Những mối lo từ công ty niêm yết

LÊ TÁ ĐIỀN| 22/09/2008 03:28

Cứ mỗi khi thị trường đi xuống, các chuyên gia và các công ty chứng khoán cứ đổ cho những yếu tố vĩ mô như lạm phát, giá xăng dầu tăng. Thế nhưng, những vấn đề nhỏ từ các công ty niêm yết cũng là lý do làm cho nhà đầu tư lo ngại không muốn giữ cổ phiếu.

Những mối lo từ công ty niêm yết

Cứ mỗi khi thị trường đi xuống, các chuyên gia và các công ty chứng khoán cứ đổ cho những yếu tố vĩ mô như lạm phát, giá xăng dầu tăng. Thế nhưng, những vấn đề nhỏ từ các công ty niêm yết cũng là lý do làm cho nhà đầu tư lo ngại không muốn giữ cổ phiếu.

Xem cổ phiếu nào điều chỉnh lợi nhuận để bán.

Điều chỉnh để làm gì?

Gần đây, đổ lỗi cho tình hình kinh tế suy yếu, việc sản xuất kinh doanh khó khăn, các công ty niêm yết đã điều chỉnh lại lợi nhuận và chỉ tiêu kế hoạch năm 2008.

Một công ty niêm yết thuộc ngành nhựa thông báo chỉ tiêu kế hoạch mới năm 2008 như sau: sản lượng 7.000 tấn, doanh thu 243 tỷ đồng, lợi nhuận 15,1 tỷ đồng, thay vì 21,1 tỷ đồng như trước.

Sở dĩ có việc này là do Công ty đã đầu tư vào các chứng khoán “blue chip” nhưng không may bị lỗ; Công ty sẽ thu hồi một phần vốn, đầu tư sang các lĩnh vực và dự án khác bằng cách bán các cổ phiếu. Đã vậy, đại hội cổ đông còn ủy nhiệm cho HĐQT được sử dụng 10 tỷ đồng tiếp tục kinh doanh chứng khoán (không quy định loại chứng khoán cụ thể) nhằm kiếm thêm khoản lãi để bù lỗ.

Thật ra, lợi nhuận sau thuế theo báo cáo của công ty nhựa này trong 6 tháng đầu năm đã đạt 5,7 tỷ đồng, chỉ giảm 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn sợ cuối năm không hoàn thành chỉ tiêu đề ra.

Đây không phải là sáng kiến của công ty nhựa, mà trước đây đã có một “đại sư huynh” cũng thông báo về việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để xin điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận trước thuế trong năm từ 2.000 tỷ đồng xuống 1.500 tỷ đồng. Việc điều chỉnh kế hoạch nhằm làm giảm áp lực trách nhiệm của HĐQT công ty với các cổ đông trước tình hình kinh doanh khó khăn hiện nay.

Về mặt pháp lý, việc làm này không có gì là sai trái, kế hoạch là do đại hội cổ đông thông qua, thì nay đại hội điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế và năng lực của công ty. Tuy nhiên, nhiều cổ đông cho rằng trước đây họ đọc các bản báo cáo, kế hoạch kinh doanh và lợi nhuận của từng công ty để lựa chọn cổ phiếu đầu tư, giờ đến giữa năm lại điều chỉnh kế hoạch theo hướng đi xuống.

Nếu tình trạng này trở nên phổ biến sẽ tạo tiền lệ cho kẻ xấu lợi dụng: khi cần gọi đầu tư, muốn cổ phiếu lên sàn thì công ty đưa ra mức lợi nhuận cao, cổ tức hấp dẫn nhưng vài tháng sau lại xin phép cổ đông điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận, khiến cổ đông có cảm giác như bị lừa!

Nội bộ đua nhau bán cổ phiếu

Trong lúc thị trường vừa chớm tăng và chưa ổn định thì làn sóng bán cổ phiếu ra của một số thành viên ban lãnh đạo các công ty niêm yết đã ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.

Anh Đoàn Minh Mẫn, nhà đầu tư sàn IBS than thở: “Cổ phiếu xấu hay tốt, nhà đầu tư nhỏ không xác định được vì thiếu thông tin, chỉ theo dõi qua báo chí, bản tin thị trường chứng khoán. Những người thân của HĐQT, cán bộ chủ chốt có nhiều thông tin về công ty, nên mỗi khi họ đăng ký bán hoặc thông báo đã bán rồi và chịu phạt thì nhà đầu tư cũng phải xem xét lại có nên tiếp tục nắm giữ cổ phiếu đó hay không? Bởi vì nếu cổ phiếu có tiềm năng, thì thành phần chủ chốt phải giữ lại để kiếm thêm chênh lệch chứ bán ra làm gì!”.

Anh Đình Mạnh, cũng là một nhà đầu tư cho rằng, chỉ có cổ đông nội bộ mới dám bán cổ phiếu giá thấp, vì họ được mua với giá ưu đãi. Còn nhà đầu tư trên sàn mua với giá thị trường nên ít ai dám bán cổ phiếu rẻ, nếu không bị sức ép của đà “tuột dốc”.

Hiện nay, theo báo cáo của Ngân hàng ANZ, nền kinh tế Việt Nam đang ổn định, nạn lạm phát đang dần được khắc phục, thế mà chỉ số chứng khoán tuần qua lại giảm mạnh đến mức đáng ngại. Thăm dò một số nhà đầu tư về nguyên nhân sụt giảm của cổ phiếu, họ phát biểu một cách đơn giản, dễ hiểu: Do các công ty niêm yết “chơi không đẹp” khiến nhà đầu tư phải bỏ chạy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những mối lo từ công ty niêm yết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO