Thị trường chứng khoán Việt Nam: Lựa chọn trong mùa báo cáo thu nhập

KHÁNH PHƯƠNG| 16/01/2019 03:24

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua giai đoạn khó lường. Dù thị trường chứng khoán toàn cầu, đặc biệt là Mỹ, những ngày qua có chuỗi tăng điểm khá mạnh, nhưng chứng khoán trong nước vẫn chưa thật sự bứt phá mạnh mẽ như kỳ vọng.

Thị trường chứng khoán Việt Nam: Lựa chọn trong mùa báo cáo thu nhập

Lại một năm bội thu

Giá cổ phiếu trong những ngày đầu năm 2019 phản ứng khá khiêm tốn. Đặc biệt với thanh khoản sụt giảm và suy yếu trở lại càng khiến tâm lý nghi ngờ chiếm ưu thế trở lại trên thị trường hiện nay.

Thị trường dường như vẫn đang chờ đợi thêm một chất xúc tác nào đó, mà theo giới đầu tư có thể là kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ dần được hé lộ trong mùa báo cáo thu nhập sắp tới. Với tăng trưởng kinh tế và xuất siêu năm vừa qua ghi nhận mức kỷ lục, doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng trưởng tích cực, hoạt động sản xuất trong các ngành công nghiệp tiếp tục mở rộng, ngành nông lâm ngư nghiệp phục hồi, trong khi tỷ giá và lãi suất ổn định, thì hầu hết dự báo khả năng các doanh nghiệp tiếp tục có một năm 2018 bội thu lợi nhuận.

Thực tế là trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2018 vừa qua cũng đã chứng kiến hàng trăm doanh nghiệp trên sàn sớm vượt kế hoạch năm. Trong đó có những doanh nghiệp lợi nhuận phục hồi ấn tượng như HAG, hay đột biến như các doanh nghiệp ngành thủy sản như tập đoàn Sao Mai, Thủy sản Cửu Long An Giang, CTCP Đông Hải Bến Tre, Nam Việt. Ngoài ra còn là hàng loạt doanh nghiệp khác như DPM, PPC, PVI, PVB, SJD, PHR, VEA, VSH, VCP, GMC...

Hay như theo kết quả mới nhất, ngân hàng Vietcombank đã công bố lợi nhuận hợp nhất 2018 đạt kỷ lục 18.346 tỷ đồng, tăng 62% so với năm 2017 và thực hiện được 138% kế hoạch được giao. TPBank báo cáo lợi nhuận trước thuế tăng gấp đôi so với năm 2017, đạt 2.258 tỷ đồng và cũng vượt mục tiêu ĐHCĐ đề ra. BIDV cũng công bố lợi nhuận tăng 13% so với năm 2017 là 8.800 tỷ đồng. Theo đó năm 2018 khả năng đạt 9.900 tỷ đồng, cao hơn kế hoạch 9.300 tỷ đặt ra đầu năm.

Việc công bố báo cáo chậm trễ sẽ khiến không ít nhà đầu tư e ngại và thậm chí thiệt hại nếu kết quả sau kiểm toán biến động mạnh, khiến giá cổ phiếu mà nhà đầu tư trót mua vào vì tin tưởng lợi nhuận công ty công bố nhưng rồi sau đó lao dốc mạnh.

Ngoài nhóm ngân hàng có thể tiếp tục chứng kiến tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ, cùng với nhóm thủy sản, nhiều doanh nghiệp đã vượt kế hoạch năm ngay từ kết quả quý III, thì các tập đoàn nhà nước cũng công bố lợi nhuận khả quan. Đơn cử như Tổng công ty hàng không Việt Nam (HVN) ước đạt 2.012 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, đạt 102,7% kế hoạch năm 2018. Hay như Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) công bố đạt trên 4.000 tỷ đồng lợi nhuận, vượt 50% kế hoạch.

Nhưng cũng cần thận trọng

Với mùa báo cáo thu nhập được dự báo sẽ tiếp tục chứng kiến lợi nhuận các doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, theo đó là yếu tố hỗ trợ cho giá cổ phiếu tăng mạnh trở lại khi kích thích lực mua quay trở lại thị trường. Vì vậy, đa số kỳ vọng cho rằng thị trường chứng khoán sẽ có những bước phục hồi mạnh mẽ hơn trong 3 tháng tới.

Dù vậy, sự thận trọng là không bao giờ thừa, theo đó nhà đầu tư cần xem xét kỹ lợi nhuận mà các doanh nghiệp ước tính hoặc công bố, đảm bảo có tính hợp lý. Thực tế cũng đã cho thấy nhiều doanh nghiệp ban đầu công bố lợi nhuận tăng trưởng rất mạnh và vượt kế hoạch, nhưng kết quả kiểm toán/soát xét sau đó lại chứng kiến phần lớn lợi nhuận bị bốc hơi một cách khó hiểu.

Theo quy định hiện nay của thông tư số 155/2015/TT-BTC, công ty đại chúng phải công bố báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tổ chức kiểm toán ký báo cáo kiểm toán, nhưng không vượt quá 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Theo đó 31/3 là thời hạn cuối để các công ty niêm yết có năm tài chính kết thúc vào ngày 31/12 phải công bố báo cáo kiểm toán.

Tuy nhiên, thực tế là vẫn có hàng trăm doanh nghiệp xin gia hạn thời điểm công bố theo luật định. Đơn cử như năm 2018 vừa qua, chỉ trong vòng 4 tháng đầu năm đã có gần 400 công ty đại chúng xin phép chậm công bố báo cáo tài chính năm 2018. Và mới nhất theo thông tin từ Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), chưa đến nửa đầu tháng 1 năm nay, cũng đã có hàng chục công ty xin gia hạn thời gian công bố báo cáo tài chính năm 2019.

Rõ ràng việc công bố báo cáo chậm trễ sẽ khiến không ít nhà đầu tư e ngại. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng nên lưu ý, dù kết quả kinh doanh năm 2018 thật sự mạnh mẽ, nhưng đó cũng chính là áp lực tăng trưởng của doanh nghiệp trong năm 2019 này. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ chịu không ít sức ép để đặt kế hoạch lợi nhuận 2019 vẫn tăng trưởng hoặc ít nhất phải bằng với năm 2018.

Và một khi kế hoạch tăng trưởng khiêm tốn hoặc sụt giảm thì cũng sẽ tác động tiêu cực lên giá cổ phiếu. Chính vì vậy mới có quan điểm "tin ra là bán", tức khi doanh nghiệp chính thức công bố lợi nhuận năm vượt trội thì có lẽ nhà đầu tư cũng nên xem xét chốt lời và tìm kiếm những doanh nghiệp khác có tiềm năng phục hồi trở lại hay tăng trưởng tốt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường chứng khoán Việt Nam: Lựa chọn trong mùa báo cáo thu nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO