Tín dụng quý I/2017 tăng nhanh do đâu?

KHÁNH PHƯƠNG| 12/04/2017 03:35

Hoạt động tín dụng quý I năm nay có diễn biến rất đáng chú ý, khi tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ cao nhất trong 6 năm trở lại đây.

Tín dụng quý I/2017 tăng nhanh do đâu?

Hoạt động tín dụng quý I năm nay có diễn biến rất đáng chú ý khi tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ cao nhất trong 6 năm trở lại đây. 

Đọc E-paper

Cụ thể, theo thông tin từ các ngân hàng, đến hết tháng 1, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 2,18%, trong đó VND tăng 2,07% và ngoại tệ tăng cao hơn ở mức 3,4%. Tuy nhiên, đến 20/2 tín dụng sụt giảm trở lại khi chỉ còn tăng so với đầu năm là 1,23%, do các khách hàng đẩy mạnh tất toán nợ trước khi kết thúc năm theo âm lịch. Dù vậy, đây cũng là diễn biến đáng chú ý khi những năm gần đây tín dụng thường chứng kiến mức tăng trưởng âm trong 2 tháng đầu năm.

Tháng 3 tăng tốc

Đến 20/3, theo số liệu của NHNN, tăng trưởng tín dụng đạt mức cao trở lại ở 2,81% so với đầu năm, đánh dấu mức tăng trưởng tín dụng quý I cao nhất kể từ năm 2012 trở lại đây (xem biểu đồ). Việc tăng trưởng tín dụng cao cho thấy khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp tương đối tốt và thu nhập từ lãi của các ngân hàng có sự cải thiện tích cực.

Đáng chú ý, tín dụng có dấu hiệu tăng càng nhanh trong những ngày cuối tháng 3, khi báo cáo của NHNN cho thấy đến ngày 23/3 tăng 3,14%, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh với tỷ trọng khoảng 80%. Tiếp đến trong cuộc họp giữa NHNN và các NHTM bàn về áp lực lãi suất hôm 5/4, thì theo Vụ Chính sách tiền tệ tổng kết tính đến hết ngày 30/3, tín dụng đối với nền kinh tế đã tăng 4,03% so với đầu năm.

Như vậy là chỉ trong vòng 10 ngày cuối tháng, tín dụng đã kịp tăng nhanh thêm được 1,22%, một mức tăng rất ấn tượng. Đáng chú ý là với tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán cùng thời điểm ở mức 3,52% thì tăng trưởng tín dụng lúc này đã cao hơn mức tăng trưởng cung tiền, cho thấy lượng thanh khoản tự do tại các ngân hàng đã sụt giảm trở lại.

Chạy chỉ tiêu hay cơ cấu nợ?

Các ngân hàng đã đẩy mạnh hoạt động cho vay ngay từ đầu năm, thay vì để dồn ứ và chỉ tăng mạnh vào những tháng cuối năm. Chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước đó cũng yêu cầu các ngân hàng phải trải đều hoạt động tín dụng, tránh hiện tượng cuối năm mới tập trung tăng. Cũng ngay trong tháng 1, NHNN đã liên tiếp ban hành chỉ thị 01 và thông báo số 20 về định hướng hoạt động cũng như nhiệm vụ cần thực hiện của ngành ngân hàng trong năm 2017.

Những năm trước, kế hoạch tăng trưởng tín dụng thường được NHNN đặt ra ở mức thấp. Do đó các ngân hàng thường phải tăng tín dụng ảo vào tháng cuối năm nhằm chạy chỉ tiêu cũng như để có thể mở rộng hạn mức nhiều hơn cho hoạt động trong năm kế tiếp. Hậu quả là ngay các tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng chứng kiến mức âm, do các ngân hàng phải điều chỉnh.

Từ cuối năm 2016, diễn biến trên có khả năng không còn diễn ra, do kế hoạch tín dụng của ngành ngân hàng trong 2 năm gần đây thường ở mức cao 18 - 20%. Những ngân hàng có sức khỏe tốt thậm chí còn có thể xây dựng kế hoạch cao hơn. Vì vậy các ngân hàng không cần phải tăng tín dụng ảo vào cuối năm. Với số liệu tín dụng thực chất hơn thì hoạt động cho vay trong quý I năm nay tăng trưởng cao là điều bình thường.

>>6 điều kiện hoạt động thông tin tín dụng

Mặc dù không có số liệu cụ thể về tăng trưởng theo loại tiền, nhưng dựa trên diễn biến của quý I thì có thể tăng trưởng tín dụng ngoại tệ vẫn đang nhanh hơn tăng trưởng tín dụng VND. Do đó tín dụng ngoại tệ trong quý I năm nay có khả năng đóng góp lớn vào mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn ngành, do các doanh nghiệp tiếp tục được gia hạn vay ngoại tệ cho đến hết cuối năm nay và nhất là khi diễn biến tỷ giá cho thấy sự ổn định theo đúng cam kết của nhà điều hành trong thời gian qua.

Tín dụng tăng trưởng nhanh trong 10 ngày cuối tháng 3 cũng có thể xuất phát từ việc các nhân viên kinh doanh của ngân hàng chạy chỉ tiêu quý, cũng như chính các ngân hàng cũng muốn làm đẹp báo cáo tài chính quý I. Đây là hoạt động thường diễn ra đối với các chỉ tiêu kinh doanh như tín dụng và huy động vốn vào những ngày cuối các quý.

Cũng cần lưu ý là tại Điều 19 Thông tư 39/2016/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 15/3/2017 đã cho phép việc các NHTM cơ cấu nợ cho khách hàng, với điều kiện đánh giá khách hàng có đủ khả năng trả nợ trong tương lai, và cũng yêu cầu việc cơ cấu lại nợ phải thực hiện trước hoặc trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày đến kỳ hạn trả nợ đã thỏa thuận. Việc này cũng có thể làm tăng tín dụng.

Rót vốn đúng chỗ

Dù tín dụng tăng trưởng mạnh, tăng trưởng GDP lại không đạt như kỳ vọng đề ra. Vì vậy, có một số ý kiến cho rằng dòng tiền cho vay ra đã không chảy vào các hoạt động sản xuất kinh doanh thực sự. Diễn biến mới nhất, NHNN Việt Nam vừa có văn bản số 2178/NHNN-TD chỉ đạo các tổ chức tín dụng, yêu cầu tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, các tổ chức tín dụng phải xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong mạng lưới của mình phù hợp với chỉ tiêu chung và sớm có xây dựng các quy định cho vay vốn đối với tổ chức và cá nhân theo quy định mới tại Thông tư 39. Ngoài ra, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh các chương trình tín dụng quốc gia, như chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn, cho vay đóng mới, nâng cấp tàu khai thác hải sản xa bờ, cho vay tái canh cà phê, cho vay hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch nông - thủy sản.

Với chính sách tài khóa đang bị hạn chế, nhưng chính sách nới lỏng tiền tệ cho thấy chưa giúp tăng trưởng kinh tế như kế hoạch thì liệu NHNN có lựa chọn chính sách nới lỏng nhiều hơn và theo đó mở rộng hoạt động tín dụng cao hơn trong thời gian tới? Đây là bài toán khó vì việc nới lỏng tiền tệ quá mức tiềm ẩn nguy cơ gây lạm phát và bất ổn vĩ mô.

>>Tín dụng nông thôn: Phải có thiết chế phù hợp

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tín dụng quý I/2017 tăng nhanh do đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO