Nhận định TTCK tuần từ 6-10/5

P.V tổng hợp| 04/05/2013 03:02

Những thống kê trong những năm gần đây cho thấy tháng 5 là tháng mà thị trường có sự sụt giảm mạnh mẽ nhất trong cả năm (trừ năm 2009).

Nhận định TTCK tuần từ 6-10/5

Những thống kê trong những năm gần đây cho thấy tháng 5 là tháng mà thị trường có sự sụt giảm mạnh mẽ nhất trong cả năm (trừ năm 2009). Các công ty chứng khoán nhận định diễn biến thị trường tuần từ 6 - 10/5 như sau:

SSI: Lấy lại đà tăng điểm

Thông tin tốt về PMI và khả năng tiếp tục giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới vừa được Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia đưa ra đã giúp thị trường khởi sắc hơn vào phiên chiều khi nhiều cổ phiếu đồng loạt tăng điểm. Tuy nhiên, chuỗi ngày giao dịch ảm đạm của thị trường vẫn tiếp diễn, thanh khoản trên cả hai sàn vẫn ở mức rất thấp và chưa có dấu hiệu được cải thiện. Hiệu ứng tháng 5 có lẽ đã khiến cho nhiều nhà đầu tư rụt rè trong giao dịch, những thống kê trong những năm gần đây cho thấy tháng 5 là tháng mà thị trường có sự sụt giảm mạnh mẽ nhất trong cả năm (trừ năm 2009).

Kết thúc tuần giao dịch ngắn chỉ có 2 phiên sau kỳ nghỉ lễ, chỉ số VN-Index tăng thêm được 0,73 điểm (0,15%). Với cây nến tích cực, chỉ số nhiều khả năng tiếp tục lấy được đà tăng vào các phiên đầu tuần tới và kiểm định lại mốc 479 điểm, khối lượng giao dịch cần tiếp tục được cải thiện để đà tăng được hỗ trợ bởi sức cầu tăng lên trong những phiên giao dịch kế tiếp.

BVSC: Khó vượt cản

Trên phương diện thông tin, khả năng tiếp tục điều chỉnh hạ mặt bằng lãi suất, quyết định về việc thành lập VAMC và các cơ chế hoạt động đi kèm trong một vài ngày tới đang được khá nhiều nhà đầu tư kỳ vọng. Tâm lý nhà đầu tư ngắn hạn theo quan sát của chúng tôi cũng đã phần nào có chuyển biến theo hướng tích cực hơn.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng những yếu tố này đã dần được phản ánh vào diễn biến thị trường từ trước và những tác động khi thông tin chính thức xuất hiện sẽ khó có thể tạo được điểm đột biến nếu chỉ giới hạn tại những gì thị trường đã biết và kỳ vọng. Mức độ chi tiết trong các khâu vận hành của VAMC và sự khả thi trong việc xây dựng thành công thị trường mua bán nợ sau đó vẫn cần phải được đánh giá và kiểm chứng thêm trên thực tế.

Xu hướng hồi phục của thị trường sẽ còn phải trải qua các phép thử trong các phiên giao dịch đầu tuần sau khi hai chỉ số tiếp cận lại vùng đỉnh ngắn hạn. Khả năng vượt cản thành công của thị trường vẫn được đánh giá thấp hơn tương đối khi có khá nhiều mã cổ phiếu đầu tàu trong nhịp hồi phục này đang tiếp cận lại các vùng kháng cự mạnh.

Các nhà đầu tư được khuyến nghị giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp và tránh các quyết định mua đuổi giá cao. Việc bán ra giảm thiểu tỷ trọng cổ phiếu nên được cân nhắc nếu xuất hiện hiện tượng bull-trap trong hai phiên đầu tuần.

FPTS: Vẫn cần hạn chế giải ngân

Thị trường đang dao động trong biên độ khá hẹp và các chỉ số vẫn chưa có dấu hiệu bứt phá qua khỏi các ngưỡng kháng cự quan trọng để hình thành xu thế tích hơn. Trong khi đó thanh khoản trong những phiên gần đây có dấu hiệu suy kiệt và tụt xuống mức khá thấp làm ảnh hưởng đến xu thế phục hồi chung của thị trường. Dòng tiền hiện tại có vẻ như vẫn chưa thật sự sẵn sàng tham gia thị trường khi mà các thông tin từ vĩ mô đến vi mô đang được công bố và dần bão hòa. Tâm lý nhà đầu tư cũng đã thận trọng hơn sau những phiên thị trường sụt giảm bất ngờ.

Vì vậy, chúng tôi cũng không đánh giá cao khả năng hồi phục của thị trường nếu thanh khoản không được cải thiện trong những phiên sắp tới.

Chúng tôi tiếp tục khuyến nghị nhà đầu tư duy trì sự thận trọng, chờ đợi những tín hiệu tiếp theo từ thị trường và khối ngoại; việc giải ngân vẫn cần hạn chế, tránh trường hợp mua đuổi giá cao trong các phiên hồi phục kỹ thuật.

ACBS: Dao động trong vùng hẹp 466-483 điểm

Phiên tăng điểm cuối tuần cùng khối lượng giao dịch lớn hơn cho thấy lực cầu cải thiện và là tín hiệu tốt cho các phiên tới. Tuy nhiên, trong tuần tới VN-Index có thể tiếp tục dao động trong vùng hẹp 466-483 điểm. Vượt vùng này, chỉ số có thể quay lại đỉnh 518 điểm. Ngược lại, dưới 466, VN-Index sẽ tiếp tục xu hướng giảm ngắn hạn.

Tương tự, nhiều mã thành viên cũng đã trải qua nhiều phiên tích lũy hoặc phân phối trong vùng hẹp. Do đó, các breakout có thể sớm xuất hiện trong tuần này, kéo theo breakout của chỉ số chung VN-Index.

Ở bức tranh trung hạn, chúng tôi duy trì quan điểm tích cực và kỳ vọng VN-Index sẽ không giảm sâu hơn vùng 460-466 điểm.

MBS: Nhà đầu vẫn nên chờ đợi thêm

Thị trường tích cực hơn trong phiên 3/5 khi hai chỉ số tăng cả về điểm số và khối lượng giao dịch so với phiên trước. Chỉ số HNX-Index đang diễn biến tốt hơn khi tăng tới 1.3% và đóng cửa ở mức cao nhất trong ngày. Cần lưu ý rằng, HNX-Index đã hình thành một tín hiệu nến đảo chiều tăng “Piercing line” từ 5 phiên trước.

Phiên cuối tuần của HNX-Index giúp khẳng định chỉ số đang trong xu hướng tăng ngắn hạn. Về trung hạn, sự phục hồi của thị trường vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng do khối lượng giao dịch đang ở mức thấp. Tín hiệu từ khối lượng giao dịch là rất quan trọng nên để an toàn, nhà đầu vẫn cần chờ đợi thêm.

CBV: Xu hướng tiêu cực vẫn chiếm ưu thế

Thanh khoản bị ảnh hưởng sau dịp nghĩ lễ dài có thể do một bộ phận nhà đầu tư vẫn chưa bắt nhịp lại với thị trường. Bên cạnh đó, tâm lý thận trọng vẫn tồn tại và chiêm ưu thế sau những phiên biến động đột ngột và đầy bất ngờ trước đó. Quan sát hai phiên giao dịch gần đây, một phần nguyên nhân của khối lượng giao dịch thấp là do cung cầu không khớp. Khối lượng lệnh đặt bán giá cao và đặt mua giá thấp cao hơn khối lượng khớp ở nhiều cổ phiếu.

Một điểm đáng chú ý là phản ứng thị trường kém nhạy với các thông tin vĩ mô xuất hiện trước và trong kỳ nghỉ lễ. Thông tin về giảm giá xăng, CPI ở mức thấp hay chỉ số PMI tăng trong 4 tháng đầu năm, không mang lại ảnh hưởng tích cực nào đến thị trường. Xu hướng tiêu cực vẫn chiếm ưu thế trong ngắn hạn và việc mua vào thời điểm này đi kèm với rủi ro giảm giá rất lớn. Danh mục đầu tư nên duy trì tỷ lệ tiền mặt nhiều hơn cổ phiếu để có được sự chủ động nhất định trước những biến động mạnh của thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhận định TTCK tuần từ 6-10/5
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO