"Mở" cơ chế xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém

SONG KIM| 05/03/2012 06:37

Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015” - với mục tiêu cơ cấu lại căn bản, triệt để và toàn diện hệ thống các tổ chức tín dụng, để đến năm 2020 phát triển được hệ thống các tổ chức tín dụng đa năng theo hướng hiện đại hóa, hoạt động an toàn, hiệu quả vững chắc - vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (theo Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012).

Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015” - với mục tiêu cơ cấu lại căn bản, triệt để và toàn diện hệ thống các tổ chức tín dụng, để đến năm 2020 phát triển được hệ thống các tổ chức tín dụng đa năng theo hướng hiện đại hóa, hoạt động an toàn, hiệu quả vững chắc - vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (theo Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012).

Ngân hàng Nhà nước sẽ giám sát chặt chẽ về quản trị, điều hành, tài chính và hoạt động của các tổ chức tín dụng yếu kém



Giải quyết triệt để

Trọng tâm của đề án này là các giải pháp cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém (trên cơ sở phân nhóm do Ngân hàng Nhà nước thực hiện).

Theo đó, các tổ chức tín dụng yếu kém sẽ phải chịu sự giám sát đặc biệt một cách chặt chẽ, toàn diện của Ngân hàng Nhà nước về quản trị, điều hành, tài chính và hoạt động.

Ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần lành mạnh sẽ mua lại các tài sản và khoản nợ có chất lượng tốt của tổ chức tín dụng thiếu thanh khoản để thanh toán các nghĩa vụ nợ đến hạn.

Việc chia cổ tức, lợi nhuận của các tổ chức tín dụng yếu kém sẽ bị hạn chế, kể cả việc chuyển nhượng cổ phần, vốn góp và tài sản.

Sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước nhằm đảm bảo khả năng chi trả, giảm dư nợ tín dụng và hạn chế mở rộng quy mô hoạt động. Ngân hàng Nhà nước có thể đình chỉ, tạm đình chỉ, miễn nhiệm chức vụ người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng loại này.

Sau khi áp dụng các biện pháp đảm bảo khả năng chi trả, tổ chức tín dụng yếu kém được sáp nhập, hợp nhất, mua lại trên cơ sở tự nguyện, hoặc bắt buộc (nếu không tự nguyện).

Đáng chú ý là đề án trên mở ra một cơ chế đặc biệt là: “Xem xét, cho phép tổ chức tín dụng nước ngoài mua lại, sáp nhập tổ chức tín dụng yếu kém của Việt Nam và tăng giới hạn sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng nước ngoài tại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém được cơ cấu lại" (hiện giới hạn tối đa là 30%).

Với các tổ chức tín dụng thiếu hụt thanh khoản tạm thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện tái cấp vốn để đảm bảo khả năng chi trả, song song đó là sự giám sát chặt chẽ…

Lộ trình

Đề án chia ra 4 giai đoạn thực hiện (2011 - 2012, 2012 - 2013, 2013 - 2014, 2014 - 2015), với những mục tiêu và kết quả dự kiến cụ thể:

Đến cuối năm 2012, kết quả dự kiến là khả năng chi trả của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng về cơ bản được đảm bảo; xác định, kiểm soát được tình hình của các tổ chức tín dụng yếu kém để làm cơ sở cho việc áp dụng các biện pháp cơ cấu lại ở giai đoạn sau.

Trong năm 2013, kế hoạch của đề án là hoàn thành sửa đổi, bổ sung các quy định an toàn hoạt động ngân hàng; hoàn thành cơ bản cơ cấu lại sở hữu, pháp nhân của ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém; hoàn thành cơ cấu lại các công ty tài chính và cho thuê tài chính... Kết quả dự kiến: Nguy cơ đổ vỡ hệ thống các tổ chức tín dụng được loại bỏ; kỷ cương, kỷ luật trong lĩnh vực ngân hàng được lập lại và củng cố; các tổ chức tín dụng yếu kém được xử lý cơ bản.

Đề án dự kiến trong năm 2014 sẽ hoàn thành căn bản việc cơ cấu lại tài chính của các tổ chức tín dụng; tiếp tục sáp nhập, hợp nhất, mua lại theo nguyên tắc tự nguyện.

Và đến năm 2015 sẽ hoàn thành cơ cấu lại hoạt động và quản trị. Kết quả dự kiến vào cuối lộ trình này là tài chính và hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng được củng cố, chấn chỉnh và lành mạnh hóa; hệ thống quản trị được cải thiện một bước quan trọng; các tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về vốn và tiêu chuẩn an toàn hoạt động ngân hàng.

“Quá trình củng cố, chấn chỉnh, cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng được tiến hành với chi phí thấp nhất, loại trừ nguy cơ đổ vỡ ngân hàng ngoài tầm kiểm soát, bảo đảm giữ vững sự an toàn, ổn định của hệ thống, đồng thời không gây tác động tiêu cực đến sự ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh chính trị và trật tự xã hội”, đề án nêu định hướng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Mở" cơ chế xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO