Lấy dự phòng lấp nợ xấu

LINH CHI| 21/11/2014 03:35

Tăng trưởng tín dụng được nhiều ngân hàng (NH) công bố đến thời điểm này vẫn chưa thoát âm, song nợ xấu khó kiểm soát và cách duy nhất là tăng dự phòng, giảm lợi nhuận.

Lấy dự phòng lấp nợ xấu

Tăng trưởng tín dụng được nhiều ngân hàng (NH) công bố đến thời điểm này vẫn chưa thoát âm, song nợ xấu khó kiểm soát và cách duy nhất là tăng dự phòng, lợi nhuận giảm.

Đọc E-paper

Tăng dự phòng để giảm nợ xấu

Nợ xấu của các NHTM không ngừng tăng lên trong thời gian qua, nhất là kể từ khi NHNN áp dụng Thông tư 09 đầu tháng 6/2014 đến nay. Cộng với việc các NH phải đẩy mạnh bán nợ xấu cho VAMC khiến khoản dự phòng rủi ro tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm nên lợi nhuận bị co hẹp. Đây cũng được xem là cách duy nhất để xử lý nợ xấu khi việc thu hồi nợ tiền mặt và phát mãi tài sản quá khó khăn.

Kết quả kinh doanh quý III vừa được các NHTM công bố cũng cho thấy bức tranh lợi nhuận không mấy sáng sủa, vì phải trích dự phòng cao, trừ một số NH đã có bề dày về bán lẻ. Chẳng hạn, tỷ lệ nợ quá hạn của DongA Bank đến cuối quý III chiếm đến 13% tổng dư nợ, cho dù NH này đã bán gần 2.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC.

Vì thế, DongA Bank bất ngờ báo lỗ 76 tỷ đồng trong quý III và lũy kế 9 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của giảm 41,4% công với dự phòng rủi ro 339 tỷ đồng do nợ xấu tăng mạnh dù tín dụng giảm. Kết quả, 9 tháng đầu năm, DongA Bank chỉ đạt lợi nhuận trước thuế 220 tỷ đồng và sau thuế 149 tỷ đồng, chưa bằng một nửa cùng kỳ 2013.

Tương tự, tín dụng của ABBank đến cuối tháng 9 vẫn tăng trưởng âm 1,4%, trong khi NH này có tổng cộng đến 3.739 tỷ đồng nợ quá hạn, chiếm 16% trên tổng dư nợ cho vay khách hàng. Vào cuối 2013, nợ quá hạn chiếm 14,2% dư nợ của ABBank.

Vì thế, dự phòng rủi ro là một hạng mục đáng lưu ý trong báo cáo tài chính của ABBank quý III, với khoản dự phòng rủi ro gấp 18 lần cùng kỳ, lên 108 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, dự phòng rủi ro ABBank cũng tăng gấp 12 lần cùng kỳ, lên 216 tỷ đồng. Kết quả là, lợi nhuận trước thuế quý III của ABBank chỉ còn 48 tỷ đồng và sau thuế là 43 tỷ đồng, giảm lần lượt 37,7% và 17% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến cuối tháng 9/2014, ACB đạt tăng trưởng tín dụng 7,12% với dư nợ cho vay khách hàng 113.163 tỷ đồng, song quý III, ACB chỉ đạt lợi nhuận trước thuế 340 tỷ đồng, giảm 36,3% so với cùng kỳ năm trước và sau thuế là 264 tỷ đồng, giảm 34%.

Lũy kế 9 tháng ACB đạt lợi nhuận trước thuế 1.071 tỷ và sau thuế 837 tỷ đồng, giảm lần lượt 27,6% và 25,1% so cùng kỳ. Nguyên nhân do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý 3/2014 của ACB lên 664,39 tỷ đồng, tăng 94,76% cùng kỳ và 9 tháng đến 2.714 tỷ đồng. Bởi nợ xấu của ACB đến cuối tháng 9/2014 vẫn 3,07%, không giảm so với đầu năm nay.

Nỗ lực xử lý, nhưng khó thu hồi nợ

Nợ xấu tăng khiến tín dụng của NH tắc nghẽn. Vì thế, các NH phải nỗ lực xử lý bằng mọi cách, nhưng xem ra chỉ khả thi với giải pháp trích dự phòng rủi ro. Bởi theo ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB, xử lý nợ xấu để thu hồi trong lúc này là rất khó khăn, đặc biệt là phát mãi tài sản để thu hồi nợ xấu.

Bởi cơ quan thi hành án xử lý nợ quá chậm, không chủ động nên nguy cơ đe dọa khả năng tăng trưởng tín dụng, kể cả trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm của doanh nghiệp, do ức chế vì nợ xấu.

Đại diện một NH cho biết, khó khăn vướng mắc nhất là xử lý tài sản nợ vay. Thủ tục khởi kiện ra tòa, xét xử nhiêu khê rồi chờ thi hành án gấp bao nhiêu lần nữa... Vì thế, cần đẩy nhanh tốc độ xét xử, thi hành án và cần đúng trình tự theo luật định là được.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phó tổng giám đốc DongA Bank, cho hay, chủ trương của DongA Bank trong thời gian qua là kiểm soát chặt chất lượng tín dụng và đẩy mạnh cho vay. Thế nhưng, theo bà Xuyến, do phải áp dụng các quy định phân loại nợ và trích dự phòng rủi ro theo Thông tư 09 nên nợ xấu không gia tăng.

Trong khi đó, để xử lý được nợ xấu, DongA Bank cũng đã dùng đủ mọi cách giãn nợ, giảm lãi cũ và đẩy mạnh phát mãi tài sản để thu hồi vốn, bán nợ xấu cho VAMC. Nhưng xem ra việc phát mãi tài sản là vô cùng khó khăn khi giá bất động sản giảm mạnh thời gian qua.

Thực tế, việc xử lý nợ xấu luôn là vấn đề khó khăn đối với các NH và càng khó khăn hơn trong thời điểm hiện nay. Bởi thị trường bất động sản sụt giảm và đóng băng trong thời gian dài, ảnh hưởng đến tài sản đảm bảo, kéo giảm giá trị tài sản so với mức định giá trước đây.

Vì thế, khi phát mãi, khách hàng không đồng tình với việc giảm giá trị tài sản đảm bảo là bất động sản, nhưng nếu không giảm giá sẽ rất khó bán. Mặt khác, trong trường hợp khoản nợ rơi vào nhóm 4-5, NH cũng không thể tự ý bán hoặc xử lý tài sản đảm bảo.

Ngoài ra, nếu bán mà tài sản bị sụt giảm giá trị so với khoản nợ thu hồi, khách hàng cũng không hợp tác với NH để thanh toán nốt khoản nợ còn lại. Nhưng nếu đưa vụ việc ra tòa sẽ mất rất nhiều thời gian, kéo dài hằng năm, song vẫn không kỳ vọng giải quyết được triệt để.

Theo Tổng giám đốc NH OCB Nguyễn Đình Tùng, cái khó nhất trong xử lý nợ xấu hiện nay là không thể phát mãi được tài sản đảm bảo bất động sản trước thực trạng thị trường nhà, đất trầm lắng. Trong khi đó, tài sản đảm bảo chủ yếu tập trung lĩnh vực bất động sản khiến việc xử lý nợ khó khăn.

Vì thế, cách duy nhất là hy sinh lợi nhuận để trích dự phòng, cả với khoản nợ đã bán cho VAMC. Tín dụng không tăng trưởng được rõ ràng là mối lo của NH mà còn của cả nền kinh tế. Nhưng theo TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, không vì chạy theo mục tiêu tín dụng mà bất chấp để cho vay.

Bởi lẽ trong bối cảnh nợ xấu cao, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp yếu, chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra ở mức thấp như hiện nay, họ có thể tìm hướng đầu tư khác an toàn hơn để giải quyết ách tắc vốn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lấy dự phòng lấp nợ xấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO