Nới lỏng chính sách tiền tệ: Đừng để ngoài tầm với

Nguồn: Dân Trí| 31/08/2009 01:52

Năng lực thể chế của các cơ quan giám sát tài chính của VN hiện nay còn yếu cả về tổ chức, con người, công nghệ và tài chính

Nới lỏng chính sách tiền tệ: Đừng để ngoài tầm với

Năng lực thể chế của các cơ quan giám sát tài chính của VN hiện nay còn yếu cả về tổ chức, con người, công nghệ và tài chính

Hiện nay, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Chính phủ nên thực hiện một gói kích cầu tiếp theo ngay khi gói kích cầu trị giá 1 tỉ USD (theo Quyết định 131 của Chính phủ) kết thúc ngày 31-12-2009. Ngược lại, có những ý kiến cho rằng liều lượng như gói kích cầu trên là đủ. Nếu tiếp tục kéo dài thời gian và quy mô bù lãi suất, nguy cơ tái lạm phát đối với nền kinh tế là rất cao, đồng thời có thể tạo sức ì cho các doanh nghiệp.

Khách hàng xem mức lãi suất tín dụng tại Ngân hàng Đông Á - TPHCM

Cần thêm gói kích cầu

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất tính đến ngày 27-8 đã đạt hơn 397.748 tỉ đồng, chiếm khoảng hơn 35% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của hệ thống ngân hàng. 

Tại cuộc họp của Hội đồng Tư vấn tiền tệ quốc gia mới đây, nhiều thành viên đã kiến nghị cần có gói kích cầu tiếp theo với mức hỗ trợ lãi suất có thể thấp hơn, thời gian ngắn hơn và tập trung chủ yếu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Với quan điểm cần thêm một gói kích cầu nữa, ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, cho rằng như vậy sẽ tạo ra bước đệm cho kinh tế “hạ cánh mềm”, tránh những cú sốc khi doanh nghiệp đến hạn bị cắt 4% bù lãi suất vay vốn. Gói kích cầu này nên đặc biệt chú ý đến các doanh nghiệp xuất khẩu. Nguy cơ gây lạm phát từ gói kích cầu này không cao vì diễn biến tăng giá tiêu dùng những tháng đầu năm cho thấy lạm phát đang giảm dần, cả năm có thể chỉ ở mức 7%.

Cùng quan điểm này, TS Cao Sỹ Kiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng gói kích cầu 1 tỉ USD mới giải quyết được khoảng 1/3 nhu cầu vốn, trong khi nguồn vốn đã giải ngân gần hết và thời hạn cho vay cũng sắp kết thúc. Do đó, cần rót thêm vốn cho khu vực sản xuất để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5%. Vừa qua, NHNN điều chỉnh mức tăng trưởng tín dụng cả năm từ mức dự kiến 30% xuống 25%-27%. Tính đến hết tháng 7, tăng trưởng tín dụng đã đạt gần 22% nên 5 tháng còn lại chỉ còn hạn mức 1% mỗi tháng. Mức này chưa thể đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, cần nâng lên khoảng 30%.

Cấu trúc lại hệ thống giám sát

Cùng với những kết quả ban đầu, gói hỗ trợ lãi suất cũng bộc lộ những mặt trái như làm tăng trưởng tín dụng VNĐ cao, chênh lệch lãi suất tiền gửi và tiền vay lớn khiến nhiều doanh nghiệp đi vay VNĐ để mua USD kiếm lời nên khó kiểm soát được những tiêu cực trong hoạt động vay vốn, ảnh hưởng đến việc ổn định lãi suất và tỉ giá. Không ít chuyên gia lo ngại có một tỉ lệ đáng kể vốn kích cầu chảy vào chứng khoán, bất động sản khiến nguy cơ rủi ro đối với hai thị trường này rất cao. Do đó, vấn đề kiểm soát các gói kích cầu đang đặt ra rất cấp thiết.

TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, nhận định năng lực thể chế của các cơ quan giám sát tài chính của VN hiện nay còn yếu cả về tổ chức, con người, công nghệ và tài chính. Việc giám sát trực tiếp tài chính, tiền tệ được phân tích theo từng cơ quan khác nhau (giám sát vi mô). Ở cấp vĩ mô, Chính phủ mới cho thành lập Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia nhưng nền tảng pháp lý chưa rõ ràng nên gần 2 năm hoạt động, ủy ban này chưa có chức năng giám sát từng định chế tài chính.

Ông Nghĩa cho biết năm 2008, NHNN kiểm tra thấy tại nhiều ngân hàng còn thiếu hệ thống quản trị rủi ro, như: ủy ban quản trị rủi ro về thanh khoản, tỉ giá hối đoái, lãi suất. Về hệ thống kiểm tra nội bộ, một số ngân hàng chỉ thành lập mang tính hình thức. NHNN có chức năng giám sát các ngân hàng thương mại nhưng mới chủ yếu tập trung giám sát tuân thủ, khâu giám sát từ xa còn yếu. Ông Nghĩa kiến nghị phải bắt đầu giám sát ngay từ khâu hoạch định chính sách. Bài học khủng hoảng kinh tế Mỹ cho thấy chính sách tiền tệ và tài khóa sai lầm đã tác động rất lớn đến hệ thống tài chính toàn cầu. Khi nó vượt tầm với của cơ quan giám sát thì trở tay không kịp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nới lỏng chính sách tiền tệ: Đừng để ngoài tầm với
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO