Nhìn lại thị trường chứng khoán Việt Nam 2016

THÀNH LONG| 22/12/2016 08:28

Chỉ còn vài phiên giao dịch nữa, năm 2016 sẽ khép lại với nhiều biến động trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây cũng là dịp để giới đầu tư đánh giá lại danh mục, hiệu quả đầu tư và lên kế hoạch cho năm mới.

Nhìn lại thị trường chứng khoán Việt Nam 2016

Chỉ vài phiên giao dịch nữa, năm 2016 sẽ khép lại với nhiều biến động trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Đây cũng là dịp để giới đầu tư đánh giá lại danh mục, hiệu quả đầu tư và lên kế hoạch cho năm mới.

Đọc E-paper

Ảnh hưởng từ giá dầu và Brexit

Giá dầu thô thế giới tạo đáy ở mức 26 USD/thùng cũng trùng với thời điểm VN-Index tạo đáy 513,82 điểm. Dòng dầu khí sau quá trình giảm điểm mạnh mẽ, đà bán đã chững lại và có tín hiệu phục hồi. Nhóm cổ phiếu dầu khí gần như tạo đáy cùng nhịp với VN-Index trong những tháng đầu năm 2016, thời điểm đó, cổ phiếu đầu ngành dầu khí là Tổng công ty Khí Việt Nam (HOSE: GAS) giao dịch ở mức giá thấp nhất 27.300đ/CP và bắt đầu xu hướng tăng giá đạt đỉnh ở mốc 73.700đ/CP vào ngày 29/9.

Không chỉ có cổ phiếu GAS mà các nhóm cổ phiếu tiêu biểu trong ngành dầu khí như cổ phiếu Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (HOSE: PVD), Tổng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS), Tổng công ty CP Dung dịch khoan và Hóa phẩm dầu khí (HNX: PVC), Công ty CP CNG Việt Nam (HOSE: CNG) cũng cùng biến động, cùng xu hướng với giá dầu thế giới, đóng góp tỷ trọng tích cực trong sự tăng điểm của VN-Index.

Trong nửa đầu năm 2016, nhóm cổ phiếu dầu khí đã có nhiều cổ phiếu tăng giá gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần, mang lại tỷ suất lợi nhuận cao. Như vậy, biến động của giá dầu thế giới cũng là một chỉ báo hiệu quả dành cho nhà đầu tư ưa thích nhóm cổ phiếu dầu khí.

>>Nhóm cổ phiếu dầu khí và cơ hội những tháng cuối năm

Sự kiện Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (Brexit) diễn ra hồi tháng 6 không chỉ gây ra tâm lý lo ngại trên thị trường tài chính toàn cầu mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam.

Ngày 24/6, khi diễn ra việc bỏ phiếu cho sự kiện Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu, thị trường tài chính biến động khó lường, TTCK Việt Nam lao dốc trong phiên Brexit với tâm lý hoảng loạn, đã có lúc giảm 34 điểm (-5,47%) với áp lực bán mạnh mẽ và dồn dập, thanh khoản đạt 271 triệu cổ phiếu - mức cao nhất trong cả năm.

Sự kiện Brexit là minh chứng cho câu nói của nhà đầu tư nổi tiếng Warren Buffett: “Hãy tham lam khi người khác sợ hãi”. Thực tế, sau phiên Brexit, thị trường tạo đáy tiếp theo và tiếp tục xu hướng tăng giá từ đầu năm, những nhà đầu tư “tham lam” mua vào trong phiên Brexit đã có được lợi nhuận ngay những phiên giao dịch sau đó.

Có thể thấy, những sự kiện kinh tế - chính trị trên toàn cầu đều ảnh hưởng phần nào đến TTCK Việt Nam, đây cũng là một chỉ báo mà nhà đầu tư cần quan tâm và theo sát.

“Sự kiện” TTF, DRH, ATA, MTM

Những cổ phiếu giảm sàn liên tục, khối lượng bán lớn mà không có người mua do sai lệch về công bố thông tin là điển hình trong các sự kiện năm qua. Nhiều nhà đầu tư mất tiền vì giá cổ phiếu liên tục giảm sàn, vấn đề minh bạch hóa thông tin của doanh nghiệp được đánh giá lại.

Giá cổ phiếu của Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HSX: TTF) rơi từ mức đỉnh 43.700đ/CP vào ngày 19/7 về 3.810đ/CP vào ngày 21/11 với nhiều phiên giảm sàn trước đó là ác mộng của cổ đông TTF. Nguyên nhân là do khoản mục “Hàng tồn kho phát hiện thiếu khi kiểm kê” của TTF lên tới 980 tỷ đồng, điều này có nghĩa gần 1.000 tỷ đồng hàng tồn kho của TTF bỗng chốc “bay hơi”.

Việc hàng tồn kho biến mất đã khiến chi phí giá vốn hàng bán tăng vọt lên 1.167 tỷ đồng trong quý II, kéo theo khoản lỗ hơn 1.100 tỷ trong quý II của TTF. Đây là sự kiện điển hình đi đầu trong hiện tượng “giá cổ phiếu lao dốc mạnh” của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.

Giá cổ phiếu của Công ty CP Đầu tư Căn nhà mơ ước (HOSE: DRH) tăng từ 7.600đ/CP đầu năm 2016 và đạt đỉnh 82.000đ/CP đã tạo nên cơn sốt mang tên DRH. Chỉ chưa đầy 2 tháng, giá cổ phiếu DRH lao dốc từ mức đỉnh về 15.500đ/CP cũng tạo nên cú sốc cho cổ đông TTF. Nguyên nhân lý giải cho nhịp giảm điểm trên là do nhà đầu tư lo ngại những biến cố tại Gỗ Trường Thành (TTF) sẽ ảnh hưởng tới DRH.

>>Sau hủy niêm yết, cổ phiếu "tàng hình" khiến nhà đầu tư mất trắng

Trường hợp của Công ty CP NTACO (HOSE: ATA) cũng gây sốc cho nhà đầu tư. Từ mức đỉnh 7.500đ/CP, giá cổ phiếu lao dốc về 650đ/CP. Dự thảo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015 của ATA công bố với khoản lỗ 426 tỷ đồng mặc dù báo cáo tự lập trước đó Công ty báo lãi hơn 30 tỷ đồng. Khoản lỗ bất thường này do số dư hàng tồn kho 365 tỷ đồng trong năm 2015 của Công ty đã “bay hơi”, Công ty cũng trích lập dự phòng công nợ gần 100 tỷ đồng.

Công ty CP Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản Miền Trung (UPCoM: MTM) bị dừng giao dịch chỉ sau 2 tháng lên sàn trong năm nay là bài học cay đắng cho cổ đông của MTM, sự việc này khiến nhiều nhà đầu tư mua cổ phiếu MTM rơi vào tình trạng chôn tiền tại cổ phiếu này mà không thể nào thoát ra được.

Ngày 19/9, Cơ quan An ninh điều tra (A92) đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với ông Trần Hữu Tiệp - Chủ tịch HĐQT MTM.

Khi các “ông lớn” lên sàn...

VN-Index đạt đỉnh ngắn hạn 692,17 điểm vào ngày 29/9, hình thành xu hướng giá giảm với thanh khoản giảm dần. Đây là mức tăng cao nhất kể từ 2008. P/E của VN-Index hơn 14,3 lần, trong khi đó của Thái Lan là 16,5 lần, Indonesia là 22 lần, Malaysia 15,8 lần, cao hơn PE của TTCK Trung Quốc là 14,7 lần.

So với các TTCK phát triển như Mỹ (16,5) và châu Âu (20,7) thì khoảng cách đang được rút ngắn lại. Như vậy, TTCK Việt Nam đã bước qua thời kỳ rẻ, kéo gần lại khoảng cách so với các nước trong khu vực, chuyển trạng thái từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Sự kiện Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) tiến hành giao dịch trên sàn UPCoM với mã chứng khoán BHN ngày 28/10 và Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) niêm yết trến sàn HSX với mã SAB ngày 6/12 đã tạo nên cơn sốt cho giới đầu tư sau khi giá của 2 cổ phiếu này liên tục tăng mạnh, các mã cổ phiếu ngành bia cũng được hưởng lợi nhờ hiệu ứng tăng giá của BHN và SAB.

Những “ông lớn” lên sàn niêm yết như Habeco, Sabeco, Novaland, Petrolimex, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), Công ty CP Đường Quảng Ngãi không chỉ tăng quy mô vốn hóa của TTCK mà còn tạo thêm nhiều cơ hội đầu tư, thu hút dòng vốn không chỉ ở trong nước mà còn của nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhìn lại thị trường chứng khoán Việt Nam 2016
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO