Thị trường chứng khoán - phong vũ biểu của nền kinh tế

GIA LÊ| 21/07/2018 06:35

Đã từ lâu giới phân tích lẫn nhà đầu tư tin rằng thị trường chứng khoán luôn được coi là "phong vũ biểu" của nền kinh tế, tức những diễn biến trên thị trường chứng khoán có thể phản ánh những thay đổi của nền kinh tế.

Thị trường chứng khoán - phong vũ biểu của nền kinh tế

Tuy nhiên, không nên hiểu gói gọn thị trường chứng khoán chỉ là thị trường mua bán cổ phiếu các doanh nghiệp niêm yết, mà còn bao gồm thị trường trái phiếu nơi mà Chính phủ mua bán, phát hành trái phiếu của quốc gia để có nguồn thu nhằm bù đắp thâm hụt ngân sách, trả nợ cũng như phục vụ cho các mục tiêu quản lý cung tiền, lạm phát hay lãi suất.

Chính vì vậy, thị trường chứng khoán diễn biến tích cực hay tiêu cực, bao gồm cả thị trường cổ phiếu lẫn trái phiếu, và do đó có thể phản ánh một cách nhạy bén và chính xác triển vọng nền kinh tế cho giai đoạn sắp tới, mà theo giới phân tích thì thị trường chứng khoán sẽ đi trước sự thay đổi của nền kinh tế 6 tháng, do đó mới được gọi là phong vũ biểu để dự báo tình trạng kinh tế, đặc biệt là khi Chính phủ cũng sử dụng thị trường chứng khoán như là công cụ quan trọng giúp thực hiện các chính sách kinh tế.

Cụ thể, khi giá chứng khoán, bao gồm cổ phiếu và trái phiếu tăng sẽ cho thấy nền kinh tế tiếp tục mở rộng, tăng trưởng tích cực và chính sách tiền tệ nới lỏng. Thật vậy, khi giá cổ phiếu tăng thì nhiều người quyết định mua vào hơn bán ra, tức phản ánh niềm tin của nền kinh tế nói chung cũng như hoạt động của doanh nghiệp nói riêng.

Link bài viết

Còn giá trái phiếu tăng đồng nghĩa với lợi suất trái phiếu giảm - một tín hiệu có thể làm mặt bằng lãi suất xuống thấp hơn, phản ánh chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng và kích thích nền kinh tế mở rộng đầu tư.

Ngược lại, khi thị trường cổ phiếu giảm sâu, cho thấy tâm lý của các nhà đầu tư trở nên bi quan hơn trước những dự báo không mấy tốt đẹp về triển vọng của nền kinh tế. Trong khi đó, nếu lạm phát tăng, các yếu tố bất ổn nhiều hơn và có thể buộc Chính phủ phải sớm thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại, thì các nhà đầu tư yêu cầu lợi suất khi rót tiền vào thị trường trái phiếu cũng phải cao hơn, do đó giá trái phiếu sẽ giảm xuống tương ứng.

Nếu phải phát hành trái phiếu nhiều hơn để bù đắp cho các khoản thâm hụt ngân sách, tăng trả nợ thì tất yếu sẽ đẩy giá trái phiếu đi xuống theo nguyên lý cung nhiều hơn cầu. Và đặc biệt một khi giá trái phiếu giảm một mức độ nhất định, tức lợi suất trái phiếu tăng đủ mức hấp dẫn thì sẽ thu hút dòng tiền từ thị trường cổ phiếu kéo sang, càng gây áp lực giảm giá lên cổ phiếu đang niêm yết.

Diễn biến của thị trường chứng khoán Mỹ gần đây là minh chứng rõ nhất, khi những thời điểm lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng vượt mốc 3% cũng là lúc thị trường cổ phiếu chịu áp lực và liên tiếp giảm sâu.

Riêng thị trường Việt Nam, với giá nhiều cổ phiếu liên tiếp giảm mạnh gần đây, trong khi giá trái phiếu cũng có dấu hiệu chấm dứt xu hướng tăng, thì rõ ràng các nhà đầu tư có sơ sở để lo ngại về triển vọng nền kinh tế trong giai đoạn tới.

Thực tế với GDP quý I đã bất ngờ đạt đỉnh cao nhất trong nhiều năm qua rồi có dấu hiệu giảm tốc, lạm phát có áp lực cao hơn, mặt bằng lãi suất thấp có vẻ như sắp kết thúc, thì thị trường chứng khoán "đi trước thời cuộc" cũng là điều dễ hiểu trong thời điểm hiện nay, nhất là khi các yếu tố khách quan từ thị trường thế giới như rủi ro chiến tranh thương mại, chiến tranh tiền tệ hay những bất ổn địa - chính trị dường như nằm ngoài sự chủ động của nhà điều hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường chứng khoán - phong vũ biểu của nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO