SCIC thoái vốn ở Vinamilk: Thời điểm nào là "thích hợp"?

P.T| 14/10/2015 05:08

Theo các công ty chứng khoán, việc SCIC thoái vốn ở 10 công ty trong đó có các mã thuộc nhóm bluechip là tín hiệu đáng mừng đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

SCIC thoái vốn ở Vinamilk: Thời điểm nào là

Sau thông tin Chính phủ cho phép Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) “chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc thoái hết vốn tại 10 doanh nghiệp nhằm đạt được lợi ích cao nhất” (văn bản 1787/TTg-ĐMDN do Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh ký ngày 8/10/2015), thị trường chứng khoán đã có sự biến động mạnh.

10 doanh nghiệp đó gồm:

1/ Công ty cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM)

2/ Công ty cổ phần FTP (FPT)

3/ Công ty cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom)

4/ Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP)

5/ Công ty cổ phần Bảo Minh (BMI)

6/ Công ty cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (VNR)

7/ Công ty cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (HGM)

8/ Công ty cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (NTP)

9/ Công ty cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (PPI)

10/ Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang (SGC)

Theo các công ty chứng khoán, việc Nhà nước quyết định thoái vốn ở các công ty trên, trong đó có các mã trong nhóm bluechip là tín hiệu đáng mừng đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Công ty cổ phần Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) cho rằng đây là một bước đột phá giúp nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận nhiều hơn đối với những bluechip lớn như VNM và FPT. HSC nhận định, thị trường chắc chắn sẽ đón nhận thông tin này một cách tích cực do hiện tại đang thiếu hụt nguồn cung các cổ phiếu chủ chốt dẫn đến khó thu hút các dòng vốn lớn hơn vào thị trường.

Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng cho rằng động thái này của Nhà nước có thể mở đường cho sự tham gia nhiều hơn của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty này, nếu các công ty này được cho phép và quyết định sẽ nâng tỷ lệ trần sở hữu nước ngoài.

Trên thực tế, trong phiên giao dịch 14/10, ngày đầu tiên thị trường đón nhận thông tin trên, cổ phiếu của hầu hết các công ty trong danh sách trên đều tăng.

8/10 doanh nghiệp trên đang niêm yết trên sàn chứng khoán (trừ FPT Telecom và PPI), với giá trị hơn 62 ngàn tỷ đồng, trong đó riêng vốn hóa thuộc nhà nước tại Vinamilk (VNM) đã trên 55.000 tỷ đồng (trên 2,4 tỷ USD). Thoái hết vốn tại các doanh nghiệp này, Nhà nước có thể thu về ít nhất 4 tỷ đô la Mỹ. Đây là nguồn thu khổng lồ đủ sức bù đắp bội chi ngân sách năm nay (theo dự toán là 226 ngàn tỷ đồng, tức khoảng hơn 1 tỷ đô la Mỹ), đồng thời giúp Chính phủ có nguồn để cơ cấu một số khoản nợ trong nước.

Tuy nhiên, trên phương diện kinh doanh, việc SCIC thoái vốn ở các doanh nghiệp đang có tỷ lệ sinh tốt làm dư luận có chút băn khoăn: Thoái hết vốn khỏi Vinamilk - công ty vốn được coi là "gà đẻ trứng vàng" - SCIC còn lại gì?

Với sự tăng trưởng ổn định và luôn ở mức cao, cổ tức của Vinamilk cũng luôn được chi trả ở mức cao. Năm 2014, với mức lợi nhuận sau thuế đạt 6.068 tỷ đồng, Vinamilk chi trả cổ tức ở mức 40%. Với 541 triệu cổ phiếu nắm giữ, cổ tức mà SCIC nhận được từ Vinamilk lên tới 2.164 tỷ đồng.

Đó là lý do khiến thị trường và nhà đầu tư băn khoăn: Thời điểm "thích hợp" mà SCIC chọn để thoái vốn tại Vinamilk là khi nào?

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định: "Tôi không thấy bằng chứng cho việc họ sẽ cố tình chần chừ trong việc rút vốn khỏi Vinamilk, FPT… để giữ lợi nhuận mà ngược lại tôi tin họ rất muốn nhanh chóng thoái vốn khỏi các doanh nghiệp này nhằm thực hiện chủ trương tái cơ cấu kinh tế của Chính phủ".

Với chức năng "quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước" và sứ mệnh "góp phần thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu, sắp xếp đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước", SCIC chắc chắn sẽ phải cân nhắc giữa các lợi ích để chọn thời điểm "thích hợp" theo tinh thần chỉ đạo từ Chính phủ.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
SCIC thoái vốn ở Vinamilk: Thời điểm nào là "thích hợp"?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO