Những doanh nghiệp có EPS rất cao

Gia Lê| 28/08/2020 00:00

Bất chấp nền kinh tế vẫn chìm trong khó khăn, mùa công bố báo cáo tài chính quý II vừa qua đã hé lộ nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn đạt được tỷ suất lợi nhuận trên cổ phần (EPS) 6 tháng đầu năm rất cao, trong đó không ít DN có định giá khá rẻ so với năng lực sinh lời.

Thống kê cho thấy trong số 721 DN đã công bố báo cáo tài chính quý II tính đến giữa tháng 8, có 550 DN có EPS dương, trong đó có 44 DN đạt EPS 6 tháng đầu năm trên 3.000 đồng, riêng tốp 10 DN có EPS cao nhất nằm trên mốc 5.500 đồng.

Dẫn đầu là Công ty CP Bóng đèn - Phích nước Rạng Đông (HoSE: RAL) khi FPS đạt hơn 12.000 đồng, cho thấy kết quả kinh doanh của DN này dường như đã hồi phục, sau sự cố cháy nhà máy vào tháng 8/2019 mà sau đó dẫn đến quý IV báo lỗ lần đầu tiên sau 11 năm. Giá cổ phiếu của RAL đã tăng gần 60% từ cuối tháng 3 đến nay, duy trì vững chắc trên mốc 90.000đ/CP tại thời điểm hiện nay.

Dù chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi đợt giãn cách xã hội trong quý II và nhu cầu đi lại sụt giảm, Công ty CP Bến xe Miền Tây (HNX: WCS) tiếp tục nằm trong tốp những DN sinh lãi tốt nhất trên thị trường. EPS 6 tháng đầu năm của WCS đạt hơn 9.800 đồng, xếp thứ hai sau RAL. WCS cũng là một trong số ít DN duy trì chính sách chi trả cổ tức tiền mặt đặc biệt hấp dẫn, như vào giữa tháng 7 đã chi trả đợt 1 năm 2019 lên tới 258%/CP. 

Có cùng mức EPS xấp xỉ 9.800 đồng, xếp ở vị trí thứ ba là Công ty CP Vinacafé Biên Hòa (HoSE: VCF), cũng là DN có chính sách chi trả cổ tức tiền mặt rất cao cho nhà đầu tư. VCF hiện nằm trong số ít DN trên sàn có thị giá trên mốc 200.000đ/CP.

Trong giờ sản xuất của Công ty CP Bóng đèn - Phích nước Rạng Đông, đơn vị dẫn đầu trong top 10 các DN có EPS cao nhất hiện nay

Trong giờ sản xuất của Công ty CP Bóng đèn - Phích nước Rạng Đông, đơn vị dẫn đầu trong top 10 các DN có EPS cao nhất hiện nay

Bảy cái tên tiếp theo, bao gồm Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi Lâm Đồng có chỉ số EFS đạt 8.800 đồng, Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam đạt hơn 8.000 đồng, Công ty CP Phát triển đô thị công nghiệp số 2 đạt hơn 7.100 đồng, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Tiền Giang đạt hơn 6.900 đồng, Công ty CP Dược phẩm Trung ương 3 hơn 6.500 đồng, Tổng công ty CP Y tế Danameco đạt gần 6.000 đồng và Công ty CP Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc đạt hơn 5.600 đồng.

Tuy nhiên, phần lớn DN kể trên, thị giá cổ phiếu đã ở mức khá cao so với bình quân trên thị trường, trong đó không ít công ty có mức giá giao dịch tính bằng trăm nghìn đồng trên mỗi cổ phiếu, và mức định giá cũng không còn thật sự hấp dẫn, vì tiềm năng tăng khá hạn hẹp. Vì vậy, với những nhà đầu tư muốn tìm hàng còn rẻ so với giá trị nội tại của DN luôn quan tâm đến hệ số P/E (thị giá/EPS lũy kế 4 quý gần nhất) nhiều hơn.

Theo đó, 10 DN có P/E thấp nhất tính đến phiên giao dịch ngày 17/8/2020 đều có P/E từ quanh 2,3 trở xuống, trong đó thấp nhất là Công ty CP Kinh doanh than Miền Bắc - Vinacomin với 1,6 lần, Công ty CP  Viễn thông VTC 1,9 lần, Công ty CP Than Đèo Nai - Vinacomin và Công ty CP Đầu tư Phát triển Thực phẩm Hồng Hà đều ở mức 2 lần, Công ty CP  Cơ điện Dzĩ An 2,1 lần, Công ty CP Bọc ống dầu khí Việt Nam 2,2 lần. 

Bốn DN còn lại trong tốp 10 là Công ty CP Camimex Group, Công ty CP Chế tạo kết cấu thép Vneco.SSM, Công ty CP Đầu tư - Phát triển - Xây dựng số 2 và Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Tiến Thành đều ở mức 2,3 lần.

Dù vậy, điểm hạn chế là nhiều DN P/E thấp là do thu được lợi nhuận bất thường (từ thanh lý tài sản, hay bán công ty con), vì vậy những khoản lợi nhuận này sẽ không bền vững vì không đến từ kinh doanh cốt lõi và khó có thể lặp lại trong tương lai. Thực tế không ít DN có P/E thấp nhất kể trên hiện vẫn đang trong tình trạng bị cảnh báo và giá cổ phiếu tiếp tục điều chỉnh trong thời gian qua.

Vì vậy, nhà đầu tư cần xem xét kỹ DN trước khi quyết định mua vào, từ các yếu tố ban lãnh đạo, năng lực quản trị, kết quả kinh doanh ở những hoạt động cốt lõi và định hướng phát triển trong tương lai, chứ không nên chỉ đơn thuần dựa trên những chỉ số định giá khô cứng để làm quyết định đầu tư.

Cũng cần lưu ý chỉ số P/E hiện tại cao hay thấp không có nhiều ý nghĩa nếu đứng một mình. Nó cần được đem ra so sánh với P/E toàn ngành cũng như với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận và thu nhập dự kiến của công ty, từ đó có thể giúp so sánh với P/E của chính DN đó trong quá khứ để biết được cổ phiếu đó hiện tại đang "đắt" hay "rẻ".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những doanh nghiệp có EPS rất cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO