kỳ áp thuế lần thứ 15 của Mỹ, nếu giảm thuế thì tốt, còn từ bằng tới hơn mức thuế hiện tại thì xuất khẩu cá tra không hiệu quả. 

Nhiều khả năng năm 2019, Việt Nam không đạt mục tiêu 500 triệu USD xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc. Chiến tranh thương mại đã làm thay đổi phương thức kinh doanh của các DN Trung Quốc đối với mặt hàng cá tra: họ tập trung vào phát triển thị trường nội địa thay vì nhập khẩu cho tiêu dùng nội địa và tái xuất khẩu. Sự hậu thuẫn của Chính phủ Trung Quốc về chính sách, như cấm nhập khẩu tiểu ngạch, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng tương đồng Mỹ và châu Âu, thúc đẩy mở rộng diện tích làm ngành nuôi cá tra nước này phát triển mạnh.

Tăng trưởng kinh tế thế giới 2019 dự báo giảm, nhiều nước có xu hướng quay lại phát triển nông nghiệp gây tác động không nhỏ đến giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, xuất khẩu cá tra năm 2019 đạt 2,23 tỷ USD, giảm 3% so với năm 2018 trong khi các DN kỳ vọng sẽ có bước tăng trưởng trong những tháng cuối năm khi vào mùa cao điểm tiêu thụ thủy sản. Theo ông Quốc, DN chế biến cá tra phải nâng cao chất lượng sản phẩm theo chuẩn quốc tế để phù hợp với thị trường nhập khẩu, đồng thời thúc đẩy việc mở rộng sang thị trường khác, như EU chẳng hạn. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cá tra trong viễn cảnh 2,23 tỷ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO