![]() |
Mặc dù giao dịch ngoại tệ ở các ngân hàng (NH) đến nay vẫn chưa có nhiều biến động nhưng những lo ngại lãi suất huy động và cho vay USD sẽ tăng cao trong thời gian tới là có cơ sở, nhất là trong bối cảnh kinh tế và hoạt động sản xuất, kinh doanh hồi phục.
Nhúc nhích tăng
![]() |
Giao dịch ngoại tệ ở ngân hàng Đông Á - Ảnh Quý Hòa |
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến tháng 8/2009, lãi suất huy động USD nằm ở mức 1,1 - 2,5%/năm, cho vay 3 - 6%/năm và cung - cầu ngoại tệ diễn biến theo hướng tích cực. Tuy nhiên, khi bước qua tháng 9/2009, lãi suất tiền gửi bằng ngoại tệ được các NH điều chỉnh tăng cùng với xu hướng đi lên của lãi suất huy động VND. Mức cao nhất được áp dụng tại nhóm NH thương mại cổ phần hiện phổ biến từ 2,8 - 3,5%/năm.
Chẳng hạn như NH Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) vừa tăng lãi suất tiền gửi bằng USD với biên độ 0,35 - 1,8%/năm, Việt Nam Thương Tín (VietBank) tăng lãi suất huy động USD từ 0,05 - 0,8%/năm. Theo đó, kỳ hạn 3 tháng là 2,5%/năm, 6 tháng là 2,75%/năm, 9 tháng là 2,8%/năm, 12 tháng là 2,9%/năm, 24 tháng là 3,2%/năm, đặc biệt kỳ hạn 36 tháng lên tới 3,5%/năm. Tương tự tại NH Đông Nam Á (SeaBank), lãi suất USD tăng thêm 0,35%/năm. NH Á Châu (ACB), lãi suất cao nhất áp dụng đối với huy động vốn bằng USD hiện là 2,9%/năm dành cho kỳ hạn 24 - 36 tháng.
Ông Cao Văn Đức, Tổng giám đốc VietBank lý giải nguyên nhân khiến các NH tăng lãi suất tiền gửi bằng ngoại tệ do nhu cầu vốn ngoại tệ của DN tăng trở lại. Lý do là lãi suất vay vốn bằng ngoại tệ đã được các NH điều chỉnh xuống mức hợp lý. Nếu so với vốn vay bằng VND thì lãi suất vay USD chỉ bằng 1/2 so với lãi suất VND. Cụ thể, DN phải trả lãi 6,5%/năm cho VND thì vay ngoại tệ ngắn hạn bằng USD ở các NH thương mại nhà nước là 3%/năm; còn vay trung dài hạn từ 3,5 - 5%/năm. Bên cạnh việc khó mua USD, chuyện vay vốn VND được hưởng lãi suất hỗ trợ cũng không dễ đối với DN. Chuyện tăng lãi suất huy động USD hoàn toàn phù hợp với quy luật của thị trường.
Lo hay không lo?
Khi lãi suất huy động USD tăng thì bắt buộc các NH phải tăng lãi suất cho vay. Điều này đặc biệt đúng ở thời điểm hiện nay, khi áp lực của thị trường và nhu cầu vốn cuối năm của các DN tăng rất mạnh.
Thống kê của NHNN cho thấy, tính đến nay, huy động vốn bằng ngoại tệ trên địa bàn TP.HCM tăng 8,3% so với đầu năm 2009, trong đó tiền gửi bằng ngoại tệ của tổ chức kinh tế chiếm khoảng 40 - 45%. Còn dư nợ cho vay ngoại tệ của hệ thống NH thương mại tăng 1,2% so với tháng trước, thay vì giảm hoặc chỉ tăng nhẹ như hai quý đầu năm.
Số dư ngoại tệ tăng, tức nhu cầu vay vốn của DN bắt đầu quay trở lại. Điều này được một số chuyên gia trong ngành NH đánh giá sẽ là điều kiện tốt, góp phần cân đối cung - cầu ngoại tệ đang chênh lệch hiện nay. Tuy nhiên, việc “lạm” vay ngoại tệ thời điểm này có thể lại dẫn đến một vòng luẩn quẩn. Nói như thế bởi so với lãi suất tiền đồng thì vay ngoại tệ trong lúc này có lợi hơn, song nhà nhập khẩu vẫn lo ngại rủi ro tỷ giá.
Bà Phạm Tuyết Lan, Giám đốc Công ty Xuất khẩu hàng mây tre Thanh An, cho rằng, lãi suất USD vẫn trong xu thế tăng trong khi chỉ số giá tiêu dùng trong nước cũng tăng, nên sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá của VND và ngoại tệ. Như thế, DN phải tính lại việc vay vốn kinh doanh. Mặt khác, nếu đồng VN trượt giá (lãi suất giảm) vẫn có thể bù được, trong khi đó đối với USD hoàn toàn không.
![]() |
Theo một giám đốc NH, việc tăng lãi suất huy động ngoại tệ của các NH sẽ phần nào ảnh hưởng đến tâm lý của nhiều DN khi vay vốn.
Việc liên tục nâng lãi suất USD như thời gian vừa qua khiến chi phí cho đầu vào của DN bị đẩy lên, đồng thời hạn chế khả năng mở rộng hoạt động kinh doanh của DN. Song, ngược lại nó cũng góp phần làm cho thị trường trở nên chặt chẽ và thực tế hơn.
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính nói rằng, do công việc kinh doanh đối với một số ngành nghề bắt buộc phải sử dụng ngoại tệ để nhập hàng (thiết bị, máy móc và một số mặt hàng khác), DN vẫn phải vay USD để trả tiền hàng. Những DN đã có phương án mở rộng kinh doanh, để đảm bảo tiến độ, phải vay USD. Còn những DN làm ăn không có kế hoạch rõ ràng thì có thể "chùn bước" khi lãi suất USD lên cao. Việc điều chỉnh lãi suất của các NH trong những ngày vừa qua là biến động bình thường của thị trường lãi suất nói chung, không gây ra hiện tượng đột biến. "Nếu các NH tăng lãi suất huy động thì đương nhiên họ sẽ điều chỉnh lãi suất cho vay theo chiều tăng. Điều này sẽ tác động lớn đến các DN. Tuy nhiên, nó lại giúp DN cân nhắc kỹ lưỡng khi vay USD nếu không có nhu cầu thực sự", ông Hiển nói.
Ý KIẾN CỦA BẠN