Nhà đầu tư chứng khoán tìm cơ hội trong chính sách mới

LÂM ANH| 14/06/2015 01:57

Trên cơ sở nền kinh tế phục hồi, việc triển khai một số thông tư quản lý thị trường chứng khoán mang tính hỗ trợ, nên triển vọng phát triển của một số nhóm cổ phiếu đang được nhìn nhận là khá tích cực.

Nhà đầu tư chứng khoán tìm cơ hội trong chính sách mới

Trên cơ sở nền kinh tế phục hồi, việc triển khai một số thông tư quản lý thị trường chứng khoán mang tính hỗ trợ, nên triển vọng phát triển của một số nhóm cổ phiếu đang được nhìn nhận là khá tích cực.

Đọc E-paper

Nhiều chính sách mới được áp dụng

Thông tư 200 (TT 200) về thay đổi cách lập báo cáo tài chính (BCTC) so với Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC và Thông tư 244/2009/TT-BTC dù chưa thể hiện thay đổi được BCTC của DN trong quý II và quý III nhưng tác động của nó đến kết quả kinh doanh cả năm của doanh nghiệp (DN) là rất lớn.

TT 200 có ảnh hưởng đến các ngành như điện máy, bất động sản và hàng tiêu dùng. Bởi một số nguyên tắc về báo cáo trong TT 200 thay đổi ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh (KQKD) của DN.

Chẳng hạn, nguyên tắc kế toán chiết khấu thương mại và giảm giá hàng bán làm thay đổi cơ chế hoạt động của DN điện máy. Vì sau khi áp dụng TT 200, các DN này chỉ ghi nhận doanh thu theo giá đã giảm trừ chiết khấu, giảm giá và không phản ánh riêng số chiết khấu như trước đây.

Còn nguyên tắc kế toán đối với các khoản doanh thu là tiêu điểm quan trọng trong việc ghi nhận doanh thu bất động sản. Theo đó, khi TT 200 được áp dụng, các DN không được ghi nhận doanh thu đối với số tiền thu trước của khách hàng theo tiến độ mà chỉ được ghi nhận khi đã hoàn thành toàn bộ, áp dụng cả đối với trường hợp phân lô bán nền.

Tuy nhiên, hiện nay hầu hết DN bất động sản đã ghi nhận doanh thu sau khi bàn giao nhà hay đất nền. Vậy nên KQKD của họ sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể.

Cuối cùng, về nguyên tắc kế toán chiết khấu thương mại và giảm giá hàng bán, TT 200 chỉ ghi nhận doanh thu theo giá đã giảm trừ chiết khấu, giảm giá và không phản ánh riêng số chiết khấu như trước đây. Điều này ảnh hưởng trực tiếp lên DN sản xuất hàng tiêu dùng như VNM, DHG, VCF về mặt biên lợi nhuận gộp. Đối với cách tính EPS cũng vậy.

Nếu để ý sẽ thấy trước đây EPS được tính theo công thức: Lợi nhuận cho cổ đông thường/Số lượng cổ phiếu phổ thông đang lưu hành. Còn theo phương thức tính của TT 200, EPS được tính dựa trên công thức: Lợi nhuận cho cổ đông thường - Trích quỹ khen thưởng phúc lợi/Số lượng cổ phiếu phổ thông đang lưu hành...

Ngoài ra, TT 200 còn có những thay đổi khác liên quan đến hạch toán các khoản dự phòng, đầu tư tài sản, thu nhập lãi, góp vốn, khấu hao tài sản, hồi tố. Những thay đổi này dần dần sẽ có thể đưa BCTC của doanh nghiệp Việt Nam đến gần hơn với các chuẩn mực quốc tế trong quá trình hội nhập và thu hút nhà đầu tư.

Bên cạnh TT 200, trong tháng 6, các thông tin khác cũng được NĐT quan tâm không kém là khả năng ban hành một số thông tư, nghị định mà trong đó bao gồm điều khoản tăng tỷ lệ sở hữu tối đa (room) mà NĐT nước ngoài được phép sở hữu, trong đó có ngân hàng.

Phải chọn lọc cổ phiếu

Như đã nói ở trên, đối với một số ngành được hưởng ưu thế từ TT 200, song song đó cũng có nhiều ngành bị ảnh hưởng. Sau khi cân nhắc các yếu tố có khả năng ảnh hưởng đến giao dịch, một số nhà phân tích cho rằng, tháng 6 vẫn còn nhiều thử thách trong việc đầu tư.

Điều này cũng được đề cập trong báo cáo tháng 6 của Rongviet Research. Theo đơn vị này, chưa xuất hiện những thông tin đủ tích cực để tạo nên một đợt sóng tăng mạnh trong tháng 6. Về phía các chủ thể tham gia, tâm lý NĐT trong nước đã có phần ổn định và tích cực hơn.

Ở khối nước ngoài, dự kiến kỳ tái cân đối danh mục lần hai trong năm của hai quỹ đầu tư chỉ số FTSE và VNM sẽ diễn ra vào tuần thứ hai và thứ ba của tháng 6. Tuy nhiên, khả năng diễn biến này sẽ chỉ có tác động cục bộ đến một số cổ phiếu liên quan và ít có khả năng lan tỏa trên diện rộng. Và vùng điểm dự báo trong tháng 6 đối với VN-Index là 550-590 và đối với HN-Index là 81-89.

Thực tế, với diễn biến trong tháng 5, rõ ràng những NĐT kiên trì bám trụ thị trường và tích lũy cổ phiếu theo khuyến nghị của giới chuyên môn đã ít nhiều nhìn thấy được thành quả.

Với đánh giá xu hướng chung của thị trường là đi lên, dù có trải qua gập ghềnh, thì tháng 6 sẽ không còn nhiều cơ hội "mua rẻ” như các tháng trước.

Mặc dù vậy, mặt bằng giá hiện tại vẫn được xem là phù hợp để NĐT chọn lọc và tích lũy cổ phiếu đón đầu sự cải thiện trong KQKD quý II.Tuy vậy, không loại trừ sẽ có các đợt tăng nóng tạo nên làn sóng chốt lời trong phiên và NĐT nên hạn chế việc mua đuổi.

Còn đối với việc lựa chọn ngành và cổ phiếu, VDSC khuyên NĐT cân nhắc lựa chọn những cổ phiếu thuộc các nhóm ngành có điểm rơi lợi nhuận vào quý II hoặc xu hướng tích cực hơn từ quý II cũng là một chiến lược mà NĐT có thể xem xét trong tháng 6.

Theo đó, những ngành được xem là sẽ có KQKD quý II/2015 tích cực nhất gồm dệt may, săm lốp, bán lẻ ô tô, bao bì, thủy điện, vận tải hành khách (SKG, VNS) và thép xây dựng.

Một điểm đáng lưu ý đối với NĐT, trong tháng 5/2015, NHNN đã điều chỉnh tăng 1% tỷ giá USD/VND. Đồng thời, đến thời điểm ngày 5/6, tỷ giá EUR/VND đã tăng 6% so với cuối quý I và chỉ còn giảm khoảng 5% so với thời điểm đầu năm.

Điều này đồng nghĩa các DN có các khoản vay bằng ngoại tệ (USD, EUR) có thể sẽ bị lỗ hay giảm lời chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện trong quý II/2015. Do đó, NĐT lựa chọn cổ phiếu theo tiêu chí hưởng lợi tỷ giá cần lưu ý đến diễn biến này của tỷ giá USD/VND và EUR/VND...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhà đầu tư chứng khoán tìm cơ hội trong chính sách mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO