Thương chiến Mỹ - Trung và gánh nặng chính sách tiền tệ

Nguyễn Hoàng| 30/05/2019 08:50

Kinh tế Việt Nam trong quý I/2019 không có nhiều điểm sáng, GDP chỉ tăng 6,79%, trong khi lạm phát bình quân có xu hướng tăng, lên mức 2,63%. Lãi suất liên ngân hàng cũng trong xu hướng cao hơn so với cùng kỳ năm 2018, biên độ dao động hẹp hơn trong khoảng 3,38% (giữa tháng 1) cho tới 5,6% (cuối tháng 2). Nguyên nhân của sự gia tăng lãi suất là do đảm bảo tỷ lệ dự trữ bắt buộc và biến động nguồn tiền gửi từ các ngân hàng lớn. Chỉ tới cuối quý I/2019, lãi suất liên ngân hàng mới giảm xuống mức 3,32%.

Thương chiến Mỹ - Trung và gánh nặng chính sách tiền tệ

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những thành công nhất định trong năm 2018 về điều hành chính sách tiền tệ theo hướng lãi suất, tỷ giá phù hợp với nền kinh tế, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ. Đặc biệt, tỷ giá khá ổn định trong khi hầu hết các đồng tiền của các thị trường mới nổi đều mất giá mạnh so với đồng USD, một số nước phải giảm dự trữ ngoại hối để can thiệp tỷ giá. Việc tỷ giá thị trường tăng khoảng 2,2 - 2,3% đã tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, thu hút vốn đầu tư, đưa FDI tăng 9,1% và hỗ trợ xuất khẩu với xuất siêu năm 2018 đạt 6,8 tỷ USD. Những kết quả này giúp niềm tin vào tiền đồng được củng cố và NHNN đang tiếp tục mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối.

Thế nhưng, thương chiến Mỹ - Trung leo thang có thể khiến nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn do các cú sốc từ thị trường thế giới. Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), trong dự báo mới nhất, đưa ra nhận định, quý II/2019 vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, mức tăng trưởng có thể chỉ đạt 6,3% và lạm phát bình quân tăng lên mức 2,78%.

Mục tiêu tăng trưởng 6,6 - 6,8% và lạm phát dưới 4% cho năm 2019 có thể đạt được nhưng không dễ. Do đó, sự thận trọng trong điều hành chính sách tiền tệ vẫn là điều vô cùng cần thiết đối với NHNN. Sự nhắc nhở này là không thừa trong bối cảnh NHNN vẫn “loay hoay” tìm kiếm các giải pháp để thực hiện ba nhiệm vụ chiến lược được đặt ra từ năm 2012, đó là chính sách tiền tệ ổn định, thúc đẩy tăng trưởng; xử lý nợ xấu; tái cấu trúc hệ thống ngân hàng theo hướng xử lý các ngân hàng yếu kém, đáp ứng những tiêu chuẩn tốt nhất, như Basel II.

Sự loay hoay của NHNN trong việc thực hiện ba nhiệm vụ căn bản ấy lại gần như không được nhắc đến. Trong khi đó, những tồn tại này đang là nguyên nhân làm cho lãi suất khó giảm và hiệu quả của hệ thống tài chính trong trung, dài hạn cũng như sự lành mạnh hóa toàn hệ thống bị ảnh hưởng. Thực trạng này cho thấy rõ hơn chính sách tiền tệ của nước ta đặt quá nhiều mục tiêu trung gian, mà việc áp trần tín dụng 14% là một ví dụ.

Một điểm nữa, chính sách tiền tệ của Việt Nam đang vừa phải ứng phó với những tồn tại bên trong hệ thống, vừa phải chuẩn bị cho một tương lai trung hạn là phải chuyển sang chính sách tiền tệ, lạm phát mục tiêu nhìn theo cách mới, không cứng nhắc như những mục tiêu đã có trước đây. Một thực tế cần được thừa nhận, nước ta đã không thành công trong thực hiện mục tiêu đến 2020, đó là đồng tiền Việt Nam được chuyển đổi tương đối đầy đủ. Trong khi đó, chỉ khi hiện thực hóa sự chuyển đổi này, sự phát triển hệ thống tài chính mới được quản lý theo mục tiêu trung gian là giá và lãi suất. Trên thực tế, sự chuyển đổi này sẽ không diễn ra nhanh như thực thi các chính sách tiền tệ, nhưng là việc NHNN phải làm từ hôm nay để chuẩn bị cho giai đoạn 10 năm tới.

NHNN thuộc Chính phủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và nghị quyết của Quốc hội. Điều này, ở một mức độ nào đó đã làm hạn chế tính độc lập và khả năng tự chủ của NHNN, dù pháp luật hiện hành cho phép tổ chức này có những công cụ để sử dụng. Kết quả điều hành chính sách tiền tệ những năm gần đây, đặc biệt là năm 2018 cho thấy, với thể chế hiện nay, NHNN vẫn có thể có cách tăng quyền tự chủ để xử lý những thách thức có thể đến từ những cú sốc bên ngoài, từ tác động cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng như những vấn đề nội tại. Theo đó, Chính phủ cần ứng xử với NHNN như một thành viên “đặc biệt”. Muốn vậy, NHNN cần chứng minh năng lực bằng những phân tích, quyết sách dựa trên sự bám sát diễn biến tình hình thế giới và trong nước và bằng sự nhìn nhận và phản hồi của thị trường. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thương chiến Mỹ - Trung và gánh nặng chính sách tiền tệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO