Sáp nhập HBB vào SHB: 1+1=2?

HOÀNG VŨ| 15/08/2012 04:08

Sau nhiều tháng chờ đợi, cuối cùng thông tin sáp nhập Habubank (HBB) vào SHB đã chính thức được công bố. 405 triệu cổ phiếu Habubank giờ đây chuyển đổi thành cổ phiếu SHB mới.

Sáp nhập HBB vào SHB: 1+1=2?

Sau nhiều tháng chờ đợi, cuối cùng thông tin sáp nhập Habubank (HBB) vào SHB đã chính thức được công bố. 405 triệu cổ phiếu Habubank giờ đây chuyển đổi thành cổ phiếu SHB mới. Mục tiêu sáp nhập hai ngân hàng (NH) đã rõ, nhưng trong việc thay đổi, người điều hành vẫn làm ít nhiều cổ đông lo lắng.

Đọc E-paper

Cách đây không lâu, ông Lê Đức Thúy, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, thời gian qua, bộ máy quản trị một số NH không những yếu kém mà còn bị chi phối bởi lợi ích riêng, như việc dùng vốn NH đầu tư cho những công ty con (trong đó có lĩnh vực bất động sản - BĐS) nhưng không thu hồi được vốn, rồi phải xé rào lách lãi suất, vay vốn bằng mọi giá...

Nay việc sáp nhập HBB và SHB một lần nữa khẳng định chuyện yếu kém trong việc quản trị NH rất quan trọng trong những bước đi của quá trình tái cơ cấu.

Thực tế là NHNN đang có những bước đi đúng trong lộ trình tái cấu trúc NH quan trọng là thay đổi cơ cấu phân bổ nguồn lực, đưa nguồn lực đến những nơi cần, đem lại hiệu quả thực sự để tăng trưởng bền vững hơn.

Bằng chứng là trong 2 năm trở lại đây, thị trường chứng kiến nhiều vụ sáp nhập thành công trong lĩnh vực NH, bao gồm: thương vụ hợp nhất ba NH (SCB, Ficombank, TinNghia Bank); Quỹ Đầu tư Bản Việt mua toàn bộ GiaDinh Bank và đổi tên thành BanViet Capital Bank; SHB mua toàn bộ Habubank; Sacombank có ban điều hành mới...

Tính đến nay, mỗi vụ hợp nhất, sáp nhập đều dần giải quyết được vấn đề quản trị tài sản, quản trị rủi ro chất lượng, quy mô mạng lưới tốt hơn. Ví dụ, hệ số an toàn vốn (CAR) của SHB sau sáp nhập là 11,39%, cao hơn chuẩn mực quốc tế (9%). Đáng chú ý là số nợ tập trung vào 50 khách hàng doanh nghiệp, chiếm đến 60% số nợ xấu.

Trong đó, chủ yếu là doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực đóng tàu, sửa chữa, vận tải tàu biển (chủ yếu là Vinashin), giấy, nông sản... Tuy nhiên, phát biểu trước báo giới, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB vẫn tỏ ra tin tưởng sau sáp nhập, hoạt động của SHB vẫn “an toàn, bền vững”. Ông Hiển còn nói thêm về dự kiến năm 2013, hệ số tín nhiệm của SHB sẽ được điều chỉnh tăng trở lại.

Hoặc trước đó, nhiều người lo ngại những thành viên được đưa từ NH Phương Nam (NH từng rơi vào tình trạng mất thanh khoản và phải nhờ NHNN can thiệp) sang quản trị Sacombank sẽ không đủ tầm, nhưng đại diện nhóm cổ đông lớn thâu tóm Sacombank, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank khẳng định trong đại hội cổ đông của Sacombank: “Với các thành viên mới tham gia HĐQT Sacombank chắc chắn sẽ nỗ lực để có thể đưa NH ngày càng phát triển”. Theo ông Dũng, chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra của Sacombank trong năm 2012 sẽ ở mức 3.400 tỷ đồng.

Tâm lý chung là hào hứng và cổ vũ cho sự tăng giá của cả hai cổ phiếu HBB và SHB. Theo đó, sáp nhập chắc chắn sẽ thành công và khi đó vốn điều lệ của thực thể mới SHB cộng HBB sẽ tăng vọt, ngang ngửa với các NH cổ phần hàng đầu.

Về lý thuyết, quyền lợi của các cổ đông của cả SHB và HBB sau vụ sáp nhập này đều được đảm bảo. Theo đó, cổ đông đang nắm giữ 1 cổ phiếu HBB sẽ được hoán đổi 0,75 cổ phiếu SHB và cổ đông đang nắm giữ 1 cổ phiếu SHB sẽ được thêm 0,21 cổ phiếu. Song đó không phải là điều mà các cổ đông của SHB lo ngại, mà họ lo SHB sẽ phải đối mặt với trục trặc trong thời gian tới, khi đó lợi ích của cổ đông khó lòng được đảm bảo.

Chẳng hạn, về nguyên tắc cho HBB về cùng một nhà, SHB sẽ phải thành lập ban quản lý, xử lý nợ để làm việc với từng doanh nghiệp để giải quyết 3.729 tỷ đồng nợ xấu mà HBB để lại. Trước mắt, những khoản nợ khó thu hồi từ Bianfishco mà HBB đã rót vào công ty này. Hay khoản nợ tại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Kenmark, nơi cả SHB và HBB đều cho vay (riêng SHB cho vay 14,5 triệu USD)...

Ngoài ra, SHB phải gánh thêm một số công ty con của HBB đang hoạt động không hiệu quả, bỏ ra nhiều khoản chi phí để thay đổi thương hiệu, hình ảnh của các chi nhánh, văn phòng giao dịch của HBB; chi phí hoán đổi cổ phiếu HBB thành SHB... Tất cả những thay đổi trên buộc cổ đông SHB suy nghĩ là liệu giá trị cổ phiếu của SHB có bị hạ thấp và cổ tức năm tới còn lại bao nhiêu khi ngành NH kinh doanh ngày càng khó khăn.

Bên cạnh đó, mâu thuẫn về mục tiêu và tầm nhìn của các ông chủ mới sau khi sáp nhập, hợp nhất trở thành rào cản mới trong kinh doanh. Điển hình là trường hợp của Sacombank khi bị các nhóm cổ đông lớn từ các NH khác thâu tóm, ban điều hành mới và cũ không thống nhất về định hướng và kế hoạch kinh doanh khiến không ít cổ đông của Sacombank lo rằng mục tiêu kinh doanh 2012 không đạt được như kế hoạch đề ra...

Có lẽ, ở thời điểm hiện tại sẽ khó để bàn về hiệu quả hoạt động của các NH mới sau sáp nhập, hợp nhất như thế nào, chỉ có chờ thực tế mới đưa ra câu trả lời chính xác. Nhưng có một điều được xác định là tốt sau mỗi lần sáp nhập là nền tài chính trở nên sạch hơn, minh bạch hơn; các con số nợ xấu được công khai để có hướng giải quyết.
120.000 tỷ đồng

NH SHB sau khi sáp nhập Habubank sẽ có tổng tài sản gần 120.000 tỷ đồng (tương đương với quy mô của các nhà băng trong khối G14). Tổng vốn điều lệ sẽ gần 9.000 tỷ đồng. Sau sáp nhập, tổng số nhân viên của SHB đạt gần 5.000 người. SHB mới sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng chỉ tiêu tín dụng từ 13 - 15%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sáp nhập HBB vào SHB: 1+1=2?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO