Siết vay ngoại tệ: Doanh nghiệp gặp khó?

LỮ Ý NHI| 13/04/2016 08:34

Việc Ngân hàng Nhà nước siết vay ngoại tệ theo Thông tư 24, áp dụng từ ngày 31/3 có ảnh hưởng đến các doanh nghiệp cần vay vốn sản xuất và lãi suất huy động USD có xuống mức âm?

Siết vay ngoại tệ: Doanh nghiệp gặp khó?

Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) siết vay ngoại tệ theo Thông tư 24, áp dụng từ ngày 31/3 có ảnh hưởng đến các doanh nghiệp (DN) cần vay vốn sản xuất và lãi suất huy động USD có xuống mức âm? 

Đọc E-paper

Theo Thông tư 24 của NHNN, các ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ mà chuyển sang mua bán USD thuần túy. Việc NHNN đưa ra Thông tư 24 nhằm hạn chế cho vay ngoại tệ và chống "đô la hóa" nền kinh tế, đồng thời từng bước chuyển dịch từ quan hệ vay và gửi ngoại tệ sang quan hệ mua bán ngoại tệ.

Sau khi Thông tư 24 ban hành, hầu hết ý kiến của các NH đều cho rằng, về lâu dài, Thông tư 24 sẽ giúp tăng vị thế của tiền đồng và tăng tính ổn định của thị trường ngoại hối.

Thực tế, sau khi Thông tư được áp dụng, giao dịch ngoại tệ tại các NH đến thời điểm này vẫn bình thường, các NH cũng không gặp khó trong việc huy động ngoại tệ và lãi suất huy động ngoại tệ cũng sẽ không xuống mức âm như nhiều ý kiến đặt ra.

Theo lý giải của ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-NH: "Hiện tại, các NH vẫn cần vốn ngoại tệ để phục vụ vốn vay cho ba nhóm khách hàng vẫn được NHNN cho vay ngoại tệ, đó là các DN có nguồn thu xuất khẩu, có nhu cầu thanh toán nước ngoài, nhập khẩu xăng dầu và thực hiện các công trình thuộc lĩnh vực ưu tiên và trọng điểm của quốc gia.

Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi USD về mức 0%/năm không ảnh hưởng nhiều đến tiền gửi bằng USD hay tâm lý găm giữ USD của người dân, rất nhiều người dân không quan tâm đến lãi suất vì họ muốn giữ USD".

Trước câu hỏi liệu NH trong nước có mất lợi thế khi DN sẽ chuyển sang giao dịch với các NH nước ngoài để được vay ngoại tệ, đại diện Vietbank cho rằng: "NH không bị ảnh hưởng vì nhóm khách hàng này không nhiều".

Là NH có số lượng khách hàng DN xuất khẩu khá lớn, theo bà Nguyễn Thị Kim Oanh - Tổng giám đốc NH Ngoại thương Việt Nam, chỉ có khoảng 300 DN bị ảnh hưởng và NH cũng đã kịp thời đưa ra nhiều sản phẩm giúp DN không bị tăng chi phí lãi vay. Cụ thể, NH đã cho DN vay tiền đồng với lãi suất bằng tiền USD với điều kiện phải cam kết bán lại ngoại tệ cho NH với tỷ giá bằng thời điểm NH cho vay".

Về phía các DN, bà Trần Trang Cẩm Tú - Giám đốc Công ty TNHH Núi Sông cho rằng, tỷ giá ngoại tệ thời gian qua ổn định, nhất là hiện nay lãi suất vay ngoại tệ đang ở mức 2,8-5,2%/năm, còn lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 5,3 - 6,2%/năm.

Trong khi đó, lãi suất cho vay tiền đồng trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8 - 9%/năm đối với ngắn hạn nên vay ngoại tệ là có lợi.

Vì vậy, với quy định trong Thông tư 24, DN không được vay ngoại tệ sẽ phải chuyển sang vay vốn bằng tiền đồng và do lãi suất cho vay bằng tiền đồng cao hơn sẽ dẫn đến chi phí vay vốn tăng lên, ảnh hưởng ít nhiều đến chi phí kinh doanh và giá thành sản phẩm.

Tuy nhiên, về lâu dài thì đây là chính sách hợp lý. Vì hiện nay, chênh lệch lãi suất vay ngoại tệ và tiền đồng lên tới 3 - 5%, nhiều DN đã tranh thủ hình thức vay mượn này để hưởng chênh lãi suất. Và thực tế, các DN này đã thu một khoản lãi khá lớn.

Ông Nguyễn Lâm Viên - Tổng giám đốc Công ty CP Vinamit, cho rằng: "Việc DN xuất khẩu trực tiếp thu ngoại tệ và được vay ngoại tệ là công bằng. Song, theo Thông tư 24, các DN sản xuất trong nước, có sản phẩm xuất khẩu nhưng qua trung gian (xuất khẩu gián tiếp) sẽ không được vay ngoại tệ thì chưa hợp lý, bởi chính sách cho vay ngoại tệ áp dụng cho DN tạo ra dòng tiền ngoại tệ, nếu không được vay ngoại tệ thì các DN này phải chịu lãi vay tiền đồng cao hơn sẽ ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh".

Nhìn nhận ở góc độ khác, ông Phan Minh Thông - Tổng giám đốc Công ty CP Phúc Sinh, cho biết, DN xuất khẩu vẫn có thể dùng công cụ mua bán ngoại tệ tương lai để cân đối lãi suất. Tuy nhiên các DN mới làm, chưa có uy tín cần phải đặt cọc cho NH khi thực hiện nghiệp vụ này.

>Ngân hàng Nhà nước lên tiếng về việc "siết" cho vay ngoại tệ

>Từ 31/3, sẽ dừng cho vay ngoại tệ với DN xuất khẩu

> Lo ngại của DN trước quy định dừng cho vay ngoại tệ ngắn hạn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Siết vay ngoại tệ: Doanh nghiệp gặp khó?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO