Mùa đại hội cổ đông: "Giáp hạt"

QUỲNH CHI| 03/05/2010 08:36

Khép lại tháng Tư cũng là lúc mùa đại hội cổ đông của các ngân hàng kết thúc. Nhìn chung, kết quả kinh doanh các NH công bố phần nào được coi là năm làm ăn khá thuận buồm.

Mùa đại hội cổ đông:

Khép lại tháng Tư cũng là lúc mùa đại hội cổ đông của các ngân hàng (NH) kết thúc. Nhìn chung, kết quả kinh doanh các NH công bố phần nào được coi là năm làm ăn khá thuận buồm. Song trên thực tế, các nhà đầu tư đều ngầm hiểu rằng những con số đó “không bình yên”.

Chật vật tăng vốn

Thoáng qua, có thể thấy mục tiêu tăng vốn rất hấp dẫn các nhà đầu tư. Bởi vì, tăng thêm vốn điều lệ là điều kiện giúp các NH phát triển tín dụng. Thế nhưng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tăng trưởng tín dụng vẫn là bài toán khó giải. Thực vậy, có quan điểm cho rằng, trước áp lực tăng vốn theo Nghị định 141/2006/NĐ-CP ngày 22/11/2006 của Chính phủ (mức vốn pháp định tối thiểu của các NH thương mại là 3.000 tỷ đồng) thì nay việc bàn bạc, suy xét có nên tăng hay không cũng chỉ mang tính tượng trưng.

Lý do là các nhà đầu tư dù có đồng ý hay không thì các NH nhỏ chưa đủ 3.000 tỷ đồng cũng bắt buộc phải tăng vốn. Còn những NH lớn có tiềm lực tài chính tốt vẫn muốn tiếp tục tăng vốn điều lệ trong năm nay để tăng cường nội lực cũng như hỗ trợ việc mở rộng hoạt động kinh doanh của mình.

Tuy nhiên, dù lý do gì đi nữa thì việc chia (tách) cổ phiếu hiện nay được đánh giá là không đem lại thêm giá trị cho NH mà còn tạo thêm nhiều áp lực khi phát hành. Chẳng hạn, Techcombank cho biết, sẽ tăng vốn điều lệ từ 5.400 tỷ đồng lên 6.932 tỷ đồng bằng cách phát hành hơn 153 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu và cán bộ, công nhân viên. Song với số vốn tăng này, NH phải gánh chịu áp lực về cổ tức là rất lớn.

Tương tự, NH OCB sẽ tăng vốn điều lệ lên 3.100 tỷ đồng bằng cách nâng tỷ lệ sở hữu vốn cổ phần của BNP Paribas từ 15% lên 20%. Tuy nhiên, theo ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM, việc này cần phải có phương án thay thế cụ thể trong trường hợp Chính phủ không phê duyệt. Lý do là hiện nay các NH chỉ được phép phát hành cổ phiếu cho đối tác nước ngoài không quá 15%.

Chính vì thế mà một cổ đông lớn của OCB nói rằng, mở thêm chi nhánh, phòng giao dịch là điều cần thiết, nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn thì việc mở rộng tràn lan sẽ bị lỗ. Thậm chí, không ít ý kiến từ cổ đông than phiền thời gian gần đây về sự “pha loãng” quá nhanh và quá nhiều qua sự “bùng nổ” của vốn điều lệ, ảnh hưởng đến sự hiệu quả trong hoạt động và giá trị của đồng vốn. Trên quan điểm tổng thể, một số ý kiến của các chuyên gia lâu năm trong khu vực NH cho rằng, đối với các NH thương mại nhỏ nếu tăng vốn bằng hình thức phát hành thêm cổ phiếu (hoặc thưởng) và nhất là tăng vốn bằng mọi giá, rất có thể lợi bất cập hại. Bởi vì, vấn đề lành mạnh của NH thương mại cổ phần không được đảm bảo thì cổ đông có thể mất tiền, khi NH càng ngày càng yếu kém hoặc tệ hại, nhất là khi NH đó đổ vỡ.

Thận trọng từng con số

Về lợi nhuận, năm nay, có thể thắc mắc của nhiều cổ đông sẽ được đặt ra là các NH từng có nguồn thu lớn từ hoạt động kinh doanh vàng và ngoại tệ sẽ ứng xử như thế nào khi các sàn vàng đóng cửa, khi nguồn từ kinh doanh ngoại tệ đã giảm sút, khó khăn trong năm 2009? Hẳn sẽ có sự dịch chuyển để bù đắp, nhưng nhìn chung, lãnh đạo các NH đều gặp nhiều áp lực.

Thậm chí, một lãnh đạo NH cổ phần chia sẻ rằng, căng thẳng nhất đối với bản thân ông, cũng như HĐQT, đó là lợi nhuận. Chính vì thế, khi NH của ông đặt chỉ tiêu lợi nhuận 2.000 tỷ đồng, ngay lập tức cổ đông phản bác rằng con số quá thấp trước một quy mô vốn điều lệ lớn.

Trước thực tế đó, Sacombank đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế cho năm nay là 2.400 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2009; giữ ổn định cổ tức ở mức 14 - 16%/vốn cổ phần. Trong khi đó cuối năm trước, con số lợi nhuận Sacombank dự kiến đưa ra cho năm 2010 là 2.600 tỷ đồng.

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Sacombank nói rằng, mục tiêu lợi nhuận dự kiến trình đại hội cổ đông năm nay là 2.400 tỷ đồng, nhưng Sacombank kỳ vọng và phấn đấu sẽ đạt được con số cao hơn, khoảng 2.800 tỷ đồng. NH Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng chỉ đặt mục tiêu 4.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2010 trong khi năm 2009, lợi nhuận trước thuế của NH này đạt gần 5.000 tỷ đồng. Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank cho biết, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế của DongA Bank đưa ra năm nay là 1.100 tỷ đồng, cao hơn 350 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2009...

Việc các NH dè dặt với kế hoạch lợi nhuận năm 2010 chủ yếu do nguồn thu từ hoạt động tín dụng được dự báo sẽ không còn cao như năm trước, do chính sách hỗ trợ lãi suất ngắn hạn đã hết. Trên thực tế, nguồn thu từ hoạt động tín dụng chiếm đa phần trong tổng nguồn thu đóng góp vào tổng lợi nhuận của NH (chiếm 65 - 70% đối với các NH lớn và chiếm tới 80 - 85% ở các NH nhỏ).

Năm nay, nguồn thu đóng góp vào tổng lợi nhuận NH không còn dồi dào từ mảng hoạt động dịch vụ. Hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài hiện không còn và kinh doanh ngoại tệ - vốn được xem là thế mạnh, đóng góp nguồn thu lớn cho một số NH trước đây, cũng trở nên trầm lắng, khi cung - cầu ngoại tệ chưa được khơi thông. Vì thế việc xây dựng kế hoạch lợi nhuận cho năm 2010 được các NH cân nhắc khá kỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mùa đại hội cổ đông: "Giáp hạt"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO