Tiền cả kho mà bo bo giữ

MINH TRIỆU| 19/09/2012 00:26

Mặc dù Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang gặp những thách thức liên quan đến vốn, nhưng không ít công ty mà EVN sở hữu cổ phần với tỷ lệ lớn lại cho có nguồn tiền mặt khá dồi dào. Tuy nhiên, nguồn tiền này được sử dụng như thế nào và đem lại hiệu quả, lợi ích cho ai lại là những câu chuyện dài.

Tiền cả kho mà bo bo giữ

Mặc dù Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang gặp những thách thức liên quan đến vốn, nhưng không ít công ty mà EVN sở hữu cổ phần với tỷ lệ lớn lại cho có nguồn tiền mặt khá dồi dào. Tuy nhiên, nguồn tiền này được sử dụng như thế nào và đem lại hiệu quả, lợi ích cho ai lại là những câu chuyện dài.

Giàu tiền mặt

Tại thời điểm 30/6/2012, khoản “Tiền và các khoản tương đương tiền” trên Báo cáo tài chính (BCTC) 6 tháng đã được soát xét của Công ty CP Điện lực Khánh Hòa (KHP) đạt 275,5 tỷ đồng, phần lớn là tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn không quá 3 tháng. Lấy 275,5 tỷ đồng chia cho số CP lưu hành của KHP là 41,5 triệu CP sẽ cho ra giá trị tiền mặt trên mỗi CP KHP lên đến hơn 6.600 đồng. Tính đến giữa năm 2012, giá trị tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của CTCP Thủy điện Thác Bà (TBC) đạt 109,2 tỷ đồng gấp đôi so với khoản “Nợ phải trả” của công ty là hơn 53 tỷ đồng.

Cuối năm 2011, chỉ riêng khoản tiền gửi ngân hàng với kỳ hạn nhỏ (bằng hoặc dưới 3 tháng) của Công ty CP Nhiệt điện Phải Lại (PPC) đạt khoảng 1.180,8 tỷ đồng, đến giữa năm 2012 mặc dù giảm gần 50% xuống còn hơn 530 tỷ đồng, nhưng con số này cũng không hề nhỏ. Những con số trên đã cho thấy trạng thái tiền mặt dồi dào của các công ty ngành điện đang niêm yết trên sàn. Nhưng sự dồi dào không dừng lại ở đó nếu xem xét thêm những khoản mục khác trên bảng cân đối kế toán của các công ty vừa nêu.

Ngoài 410 tỷ đồng gửi ngân hàng (số liệu lại thời điểm 30/6), Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh (VSH) còn cho EVN vay 300 tỷ đồng. Tương tự như vậy, PPC cũng cho EVN vay 350 tỷ đồng, và góp số vốn lên đến cả nghìn tỷ đồng vào các công ty trong cùng hệ thống EVN như Công ty CP EVN Quốc Tế, Nhiệt điện Quảng Ninh, Thủy điện Buôn đôn...

Hiệu quả thấp

Việc đầu tư tài chính, trong đó có cho vay và góp vốn không phải chức năng kinh doanh quá quan trọng đối với các công ty thủy điện hay nhiệt điện. Nhưng số tiền mà các công ty như VSH hay PPC cho EVN vay và góp vốn vào các công ty khác không nhỏ trong khi hiệu quả của các hoạt động này chưa chắc đã cao. Thời hạn mà VSH cho EVN vay 300 tỷ đồng đã kết thúc trong năm 2011, nhưng đến giữa năm 2012, công ty công bố chưa gia hạn mà cũng chưa thu hồi được các khoản cho vay này.

VSH tạm tính lãi cho vay của khoản vay này là 5,25 tỷ đồng mà lại không giải trình đây là lãi tạm tính 1 quý, 6 tháng hay cả năm. Giả sử, nếu VSH thu hồi được 300 tỷ đồng về, đem gửi ngân hàng với lãi suất 9%/năm thì tiền lãi tương ứng sẽ là 27 tỷ đồng/năm. Nếu số lãi tạm tính vừa nêu là dành cho 1 quý (tương ứng 1 năm vào khoảng 26 tỷ đồng) thì có thể xem là phù hợp nhưng nếu là 6 tháng (tương ứng 1 năm là 10,5 tỷ đồng) hay 1 năm thì có thể nói VSH đã cho vay với lãi suất quá bèo bọt. KHP cũng có một số khoản đầu tư như 18,75 tỷ đồng vào Công ty CP Chứng khoán Hà Thành, 15 tỷ đồng dành cho Công ty CP Bất động sản Sài Gòn Vina, 9 tỷ đồng góp vào Công ty CP Bất động sản Điện lực Miền Trung...

Đến giữa năm 2012, PPC vẫn đang nợ dài hạn số tiền lên đến hơn 7.400 tỷ đồng, khoản này được vay bằng đồng yên Nhật Bản và tất yếu sẽ phải chịu rủi ro về tỷ giá. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho lợi nhuận của PPC bị ảnh hưởng đáng kể, 6 tháng đầu năm nay PPC đã bị lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái lên đến 348 tỷ đồng.

Trong khi cùng khoảng thời gian này, lãi từ tiền gửi và cho vay đạt 230 tỷ đồng, lãi từ hoạt động đầu tư tài chính đạt hơn 62 tỷ đồng. Như đã nói ở trên, PPC bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng đầu tư, nhưng hiệu quả chỉ vài chục tỷ đồng, ở đây PPC cũng không giải thích rõ là lãi từ khoản nào.

Quyền lợi bỏ ngỏ

BCTC 6 tháng đầu năm 2012 đã được soát xét của VSH cho biết, công ty và EVN vẫn chưa có thỏa thuận chính thức về giá bán điện từ tháng 1/2010 đến tháng 6/2012. Vì vậy, VSH phải ghi nhận doanh thu giá bán điện các năm trên cơ sở giá bán điện của năm 2009.

Ngày 12/6/2012, PPC ký biên bản với nội dung thỏa thuận về việc chậm thanh toán tiền điện với Công ty Mua bán điện thuộc EVN (EPTC). Theo đó, tiền điện phải thu từ EPTC được thanh toán chậm hơn so với lịch thanh toán trong hợp đồng mua bán điện. Giá trị khoản “Phải thu tiền điện” của PPC vào cuối quý II/2012 lên đến 1.557,1 tỷ đồng.

EVN là cổ đông lớn của PPC, VSH nhưng đồng thời cũng là đối tác của các công ty này nhưng trong vai trò nào, cũng không thấy những tồn tại. PPC, VSH mặc dù có EVN là cổ đông lớn nhưng cũng còn có những cổ đông bên ngoài và với cách hành xử của EVN thì dường như chỉ có EVN có lợi. Những công ty này dù nhiều tiền, nhưng thay vì chia đều cho tất cả các cổ đông dường như lại đang tập trung vào mỗi EVN khi cho mua điện trả chậm, cho vay với lãi suất không rõ là bao nhiêu... Câu hỏi đặt ra lúc này: Đâu là quyền lợi cho các cổ đông bên ngoài?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tiền cả kho mà bo bo giữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO