Kết quả nghiên cứu cho thấy, dịch Covid-19 đã làm bộc lộ những điểm yếu trong chuỗi cung ứng của ngành nông nghiệp và chế biến thực phẩm, dẫn đến những thách thức đối với doanh nghiệp (DN) trong việc ứng phó với sự gián đoạn thị trường. Các vấn đề nổi cộm bao gồm hệ thống logistics kém phát triển, kênh phân phối chính là xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới và chợ truyền thống, khả năng áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và khả năng truy xuất xuất xứ hàng hóa để đáp ứng yêu cầu của thị trường thế giới, năng lực về R&D để nâng cao giá trị trong chuỗi cung ứng cũng như thay thế hàng hóa nhập khẩu và năng lực xây dựng thương hiệu.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra nghiên cứu nhằm tìm giải pháp và cơ hội cho DN trong nước nâng cao giá trị gia tăng trong bối cảnh đại dịch diễn ra và kinh tế bắt đầu phục hồi. Nghiên cứu cũng đưa ra một số khuyến nghị chính sách cụ thể về xuất khẩu và chuỗi giá trị hàng hóa để Chính phủ xem xét.
Dựa trên cơ sở phân tích, báo cáo đã xác định các chính sách hỗ trợ và biện pháp can thiệp cũng như soạn thảo khung phát triển để thực hiện các chính sách này trong ngắn hạn (6 tháng), trung hạn (1 năm) và dài hạn (3 năm) để hỗ trợ phục hồi kinh tế và tăng cường sự tham gia của khối tư nhân vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các biện pháp can thiệp chính được đề xuất bao gồm đối với chuỗi cung ứng hai ngành nông nghiệp và chế biến thực phẩm, kiến nghị được chia thành các giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Đối với ngành công nghiệp ô tô, đề xuất tập trung vào chuyển đổi sang xe điện trong thời gian trung và dài hạn.
Phát biểu tại buổi họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đang xây dựng chương trình phục hồi nền kinh tế, những nghiên cứu trên có thể áp dụng ngay vào chương trình này, bởi vì nghiên cứu nhắc đến sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng và cơ hội của Việt Nam khi nhu cầu tăng trở lại, chuỗi cung ứng hình thành và phát triển mạnh mẽ trong thời gian trở lại trong ngắn hạn. Trong dài hạn, các ngành kinh tế của Việt Nam đều phải cơ cấu lại. Theo Bộ trưởng, không chỉ chống lại sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng trước mắt mà phải nghĩ đến kế hoạch phục hồi trong trung và dài hạn.
Về những vấn đề cụ thể trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị phải làm rõ quan điểm phát triển nông nghiệp của Việt Nam mà hiện nay đã có, tức chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, đặc biệt tập trung vào sản xuất hữu cơ, nông nghiệp hữu cơ là xu hướng của thế giới. Chi phí logistics, đối với nền kinh tế hiện nay chiếm khoảng 17% GDP, Việt Nam đã có Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 về việc phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025, đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, chi phí logistics chỉ còn 5-6% GDP.
Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thành lập các tổ công tác liên quan đến FTA và chi phí logistics.
Cụ thể, trong văn bản kiến nghị gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VCCI đề xuất một số chính sách, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu sử dụng ưu đãi thuế quan theo các FTA trong tổng kim ngạch xuất khẩu tương đối thấp, có xu hướng giảm trong vài năm trở lại đây (từ 39% năm 2018 xuống còn 33% năm 2020).
Đáng chú ý, theo VCCI các FTA gần đây (CPTPP, EVFTA) tỷ lệ sử dụng còn thấp hơn nhiều so với một số FTA (từ 1-8%, như AIFTA, AJCEP, VJEPA, VCFTA, VKFTA).
Lý giải cho nguyên nhân này, theo nhiều DN, một số quy tắc xuất xứ hàng hóa cam kết được giải thích theo hướng bất lợi đối với DN. Ngôn ngữ trong các thông tư về quy tắc xuất xứ hàng hóa theo FTA tương tự ngôn ngữ trong cam kết FTA, không dễ hiểu, luôn cần được giải thích bởi cán bộ của Bộ Công Thương. Do vậy, VCCI kiến nghị Bộ Công Thương thành lập ngay tổ công tác về quy tắc xuất xứ theo các FTA. Theo đó, tổ công tác có nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ về quy tắc xuất xứ cho bất cứ DN nào muốn tận dụng ưu đãi thuế quan để xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, xử lý các vướng mắc về chính sách liên quan tới quy tắc xuất xứ trong FTA, tiếp nhận câu hỏi của DN, trả lời, phản hồi cụ thể cho DN trong 1-3 ngày. Đối với các vướng mắc trong thực thi tại các đơn vị chứng nhận xuất xứ, tổ công tác trực tiếp xử lý trong 1-3 ngày kể từ ngày tiếp nhận thông tin.
Bên cạnh đó, VCCI cũng kiến nghị thành lập tổ công tác của Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Công Thương để rà soát và tháo gỡ các khó khăn hiện nay về chi phí logistics, tình trạng thiếu container gia tăng mạnh từ năm 2020 tới nay.