NHNN bơm thêm tiền để kích thích tăng trưởng?

GIA LÊ| 05/07/2017 08:39

Thời gian gần đây NHNN cũng đã tăng bơm tiền ra nền kinh tế thông qua việc mua vào ngoại tệ để gia tăng dự trữ ngoại hối. Chính sách này làm lượng cung tiền tăng lên, từ đó giúp ổn định lãi suất...

NHNN bơm thêm tiền để kích thích tăng trưởng?

Để đạt kế hoạch tăng trưởng kinh tế đã đề ra, Chính phủ có thể yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới lỏng thêm chính sách tiền tệ từ nay cho đến cuối năm, trong bối cảnh chính sách tài khóa đang gặp nhiều hạn chế.  

Đọc E-paper

Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp ngắn hạn vì việc nới lỏng chính sách tiền tệ quá nhanh và duy trì trong thời gian dài sẽ không tránh khỏi những rủi ro tiềm ẩn cho nền kinh tế.

Các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng

Tổng cục Thống kê vừa công bố tăng trưởng GDP quý II đạt 6,17%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 5,78% cùng kỳ năm 2016. GDP tăng trưởng mạnh trong quý II là diễn biến khá bất ngờ, giúp kéo tăng trưởng GDP lũy kế 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ 2016 lên mức 5,73%, cao hơn mức 5,65% của 6 tháng 2016 nhưng vẫn thấp hơn mức 6,32% 6 tháng năm 2015.

Sự tăng trưởng kém trong giai đoạn gần đây đã được nói đến khá nhiều, chủ yếu do sự suy yếu của ngành công nghiệp khai khoáng khi bị sụt giảm đến 8,2% và sự trì trệ trong sản xuất, nhất là tại các doanh nghiệp nước ngoài có giá trị xuất khẩu đơn hàng lớn như Samsung.

Với kết quả như trên, áp lực tăng trưởng trong 6 tháng còn lại của năm nay vẫn khá lớn, khi Chính phủ vẫn duy trì kế hoạch 6,7% và yêu cầu phải đạt được.

Để có thể đạt kế hoạch tăng trưởng, Chính phủ đã đề ra hàng loạt giải pháp như tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô để tránh ngành khai khoáng tiếp tục giảm sâu, nhanh chóng triển khai các dự án cơ sở hạ tầng lớn, rà soát toàn bộ số dự án đầu tư và tháo gỡ khó khăn để nhanh chóng đưa các dự án vào hoạt động.

Tuy nhiên, trong bối cảnh giá dầu vẫn ở mức thấp thì việc tăng khai thác dầu có thể không phải là lựa chọn phù hợp. Theo dự báo thì giá dầu trong năm nay dù khó có thể giảm mạnh nhưng cũng sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp, cụ thể như Goldman Sachs cho rằng giá dầu ngọt nhẹ WTI chỉ còn 47,50 USD/thùng trong thời gian tới.

>>Châu Á: Tăng trưởng nhìn từ lợi nhuận doanh nghiệp

Về cơ bản, để có thể thúc đẩy tăng trưởng, Chính phủ có thể sử dụng chính sách mở rộng tài khóa, nới lỏng chính sách tiền tệ, thúc đẩy xuất khẩu để tiến tới giảm nhập siêu.

Tăng đầu tư, chi tiêu của chính phủ thông qua chính sách tài khóa mở rộng là một trong những giải pháp được các quốc gia sử dụng. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, với những hạn chế từ chính sách tài khóa do thâm hụt ngân sách cao, nợ công ngày càng tăng và sắp chạm ngưỡng giới hạn thì nước ta khó thể sử dụng giải pháp này.

Chính phủ đang đẩy mạnh chính sách huy động nguồn vốn tư nhân để xây dựng cơ sở hạ tầng, tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng sự lan tỏa thúc đẩy tăng trưởng từ chính sách tăng đầu tư cơ sở hạ tầng cần phải mất một thời gian nhất định. Do đó chính sách tài khóa hiện nay khó thể hỗ trợ cho tăng trưởng trong ngắn hạn.

Có thể nới lỏng chính sách tiền tệ

Thay vào đó, Chính phủ dường như đang muốn sử dụng chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng hơn để hỗ trợ tăng trưởng, nhất là khi tỷ giá và lạm phát thời gian qua đã ổn định trở lại.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 giảm 0,17% so với tháng trước, tăng 2,54% so với cùng kỳ 2016 và nếu so với đầu năm chỉ mới tăng 0,2%, còn cách khá xa mục tiêu 4% đề ra trong năm nay.

Trong khi đó, diễn biến tỷ giá thời gian qua cũng thuận lợi cho nhà điều hành nếu muốn nới lỏng tiền tệ. So với đầu năm, tỷ giá trung tâm chỉ mới tăng 1,23%, theo đúng định hướng và trong tầm kiểm soát của NHNN.

Vì vậy, thời gian tới NHNN có thể nới lỏng cung tiền theo chỉ đạo của Chính phủ. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2017, Thủ tướng đã yêu cầu NHNN tăng trưởng tín dụng vượt kế hoạch 18%, nhất là khi tín dụng 6 tháng đầu năm đã tăng đến 7,54% - mức cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây.

>>Nới lỏng cho vay ngoại tệ: Hợp lý nhưng cần thận trọng

Những thông tin gần đây cũng cho thấy NHNN có khả năng nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng nhằm tạo cơ hội cho ngành ngân hàng mở rộng cho vay để kích thích khu vực doanh nghiệp mở rộng sản xuất và khu vực dân cư mở rộng tiêu dùng để hỗ trợ cho tăng trưởng.

Thời gian gần đây NHNN cũng đã tăng bơm tiền ra nền kinh tế thông qua việc mua vào ngoại tệ để gia tăng dự trữ ngoại hối. Chính sách này làm lượng cung tiền tăng lên, từ đó giúp ổn định lãi suất, thậm chí hỗ trợ cho lãi suất giảm thêm. Đây cũng là những gì đã diễn ra trong cùng kỳ năm 2016.

Để có thể nới lỏng chính sách tiền tệ, NHNN có thể sử dụng các công cụ như giảm lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn để định hướng lãi suất thị trường, hoặc giảm dự trữ bắt buộc để tăng lượng thanh khoản nhàn rỗi cho các ngân hàng, từ đó kích vốn cho vay nhiều hơn.

Tuy nhiên, việc nới lỏng tiền tệ cần phải được theo dõi chặt chẽ, vì nếu không khéo vốn không những không chạy vào khu vực sản xuất, tiêu dùng mà lại chảy vào những kênh đầu cơ tài sản như chứng khoán và bất động sản, tích tụ thêm những rủi ro cho nền kinh tế. Lượng cung tiền nếu tăng quá nhanh cũng sẽ gây giảm giá tiền tệ, đẩy lạm phát lên cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
NHNN bơm thêm tiền để kích thích tăng trưởng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO