Chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI: Chỉ đầu tư khi có động lực

TUỆ ANH| 02/07/2018 03:39

Sau 30 năm thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), kết quả chuyển giao công nghệ vẫn chưa được như mong muốn.

Chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI: Chỉ đầu tư khi có động lực

Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Toàn Thắng cho rằng, các tín hiệu tăng trưởng và cải cách phải thống nhất để sự kỳ vọng của doanh nghiệp vào nền kinh tế đủ lớn, như vậy doanh nghiệp mới có động lực chuyển giao, tiếp nhận và đầu tư cho công nghệ.

Khó thành hiện thực

* Thời gian qua, chúng ta luôn nỗ lực thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sang doanh nghiệp trong nước nhưng vẫn chưa được như mong muốn, theo ông nguyên nhân do đâu?

- Có 3 lý do chính dẫn đến thực trạng này, đó là động lực của các doanh nghiệp FDI, thực trạng của doanh nghiệp trong nước và môi trường thể chế vĩ mô cho quá trình chuyển giao khoa học công nghệ giữa hai loại hình doanh nghiệp.

Về lý do thứ nhất, cần phải nhìn nhận rằng, cho đến nay mục tiêu chính của  doanh nghiệp FDI khi vào Việt Nam vẫn là tận dụng lao động giá rẻ và chiếm lĩnh thị trường nội địa. Vì vậy khó kỳ vọng FDI sẽ mang vào công nghệ cao. Mặt khác, doanh nghiệp FDI có động lực để bảo vệ bí mật công nghệ, họ chỉ chuyển giao nếu tìm thấy lợi ích của việc đó.

Đây cũng là lý do chuyển giao công nghệ theo chiều dọc (giữa các doanh nghiệp khác ngành) dễ hơn rất nhiều theo chiều ngang (giữa các doanh nghiệp cùng ngành, cạnh tranh trực tiếp).

Lý do thứ hai liên quan đến năng lực hấp thụ của doanh nghiệp trong nước. Nhìn chung năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam rất thấp với nhiều nguyên nhân như trình độ lao động, đầu tư cho nghiên cứu phát triển, trình độ công nghệ hiện tại thấp… Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, đầu tư cho R&D (hoạt động nghiên cứu và phát triển) của doanh nghiệp Việt Nam gần như thấp nhất trong các nước ASEAN.

Lý do thứ ba tôi cho khá quan trọng, đó là môi trường thể chế chính sách. Ở đây không đơn thuần là các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư khoa học công nghệ, mà còn bao gồm cả việc tạo kỳ vọng cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp chỉ đầu tư cho khoa học công nghệ nếu họ có kỳ vọng dài hạn vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, các tín hiệu để tạo kỳ vọng dài hạn hiện nay chưa có tác dụng kích thích doanh nghiệp đầu tư cho công nghệ.

Tuy nhiên, những điều này chưa đủ mà quan trọng hơn cả là việc thực hiện chính sách ở địa phương như thế nào. Sử dụng chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh trong nghiên cứu chúng tôi thấy mối quan hệ khá chặt giữa các chỉ số phụ về chi phí không chính thức, cơ sở hạ tầng, minh bạch hóa… với xác suất doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ.

* Vậy làm thế nào để doanh nghiệp có kỳ vọng dài hạn như ông vừa nhắc đến?

- Có nhiều yếu tố, tuy nhiên theo tôi quan trọng nhất là các tín hiệu tăng trưởng và cải cách phải thống nhất. Điều này có vẻ chưa ổn trong tình hình hiện nay. Một mặt chúng ta vẫn nghe đến việc cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, hoặc cải thiện môi trường kinh doanh.

Mặt khác vẫn còn câu chuyện về tăng thuế, thêm các khoản thuế khác nhau, hoặc các vấn đề liên quan đến chi phí trung gian như chi phí giao thông do các dự án BOT chưa hợp lý, hoặc mặt bằng lãi suất khó giảm được trong thời gian tới… Chính những tín hiệu không thống nhất như vậy sẽ làm giảm kỳ vọng vào cải cách và tăng trưởng dài hạn, và vì thế làm giảm động lực đầu tư chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp.

Phải “đi bằng hai chân”

* Theo ông, ngoài những chính sách tương đối “mềm” thì chúng ta nên có những quy định ràng buộc doanh nghiệp FDI đến một thời điểm nào đó phải chuyển giao bao nhiêu phần trăm công nghệ cho doanh nghiệp trong nước không?

- Thực ra, Trung Quốc đã từng áp dụng những chính sách như vậy. Nhưng Việt Nam không thể làm như thế được bởi vì chúng ta đã cam kết vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng như các hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương.

Các quy định về việc hạn chế hoặc không được áp dụng yêu cầu hoạt động, ví dụ như tỷ lệ xuất khẩu, hoặc tỷ lệ nội địa hóa… trong khuôn khổ WTO và các hiệp định thương mại hiện nay làm hạn chế dư địa cho những chính sách ràng buộc cứng về chuyển giao.

Chúng ta có nên quá kỳ vọng vào việc chuyển giao công nghệ của FDI không hay đã đến lúc cần tự phát triển công nghệ của mình, thưa ông?

Thực ra chúng ta phải “đi bằng cả 2 chân”. Mục đích của thu hút FDI không hẳn chỉ là câu chuyện về chuyển giao công nghệ mặc dù chúng ta đặt mục tiêu đổi mới khoa học công nghệ lên hàng đầu.

Tuy nhiên, không chỉ riêng Việt Nam mà các nước đang phát triển trên thế giới cũng đang rơi vào tình trạng nhận được chuyển giao khoa học công nghệ từ các doanh nghiệp FDI không rõ ràng và tùy vào từng giai đoạn khác nhau. Chính vì vậy, một mặt chúng ta vẫn phải tìm cách để kênh chuyển giao công nghệ nhanh hơn thông qua liên kết doanh nghiệp.

Mặt khác, khuyến khích doanh nghiệp tự đổi mới khoa học công nghệ, bởi khi đó vô hình trung doanh nghiệp cũng nâng được năng lực của mình để có thể tiếp nhận những công nghệ tiếp theo.

Xin cảm ơn ông!

(Theo Daibieunhandan)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI: Chỉ đầu tư khi có động lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO