Lý lẽ của kẻ mạnh

MINH TRIỆU| 12/09/2013 04:29

Thị trường chứng khoán có thể lúc thăng lúc trầm, nhưng cuộc cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán vẫn ngày một gay gắt hơn. Trong cuộc chơi khắc nghiệt và không lấy gì làm cởi mở này, kẻ mạnh thường nắm giữ lợi thế.

Lý lẽ của kẻ mạnh

Thị trường chứng khoán có thể lúc thăng lúc trầm, nhưng cuộc cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán vẫn ngày một gay gắt hơn. Trong cuộc chơi khắc nghiệt và không lấy gì làm cởi mở này, kẻ mạnh thường nắm giữ lợi thế.

Đọc E-paper

Với điều kiện của thị trường hiện nay, khả năng tìm kiếm những nhà đầu tư mới gia nhập vô cùng khó khăn. Vậy nên, khi thị phần không được mở rộng buộc các công ty chứng khoán phải ra sức giành giật nhau để tồn tại và phát triển.

Minh chứng rõ nét nhất là việc lôi kéo nhân viên môi giới, nhất là những người giỏi. Nhiều nhân viên môi giới tại các công ty chứng khoán lớn sẵn sàng được các công ty chứng khoán có vị thế yếu hơn tuyển dụng và đưa lên vị trí trưởng phòng.

Trưởng phòng tại công ty này nếu sang công ty chứng khoán khác và phát huy được năng lực có thể lên giám đốc khối, thậm chí phó tổng. Có những công ty chứng khoán sẵn sàng trả hoa hồng cho công tác viên môi giới với mức từ 40-50% phí giao dịch khách hàng. Như vậy, công ty chứng khoán nào "chịu chi" "chịu đãi ngộ” sẽ dễ thu hút nhân viên môi giới hơn.

Điều này có thể khiến một số công ty chứng khoán bị "chảy máu nhân tài" và buộc phải xem lại chính sách nhân sự của mình. Theo đó, các công ty chứng khoán lớn sẽ có những chính sách chăm sóc cho nhân viên tốt hơn, đồng thời cơ cấu hoạt động cũng được thiết lập theo xu hướng cởi mở hơn, chẳng hạn như việc cất nhắc các chức vụ cho nhân viên.

Nhưng ở đây cũng có mặt trái là các công ty chứng khoán thường ưu tiên cho người giỏi, có công ty khi thành lập phòng môi giới mới đã đề ra chuẩn phải tuyển được những người có nhiều năm kinh nghiệm.

Vì điều kiện này, cơ hội để những nhân viên mới chen chân vô sẽ rất khó khăn. Chính vì vậy, cũng giống như việc giành khách, công ty chứng khoán lại giành người của nhau hơn là có chính sách nhân sự bài bản.

Và trong thực tế, những công ty chứng khoán trải thảm đỏ đãi ngộ nhân tài, nhưng nếu không đủ lực để duy trì liên tục chính sách của mình, đến khi hoạt động không như dự kiến, sự tốn kém, thậm chí lãng phí là rất lớn. Cuối cùng, người giỏi cũng lại bỏ đi chỗ khác hoặc bị chính các công ty chứng khoán mạnh hơn kéo về.

Nếu như việc "nuôi quân" cần "mạnh gạo" thì trong việc triển khai sản phẩm cần "bạo tiền", cụ thể là các sản phẩm giao dịch ký quỹ (margin), công nghệ giao dịch. Hiện nay, nói đến giao dịch trực tuyến, nhà đầu tư cần nhiều hơn một công cụ chỉ dùng để đặt lệnh hay thực hiện một vài thao tác cơ bản.

Càng ngày, các phần mềm giao dịch trực tuyến sẽ tích hợp nhiều chức năng hơn, chẳng hạn như việc phân chia lệnh (chẻ lệnh). Nhà đầu tư muốn mua 100.000 cổ phiếu nhưng không muốn bị "theo dõi" có thể sử dụng phần mềm giao dịch tại một số công ty chứng khoán chia nhỏ thành các lệnh mua mỗi lệnh 1.000-2.000 cổ phiếu hay nhiều ít hơn tùy theo ý thích.

Công ty chứng khoán có phần mềm càng tiện dụng, thì càng có khả năng giữ chân khách hàng. Bởi lẽ nếu chuyển sang một hệ thống giao dịch khác, không có chức năng gì mới hơn, lại tốn nhiều thời gian để thích nghi, sẽ chẳng ai thích điều ấy.

Tiêu điểm trong chính sách dành cho khách hàng và cũng là chiêu dùng để cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán chính là các sản phẩm margin. Theo như lời kể của một nhân viên môi giới, khách VIP thường được đưa ra những điều kiện margin rất hấp dẫn, chẳng hạn giao dịch càng nhiều, lãi suất càng giảm, số lượng cổ phiếu margin càng đa dạng.

Thậm chí, các công ty chứng khoán còn có thể hỗ trợ nhà đầu tư về vốn để giao dịch nhưng không tính phí, hoặc tính phí ưu đãi. Thí dụ: Nếu khách hàng sử dụng margin để mua cổ phiếu, thay vì tính lãi ngay từ khi đặt lệnh, có công ty chứng khoán có thể để đến ngày T+3 tức đến khi cổ phiếu về tài khoản của nhà đầu tư mới bắt đầu tính lãi.

Điều rõ ràng là với các công ty chứng khoán nhỏ, vốn mỏng, khả năng triển khai các sản phẩm này là vô cùng hạn chế, nếu có thì cũng chỉ một vài khách VIP. Và không sớm thì muộn, nếu các công ty chứng khoán lớn khác nhìn ra được những khách hàng này thì một chính sách ưu đãi vượt trội khác sẽ được đưa ra và công ty chứng khoán nhỏ sẽ bị mất khách.

Đó là còn chưa kể, các công ty chứng khoán nhỏ vẫn còn đang phấn đấu để đạt chỉ tiêu an toàn tài chính hoặc không bị thua lỗ thì khả năng triển khai việc hỗ trợ khách hàng trên diện rộng cũng khó xảy ra vì e ngại rủi ro xuất hiện.

Dần dà, công ty chứng khoán có lợi thế nào, sẽ phát huy tối đa để đánh vào điểm yếu của đối thủ, qua đó tạo nên những cuộc cạnh tranh khốc liệt và đó cũng là hiện tượng tự các công ty chứng khoán tái cấu trúc, thanh lọc lẫn nhau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lý lẽ của kẻ mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO