Chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển bền vững là nhiệm vụ khổng lồ
Đó là khẳng định của bà Đặng Huỳnh Ức My - Chủ tịch HĐQT TTC AgriS và Betrimex tại Hội nghị “Gateway to ASEAN” 2024 với Chủ đề "ASEAN: Crossroad to The World - Giao điểm hội nhập kinh tế thế giới”, diễn ra vào ngày 6/9 tại TP.HCM, do Ngân hàng UOB Singapore (UOB) tổ chức.
Theo đó, “Gateway to ASEAN” - Chương trình thường niên do UOB tổ chức tại khu vực ASEAN, nhằm mở rộng quan hệ thương mại và đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực. Năm 2024, Hội nghị lần đầu tiên diễn ra tại Việt Nam sau thành công ở Singapore và Indonesia vào các năm trước. Hội nghị có sự tham dự của hơn 600 khách mời là lãnh đạo các bộ, ban ngành tại Việt Nam, các chuyên gia, doanh nghiệp hàng đầu trong khu vực ASEAN.
Tại Hội nghị các diễn giả tham dự đã chia sẻ những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực, chính sách của chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại xuyên biên giới, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, thúc đẩy kinh tế số và hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0 (Net Zero).
Tham dự chuyên đề thảo luận “Đổi mới sáng tạo với tính bền vững”, bà Đặng Huỳnh Ức My - Chủ tịch HĐQT TTC AgriS và Betrimex mang đến hội nghị nhiều giải pháp về đầu tư, kinh doanh, phát triển bền vững và triển khai các tiêu chí ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị) từ thực tiễn thành công tại TTC AgriS và Betrimex - hai doanh nghiệp dẫn đầu về nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam.
Đáng chú ý, bà Ức My là nữ lãnh đạo duy nhất trong toàn bộ diễn giả của 5 phiên tọa đàm, thảo luận tại hội nghị, bên cạnh lãnh đạo ngân hàng UOB, các tập đoàn Fung Group, Silverlake, Axis, BW Industrial, Viessmann, Intertek, Schneider Electric, Coca - Cola, DHL Express... Bà cũng là đại diện duy nhất đến từ “sân nhà” Việt Nam với vai trò là Chủ tịch HĐQT hai công ty nông nghiệp với tổng doanh thu hơn tỷ USD trong năm qua.
Bà Ức My bày tỏ niềm tự hào về truyền thống phát triển nông nghiệp của đất nước cùng những thành tựu nâng tầm doanh nghiệp Việt Nam lên tầm cao toàn cầu. Bà khẳng định: “Là một người Việt Nam, tôi luôn cảm thấy trách nhiệm lớn lao trong việc ủng hộ và phát triển kinh tế Quốc gia, đặc biệt là ngành sản xuất”.
Theo bà Ức My, chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển bền vững là một nhiệm vụ khổng lồ. “Chúng tôi đã kiên trì thực hiện trong nhiều năm cho chuỗi giá trị của TTC AgriS và sẽ tiếp tục nỗ lực trong 50 năm tới”, bà cho biết.
Trong phiên thảo luận, bà Ức My đã đưa ra những quan điểm và kinh nghiệm của doanh nghiệp Việt Nam trong hành trình vượt qua thách thức và phát triển bền vững trong nông nghiệp. Những câu chuyện thực tế được bà nhắc đến bao gồm việc thuyết phục người nông dân tham gia vào các nền tảng chuyển đổi số, hỗ trợ đối tác địa phương nâng tầm kinh doanh, và chia sẻ kiến thức cùng góc nhìn với các đối tác quốc tế.
Dưới sự lãnh đạo của bà, TTC AgriS và Betrimex tập trung vào việc kiến tạo một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững và mang lại các sản phẩm dinh dưỡng có nguồn gốc tự nhiên (organic). Hiện tại, cả hai đơn vị đều đang áp dụng tiêu chuẩn ESG vào toàn bộ các hoạt động quản trị - sản xuất - kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị quốc tế và hướng đến mục tiêu đạt Net Zero vào năm 2035.
Cũng trong nội dung thảo luận, bà Ức My nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của nguồn tài chính xanh trong sự chuyển dịch của nền kinh tế theo hướng xanh và bền vững. Đánh giá cao góc nhìn mới mẻ và những giá trị UOB mang đến cho khách hàng và thị trường Việt Nam, bà bày tỏ vinh dự khi Betrimex là đơn vị đầu tiên nhận được tài chính xanh từ UOB để hỗ trợ nông dân trong chương trình thương mại công bằng (Fairtrade).
Trước đó, vào tháng 4/2024, UOB và Betrimex đã ký kết tài trợ thương mại xanh cho các hoạt động phát triển bền vững nông nghiệp, hỗ trợ nông dân nâng cao kỹ năng và kiến thức… Bên cạnh Betrimex nhận được sự tín nhiệm và tài trợ của UOB, về phía TTC AgriS, đơn vị cũng đang là điểm đến xanh của các định chế tài chính quốc tế với nguồn vốn ngoại hơn 220 triệu USD được huy động chỉ trong 1 năm qua.
Bên cạnh các phiên thảo luận chính, Hội nghị còn là nơi lãnh đạo các bộ, ban ngành, chính quyền TP.HCM cùng đại diện các tập đoàn trong và ngoài nước gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm đối tác kinh doanh tiềm năng.
Bà Ức My phấn khởi chia sẻ: “Chúng tôi đã nhận được phản hồi tích cực từ Chính phủ, các tổ chức tài chính và cộng đồng kinh doanh. Tam giác liên kết này là chìa khóa để chúng ta cùng nhau tiến bước, cùng chia sẻ và phát triển trên một nền tảng chung". Bà Ức My cũng nhấn mạnh sự hợp tác giữa các bên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Phát biểu về Chủ đề của Hội nghị năm nay, bà Ức My nhận định rằng các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang hoạt động ở nhiều quốc gia và có động lực phát triển mạnh mẽ tại châu Á. Bà nhấn mạnh rằng đây là một cơ hội lớn để tận dụng sức mạnh cộng hưởng nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, kết hợp các sản phẩm tài chính và biến những chiến lược thành kết quả cụ thể, góp phần nâng cao vị thế doanh nghiệp Việt trên trường quốc tế.