VN-Index: lịch sử có lặp lại khi kinh tế khủng hoảng?

THANH LÂM| 26/05/2010 05:15

Với thị trường chứng khoán Việt Nam, VN-Index đang trong xu hướng tăng điểm cùng với các tin tức lạc quan trong nước như lãi suất giảm, tín dụng tăng, lạm phát giảm... bỗng dưng thoái trào khi xuất hiện tin xấu.

VN-Index: lịch sử có lặp lại khi kinh tế khủng hoảng?

“Thị trường giảm kinh khủng quá nhỉ! Anh thoát hết hàng chưa? Em cháy sạch rồi mới đau. Đau nhất là âm cả vào vốn đòn bẩy tài chính của công ty. Sau này thị trường hồi phục không còn cửa để gỡ...”, nhân viên môi giới (xin giấu tên) của một công ty chứng khoán tại TP.HCM than thở như thế trong phiên giao dịch ngày 19/5, phiên VN-Index giảm xuống dưới 500 điểm. Đâu đó xa xa có tiếng vọng, không biết bao giờ VN-Index ngừng rơi?

Với thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, VN-Index đang trong xu hướng tăng điểm cùng với các tin tức lạc quan trong nước như lãi suất giảm, tín dụng tăng, lạm phát giảm... bỗng dưng thoái trào khi xuất hiện tin xấu. Tuần thứ hai của tháng Năm (từ 9 - 14/5), VN-Index bắt đầu giảm điểm nhưng được coi là hiện tượng chốt lời bình thường.

VN-Index vẫn trồi sụt thất thường không khỏi khiến các nhà đầu tư lo lắng - Ảnh: Quý Hòa

Sang tuần từ 17 - 21/5, trước tin tức về khủng hoảng nợ Hy Lạp dù có gói giải cứu 750 tỷ USD của ECB và cạnh đó là IMF cũng hỗ trợ, nhưng vẫn không làm các TTCK toàn cầu tăng điểm, các nhà đầu tư (NĐT) trên TTCK Việt Nam đã ồ ạt cắt lỗ.

Theo ông Nguyễn Xuân Toản, Phó trưởng Phòng phân tích Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính BFI (Ngân hàng BIDV), sau khi rơi khỏi 515 điểm, VN-Index đã gãy kênh xu hướng tăng dài hạn (tính từ tháng 2/2009 đến nay). Đây là dấu hiệu tiêu cực đối với diễn biến tiếp theo của VN-Index.

Trước hiện tượng NĐT bán tháo ồ ạt, bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect, cho rằng, thị trường đang vào giai đoạn mất kiểm soát, NĐT đã lo ngại thái quá về chuyện khủng hoảng nợ của khu vực châu Âu.

Tại sao VN-Index lại giảm không phanh trong tuần lễ từ 17 - 21/5? Theo bà Ngô Thị Diễm Hằng, Trưởng phòng môi giới Công ty Chứng khoán Click and Phone, ngoài tác động bất ngờ từ châu Âu, TTCK Việt Nam có ba yếu tố rủi ro hội tụ. Trước hết là rủi ro đòn bẩy tài chính, thời gian qua do tin tưởng vào xu hướng tăng của VN-Index nên các NĐT dùng đòn bẩy khá mạnh tay.

Khi tin tức về khủng hoảng nợ châu Âu làm TTCK toàn cầu giảm mạnh, khá nhiều NĐT vẫn giữ quan điểm lạc quan và giữ cổ phiếu. Cho đến khi thấy tình hình châu Âu có dấu hiệu tiêu cực hơn mới ồ ạt cắt lỗ khiến VN-Index giảm không phanh, xuống dưới 500 điểm.

Thứ hai là trong tháng Tư, xu hướng đầu cơ cổ phiếu nổi lên khá mạnh, nhiều cổ phiếu bị đẩy lên mức giá quá cao, khi thị trường xuất hiện tin xấu đã mất thanh khoản, giá cổ phiếu liên tục giảm sàn cùng dư bán hàng trăm nghìn cổ phiếu/mã.

Trong gần 10 phiên VN-Index giảm điểm, trong khi các cổ phiếu trên thị trường trung bình giảm giá từ 10 - 15%, thì nhiều cổ phiếu đầu cơ có mức giảm lên tới hơn 40%. Hiện tượng giảm giá sàn liên tục của nhiều mã cổ phiếu trên sàn càng gây tâm lý bất an cho các NĐT.

Thứ ba là trước hiện tượng khủng hoảng nợ châu Âu được cảnh báo có nguy cơ lan rộng, tâm lý các NĐT đã như “chim sợ cành cong” từ cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ (2008 - 2009) nên đã cắt lỗ ồ ạt, bất chấp cổ phiếu tốt. Hiện tượng cắt lỗ càng làm tâm lý các NĐT hoảng loạn hơn.

VN-Index có thể giảm tới đâu trong điều kiện xấu nhất? Ông Nguyễn Hoàng Long, Trưởng phòng phân tích Công ty Chứng khoán An Bình, cho rằng, xu hướng của VN-Index trong thời gian tới hoàn toàn phụ thuộc vào các tin tức tác động. Để VN-Index chấm dứt đà rơi, động lực duy nhất là khủng hoảng nợ của khu vực châu Âu có giải pháp khả thi, lòng tin của các NĐT toàn cầu hồi phục, Dow Jnoes tăng điểm trở lại nhiều phiên liên tiếp.

Cùng với đó, ở trong nước, các tin tức về kinh tế vĩ mô tháng Năm tích cực như tăng trưởng tín dụng, CPI ở mức thấp... mới giúp tâm lý NĐT ổn định lại, VN-Index mới có cơ hội hồi phục. Còn trong trường hợp tin tức khủng hoảng nợ tiếp tục lan sang các nước khác ngoài Hy Lạp thì mọi chuyện sẽ tệ hơn. Chiến lược đầu tư hợp lý giai đoạn này là đưa tỷ lệ cổ phiếu/vốn về mức an toàn, sẵn sàng chấp nhận các diễn biến xấu hơn và chờ cơ hội mới của thị trường trong trung và dài hạn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
VN-Index: lịch sử có lặp lại khi kinh tế khủng hoảng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO