Quan hệ DN - cổ đông: Vẫn là chuyện minh bạch thông tin

MINH TRIỆU| 28/01/2015 08:24

Nhiều DN đang hoạt động bình thường, bỗng dưng công bố ý định hủy niêm yết, khiến cổ đông không kịp trở tay.

Quan hệ DN - cổ đông: Vẫn là chuyện minh bạch thông tin

Từ khi doanh nghiệp (DN) công bố ý định hủy niêm yết cho đến lúc huỷ niêm yết chính thức cần có một khoảng thời gian dài. Nhưng thông tin chỉ được đưa ra bên ngoài khi cổ phiếu chính thức huỷ khiến nhà đầu tư cá nhân rơi vào thế bị động.

Đọc E-paper

Tuần rồi, Công ty CP Hữu Liên Á Châu (HLA) xin hủy niêm yết hơn 34 triệu cổ phiếu từ ngày 12/2. Tổng giá trị niêm yết bị hủy niêm yết theo mệnh giá là 344.592.930.000 đồng.

Ngày 14/1/2015, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM đã có Quyết định số 09/QĐ-SGDHCM về việc hủy niêm yết cổ phiếu của HLA với lý do là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (lỗ lũy kế) tại ngày 30/9/2014 là - 656,42 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp là 344,59 tỷ đồng căn cứ trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2014.

Theo đó, HLA thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 60 Nghị định 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012. Như vậy, ngày giao dịch cuối cùng của cổ phiếu HLA tại HOSE vào 11/2/2015.

Cách đó vài ngày, Công ty CP Lương thực Đông Bắc (DBF) hủy đăng ký giao dịch từ 19/1/2015 do không còn đáp ứng điều kiện công ty đại chúng. HNX thông báo, đơn vị này sẽ hủy đăng ký giao dịch của gần 3,7 triệu cổ phiếu (UPCoM: DBF) từ ngày 19/1/2015 do không còn đáp ứng điều kiện công ty đại chúng. Ngày giao dịch cuối cùng tại HNX là 16/1/2015.

Sắp tới đây, cổ phiếu AVF của Công ty CP Việt An cũng được HOSE thông báo là có khả năng hủy niêm yết với nội dung tương tự. Do lợi nhuận sau thuế của Công ty năm 2014 là -892,61 tỷ đồng, lợi nhuận chưa phân phối tại ngày 31/12/2014 là - 815 tỷ đồng và vốn điều lệ thực góp là 433,38 tỷ đồng. Như vậy, tổng số luỹ kế vượt quá vốn điều lệ thực góp của AVF.

Hiện tại, cổ phiếu này bị kiểm soát đặc biệt theo Quyết định số 377/QĐ-SGDHCM ngày 30/9/2014 do Công ty tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin sau khi đã bị đưa vào diện cảnh báo và để bảo vệ quyền lợi các nhà đầu tư.

Về mặt kinh doanh, AVF là được đánh giá khá cao, những năm trước AVF còn nằm trong nhóm những cổ phiếu có EPS vào loại cao trên sàn. Nay, việc kinh doanh sa sút, AVF không có khả năng đứng vững trên sàn khiến nhiều nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu.

Những sự việc trên đây đều có một điểm chung là rời sàn không đồng nghĩa với "thảm hoạ”, nhất là đối với các cổ đông nhỏ lẻ vì công ty vẫn duy trì quyền lợi cho cổ đông bằng các biện pháp như mua lại, hoặc vẫn tiếp tục duy trì hoạt động.

Cũng có những trường hợp công ty sau khi hủy niêm yết đã dần cải thiện kinh doanh. Nhưng trong thực tế, không phải công ty nào cũng như AGD, MKP hay MPC khi rời sàn đều đảm bảo quyền lợi của cổ đông, ít nhất là về mặt thanh khoản. Đặt trong trường hợp hiện tại, nhiều DN làm ăn bết bát bị buộc phải rời sàn khiến mớ cổ phiếu được mua bằng tiền hoá tờ giấy vô giá trị.

Thậm chí, những DN đang hoạt động bình thường, bỗng dưng công bố ý định hủy niêm yết, cổ đông không kịp trở tay, và để có giải pháp cho những trường hợp như vậy không phải đơn giản. Đó là lý do vì sao gần đây, nhiều nhà đầu tư thể hiện mong muốn cơ quan chức năng kiểm soát chặt hơn đối với DN niêm yết để quyền lợi của họ được đảm bảo.

Trong hội thảo mới đây do HNX tổ chức, nhiều nhà đầu tư mong rằng, cơ quan này vừa chia sẻ những thuận lợi, kinh nghiệm khi niêm yết, nhưng đồng thời cũng phải nhắc nhở một cách nghiêm khắc, kỹ lưỡng với công ty về việc niêm yết chứng khoán là một bước tiến chiến lược, dài hạn chứ không phải để "đánh quả” xong rồi "rút".

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico, chia sẻ, việc các công ty hủy niêm yết hỗ trợ cổ đông như thế nào tuỳ thuộc vào nguồn lực và tình thế lúc đó của công ty.

Chẳng hạn, việc công ty mua lại cổ phiếu, thì chỉ những công ty có lượng tiền mặt, hoặc các cổ đông lớn có thực lực mới có thể tiến hành, còn nếu công ty gặp khó khăn thì khó thực hiện. Ở đây cũng cần xác định rõ, huỷ niêm yết không đồng nghĩa với "thảm hoạ”.

Tuy nhiên, về mặt trách nhiệm, ông Hải cho rằng lãnh đạo công ty sẽ phải làm thế nào để đảm bảo quyền lợi của cổ đông một cách tốt nhất. Nếu trong trường hợp, công ty hủy niêm yết sẽ thuận lợi hơn trong việc tái cấu trúc, hoặc thay đổi kinh doanh, thì cổ đông có thể thiệt thòi một mặt nào đó (chẳng hạn thanh khoản) nhưng sau đó có thể đạt được những lợi ích khác. Vấn đề quan trọng là công ty cần đẩy mạnh minh bạch về thông tin trong hoạt động để tạo sự tin tưởng cho cổ đông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quan hệ DN - cổ đông: Vẫn là chuyện minh bạch thông tin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO