Ngân hàng Nhà nước lại nắn dòng vốn tín dụng

ANH KHOA| 11/04/2018 03:34

Cuối tháng 3 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có Công văn số 1881 yêu cầu các tổ chức tín dụng phải đảm bảo thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng bền vững và có hiệu quả, đồng thời tích cực thực hiện các chương trình tín dụng của Chính phủ và NHNN.

Ngân hàng Nhà nước lại nắn dòng vốn tín dụng

Công nghệ cao là lĩnh vực được ưu tiên tín dụng. Ảnh: QH

Tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên

Theo đó, nguồn vốn tiếp tục tập trung vào 5 lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đáng lưu ý là NHNN đã bổ sung các lĩnh vực mới cần ưu tiên vốn tín dụng là dịch vụ có giá trị gia tăng cao, logistics và du lịch.

Thống kê cho thấy, nếu như vào năm 2013, lãi suất cho vay vốn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên vẫn còn ở mức khá cao là 9%, thì sau nhiều lần điều chỉnh, chỉ còn 6,5% kể từ ngày 10/7/2017, tức chỉ sau 5 năm thì lãi suất đối với các lĩnh vực này đã giảm 2,5%. Đây là mức giảm đáng kể nếu so với mức lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực khác giảm rất ít hoặc thậm chí không đổi.

Link bài viết

Những giải pháp của NHNN đã giúp doanh nghiệp trong 5 lĩnh vực ưu tiên có những lợi thế nhất định, từ đó có cơ hội mở rộng sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp khá nhiều khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn ưu tiên do hoạt động chưa thật sự hiệu quả, trong khi thiếu tài sản đảm bảo hoặc tài sản đảm bảo không đủ điều kiện đặt ra của các ngân hàng. Số liệu thống kê đến 30/11/2017 cho thấy dư nợ của doanh nghiệp nhỏ và vừa là 1.340 nghìn tỷ đồng, chỉ tăng 11,5% so với đầu năm 2017.

Ngược lại, đối với 4 khu vực còn lại thì khả quan hơn. Cụ thể đến 30/11/2017, dư nợ nông nghiệp - nông thôn so với đầu năm 2017 tăng gần 19%, dư nợ cho vay xuất khẩu tăng hơn 14%, công nghiệp hỗ trợ tăng hơn 22% và công nghệ cao tăng 20%. Tốc độ tăng trưởng tích cực như trên cho thấy theo đúng định hướng của Chính phủ và NHNN.

Ngành thương mại, dịch vụ cần được hỗ trợ

Đáng lưu ý là trong yêu cầu triển khai tín dụng năm 2018, NHNN đã lưu ý dòng vốn tín dụng cần tập trung cho ngành thương mại, dịch vụ có giá trị gia tăng cao và logistics, du lịch.

Khu vực dịch vụ đã đóng góp cho tăng trưởng kinh tế nhiều hơn, cụ thể trong quý I tăng 6,7%, cao hơn so với 5,98% của cùng kỳ 2016 và 6,36% cùng kỳ 2017, theo đó chiếm tỷ trọng 43,77% và đóng góp đến 2,75% trong con số tăng trưởng GDP 7,38% của ba tháng đầu năm, chỉ xếp sau khu vực công nghiệp và xây dựng là 3,39%. Vì vậy, việc chú trọng vốn tín dụng ưu tiên cho khu vực này là cần thiết.

Nếu tiếp cận được dòng vốn tín dụng từ ngân hàng dễ dàng hơn với lãi suất tốt hơn, doanh nghiệp xuất khẩu dịch vụ có thể tăng được lợi thế cạnh tranh, từ đó tăng kim ngạch xuất khẩu, cải thiện cán cân thương mại dịch vụ.

Nếu tiếp cận được dòng vốn tín dụng từ ngân hàng dễ dàng hơn với lãi suất tốt hơn, doanh nghiệp xuất khẩu dịch vụ có thể tăng được lợi thế cạnh tranh, từ đó tăng kim ngạch xuất khẩu, cải thiện cán cân thương mại dịch vụ.

Trong khi đó, đối với ngành logistics, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn khá yếu so với doanh nghiệp FDI cũng như với doanh nghiệp trong khối ASEAN. Hiện Việt Nam có khoảng 3.000 doanh nghiệp hoạt động trong ngành logistics, trong đó khoảng 1.300 doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do thiếu năng lực tài chính nên doanh nghiệp Việt Nam cung cấp chủ yếu dịch vụ logistics nội địa. Vì vậy, để tăng năng lực cạnh tranh cho nhóm doanh nghiệp này, việc hỗ trợ vốn với lãi suất thấp là cần thiết.

Du lịch là ngành được xác định là mũi nhọn trong nền kinh tế, khi mà Việt Nam có nhiều thắng cảnh nổi tiếng. Thống kê cho thấy lượng khách du lịch đến Việt Nam đã tăng rất mạnh suốt thời gian qua, như quý I vừa qua khách nước ngoài đến nước ta đạt 4,2054 triệu lượt, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm trước, như vậy xuất siêu du lịch đến 1,4 tỷ USD đã phần nào hạn chế mức nhập siêu dịch vụ. Dù vậy, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam vẫn chưa phát triển xứng tầm với lợi thế sẵn có một phần cũng do nguồn vốn còn hạn chế.

Dịch vụ du lịch vốn được xem là ngành công nghiệp không khói và còn là một trong những ngành xuất khẩu tại chỗ, do đó phát triển tốt du lịch sẽ giúp tăng trưởng kinh tế, vì vậy nguồn vốn ưu tiên dành cho khu vực này cũng cần được quan tâm đúng mức.

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại kiểm soát chặt chẽ cơ cấu tín dụng, đặc biệt là đối với các lĩnh vực có thể gặp rủi ro như bất động sản, chứng khoán, BOT, BT giao thông, nhóm khách hàng có dư nợ lớn. Đặc biệt kiểm soát chặt chẽ tín dụng bất động sản, nhất là các chủ đầu tư có quy mô lớn, phân khúc bất động sản cao cấp, biệt thự nghỉ dưỡng, các khu officetel, condotel. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngân hàng Nhà nước lại nắn dòng vốn tín dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO