Nhiều doanh nghiệp "trốn" cổ tức

19/04/2013 00:01

Tình trạng xin ý kiến cổ đông không thanh toán cổ tức phổ biến hơn trong mùa đại hội năm nay, với lý do kinh doanh còn nhiều khó khăn và cần vốn để lại làm ăn.

Nhiều doanh nghiệp

Tình trạng xin ý kiến cổ đông không thanh toán cổ tức phổ biến hơn trong mùa đại hội năm nay, với lý do kinh doanh còn nhiều khó khăn và cần vốn để lại làm ăn.

Mùa đại hội cổ đông năm nay không được đón nhận hồ hởi như những năm trước. Nhiều doanh nghiệp giảm doanh thu, lợi nhuận, thậm chí mất hết vốn nên chẳng còn khả năng trả cổ tức như đã hứa.

Nhiều cổ đông đắng lòng vì không được chia cổ tức.

Đại hội của Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) ngày 13/4 nóng lên khi đại diện nhà băng trình phương án không chia cổ tức, trong khi một số ý kiến mong muốn được nhận bằng tiền mặt.

Chủ tịch Hồ Hùng Anh giãi bày hiện huy động vốn rất khó khăn. Do vậy, giữ vốn chủ sở hữu đủ lớn mạnh để duy trì sự phát triển và các chỉ số an toàn vốn của ngân hàng được HĐQT ưu tiên hàng đầu. Năm 2011, Techcombank cũng viện lý do này để biện minh cho việc không trả cổ tức.

Năm 2012, Techcombank lãi trước thuế hơn 1.000 tỷ đồng và lãi ròng sau thuế gần 766 tỷ đồng. Gộp cả lợi nhuận để lại từ năm 2011, lợi nhuận có thể phân phối của Techcombank còn hơn 832 tỷ đồng.

Năm 2013, ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng 52%, lợi nhuận trước thuế lên 1.543 tỷ đồng và cũng sẽ không trả cổ tức. Nhà băng này dự kiến không trả cổ tức trong năm năm, tính từ 2010.

Dẫn đầu trong nhóm ngành tiêu dùng và luôn kiếm bộn bất chấp kinh tế khó khăn, Tập đoàn Masan (mã CK: MSN) tiếp tục “trốn” cổ tức 2012, theo tài liệu chuẩn bị đại hội diễn ra vào 27/4.

Thống kê cho thấy, đã 4 năm liên tiếp từ năm 2009 (năm đơn vị này niêm yết trên sàn) đến 2012, chưa năm nào công ty trả cổ tức cho cổ đông, mặc dù lợi nhuận của doanh nghiệp xếp vào hàng “khủng”.

Một vài công ty phải nói không với cổ tức do thua lỗ nặng. Anh Nguyễn Ngọc Long, nhà đầu tư đang nắm gần chục nghìn cổ phiếu THV của Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam chia sẻ: “Thực tình ai đi đầu tư chẳng mong có lãi, nhưng kinh doanh yếu kém thế này, giờ chỉ hy vọng bán hết chỗ cổ phiếu tồn đọng rồi rút chân khỏi chứng khoán”.

Năm 2012, doanh thu Tập đoàn Thái Hòa chỉ vỏn vẹn 19,7 tỷ đồng, bằng 2% của năm 2011. Lỗ sau thuế trên 256 tỷ đồng, còn lỗ lũy kế đến hết năm 2012 lên tới 446,7 tỷ đồng.

Cũng nằm trong cảnh thua lỗ 2 năm liền, Công ty cổ phần xây dựng số 15 (V15) quyết định không chia cổ tức trong hai năm 2012 và 2013. Mới đây, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đưa cổ phiếu V15 vào diện bị cảnh báo từ ngày 26/3 do lợi nhuận sau thuế năm 2012 âm hơn 11 tỷ đồng.

Thê thảm nhất là SBS, cổ đông ngậm ngùi không được trả cổ tức mà còn có thể mất trắng toàn bộ số cổ phiếu đang nắm giữ vì công ty lỗ lớn, thậm chí 2012 âm vốn chủ sở hữu.

Công ty lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2012 là 1.767,76 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp là 1.266,6 tỷ đồng. SBS đã hủy niêm yết từ 25/3.

Nhiều doanh nghiệp lấy lý do kinh tế khó khăn, kết quả kinh doanh năm 2013 sẽ khó sáng sủa nên dự định không chia cổ tức 2013 như: Công ty cổ phần vận tải xăng dầu Vitaco (VTO); Công ty cổ phần vận tải và dịch vụ Petrolimex Hải Phòng (PTS); Công ty cổ phần MT Gas ( MTG); Công ty cổ phần TMT (TMT)….

Ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng việc không trả cổ tức còn phụ thuộc vào tình hình sức khỏe doanh nghiệp. Một số công ty kinh doanh thua lỗ thời gian dài, không khẳng định được vị thế và tốc độ tăng trưởng lại trả cổ tức “hẻo” khiến cổ đông chán nản và rời bỏ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong trường hợp công ty vẫn ổn định về tăng trưởng và quy mô, ông Giang cho rằng vấn đề trả cổ tức hay không cũng không đáng lo ngại.

Nhiều công ty ở Mỹ rất nổi tiếng và kinh doanh phát đạt, nhưng họ cũng không trả cổ tức do muốn tăng quy mô vốn trong tương lai. Hiện giờ ở Việt Nam cũng có vài doanh nghiệp theo xu thế này và các cổ đông chủ yếu kiếm lời nhờ việc mua đi bán lại cổ phiếu.

Cùng quan điểm, ông Trương Duy Khiêm- Giám đốc chi nhánh Lê Ngô Cát - Công ty chứng khoán ABCS cho rằng, việc chia cổ tức hay không ít quan trọng, mặc dù đó là một phần khích lệ cho cổ đông.

Ông đưa ra ví dụ, trên thế giới, Microsoft là điển hình cho việc không chia cổ tức nhưng họ lại thu hút đông đảo giới đầu tư. Thay vì chia cổ tức họ dùng khoản tiền đó đầu tư vào những hạng mục mới. Khi nhà đầu tư thấy được giá trị trên họ sẵn sàng ở lại với công ty.

Theo ông, ở góc độ đầu tư, nên nhìn vào giá trị công ty tăng trưởng như thế nào, định hướng trong tương lai của họ ra sao. Nếu số tiền đó đầu tư cho sự phát triển của tương lai, việc không chia cổ tức là điều hợp lý. Nhưng, ở góc độ đầu cơ, có thể bị tác động trong ngắn hạn.

Nhận đinh về xu hướng 2013, ông Giang cho rằng những ngành như bảo hiểm, chứng khoán có khả năng gặp biến động về cổ tức, tuy nhiên lĩnh vực khai khoáng vẫn sẽ trả cổ tức đều. Các doanh nghiệp niêm yết hứa hẹn kinh doanh tốt đẹp hơn trong 2013, do vậy bức tranh cổ tức có thể sẽ lạc quan hơn, ông Giang dự báo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhiều doanh nghiệp "trốn" cổ tức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO