Thao túng giá, cổ phiếu rác và cổ phiếu lừa đảo

Gia Lê| 29/09/2019 06:00

Dù việc thao túng giá trên thị trường chứng khoán liên tiếp được phát hiện và xử lý mạnh tay, nhưng dường như vẫn chưa đủ mức răn đe với những “đội lái”, những cổ đông nội bộ thích tạo sóng cổ phiếu để lừa nhà đầu tư nhỏ lẻ, thậm chí cả những công ty chứng khoán cũng trở thành mục tiêu vì chính sách cho vay margin “rộng rãi” mà thiếu kiểm soát.

Thao túng giá, cổ phiếu rác và cổ phiếu lừa đảo

Những DVD, MTM, KSA một thời đã gây ra bao nỗi lo ngại cho các nhà đầu tư khi chứng kiến vốn đầu tư của mình phút chốc trở nên vô giá trị. Gần đây, cổ phiếu Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (HOSE: FTM) dường như đi vào vết xe đổ, khi đã có hàng chục phiên giảm sàn và những góc khuất sau đó đang dần hé lộ.

Nếu như các cổ phiếu “rác” vẫn còn có thể thu hút một bộ phận nhà đầu tư ưa thích mạo hiểm, thì những cổ phiếu lừa đảo luôn khiến họ phải tránh xa khi phát hiện ra chúng. Điều cần phân biệt là cổ phiếu rác thường là cổ phiếu có thị giá đã rất thấp do kết quả kinh doanh yếu kém và xu hướng đi xuống của giá cổ phiếu chưa thấy điểm dừng, thì cổ phiếu lừa đảo đôi khi có thị giá trên sàn rất cao cùng với các chỉ số tài chính “đẹp như mơ”.

Điểm chung là hai loại cổ phiếu này đều dễ dàng bị thao túng giá để đưa nhà đầu tư vào tròng. Nếu như cổ phiếu rác có thị giá thấp nên để thao túng không cần phải có nguồn tài chính quá lớn, thì cổ phiếu lừa đảo thường đã được gom hết và nằm trong tay đội lái, đôi khi là cổ đông nội bộ - những người sẵn sàng xào nấu các báo cáo tài chính hoặc hợp tác với đội lái để lừa dối nhà đầu tư.

Chính vì vậy, những nhà đầu tư nhỏ lẻ vốn bị hạn chế trong việc tiếp cận thông tin nội bộ của doanh nghiệp (DN) nên tránh xa những loại cổ phiếu này, cũng như các cổ phiếu có diễn biến tăng giá bất thường hoặc nghi ngờ lừa đảo.

Dù việc phát hiện này không hề đơn giản, nhưng một số quan sát trên báo cáo tài chính của DN có thể cung cấp một số thông tin cảnh báo cho nhà đầu tư.

Nhìn lại những cổ phiếu bị đưa vào danh sách đen kể trên, có thể thấy các chính sách tăng vốn khủng trước và cả sau khi lên sàn. Tuy nhiên, việc tăng vốn này không đến từ nguồn tiền thật, mà chủ yếu là từ góp vốn bằng tài sản, mua các công ty liên doanh, liên kết để hợp thức hóa vốn góp, trong hầu hết trường hợp các công ty liên doanh liên kết đó không nằm trong chuỗi giá trị của công ty mẹ. Chính việc tăng vốn ảo như trên làm tổng tài sản phình to, nhưng nguồn lực tài chính không có nên không thể giúp DN phát triển kinh doanh tương xứng với vốn tăng thêm.

Thứ hai là các khoản phải thu, hàng tồn kho thường chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản, trong khi tiền mặt và các khoản tương đương tiền thấp một cách ngạc nhiên. Do tiền mặt và các khoản tiền gửi ngân hàng thường được kiểm tra dễ dàng và kiểm toán kỹ càng, nên khó có thể  xào nấu, ngược lại các khoản phải thu, hàng tồn kho rất khó kiểm tra nên nhiều DN kê khống hoặc không có thật, nhằm hợp thức hóa và làm đẹp báo cáo tài chính.

Thứ ba là doanh thu tăng khủng nhưng lợi nhuận không tăng tương xứng mà ngày càng teo tóp, đặc biệt có những thời điểm doanh thu khác đóng góp phần lớn trong tổng doanh thu nhưng lại không được thuyết minh rõ ràng, khiến nhà đầu tư không biết được lợi nhuận của DN thật sự đến từ đâu. Ngoài ra, những giao dịch nội bộ lòng vòng với người hoặc tổ chức có liên quan một cách khó hiểu suốt một thời gian dài cũng là tiêu chí cần chú ý.

Để tránh được những sai sót khi đánh giá về một DN, ngoài việc xem xét kỹ báo cáo tài chính qua các giai đoạn và so sánh, phân tích, nhà đầu tư nên đọc kỹ bản cáo bạch của DN trước khi lên sàn cũng như tìm kiếm các thông tin bên lề, để tự bảo vệ bản thân và tránh những thiệt hại có thể vận vào mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thao túng giá, cổ phiếu rác và cổ phiếu lừa đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO