Lãi suất: Giảm nữa được không?

MINH HẰNG/DNSG cuối tuần| 10/09/2012 03:22

Bối cảnh kinh tế từ đầu năm đến nay chưa có nhiều chuyển biến tích cực ngoại trừ chỉ tiêu lạm phát cả năm có thể dưới hai con số.

Lãi suất: Giảm nữa được không?

Bối cảnh kinh tế từ đầu năm đến nay chưa có nhiều chuyển biến tích cực ngoại trừ chỉ tiêu lạm phát cả năm có thể dưới hai con số.

Đọc E-paper

Hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn khiến nhiều người không muốn bỏ vốn làm ăn, các doanh nghiệp đa phần cũng hoạt động theo kiểu duy trì chứ không mặn mà mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Giới kinh doanh còn vậy, nên dễ hiểu việc gửi tiền tại các tổ chức tín dụng đã trở thành lựa chọn của nhiều người, khi các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán không hấp dẫn như trước.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, dù lãi suất thực năm 2011 là âm (lãi suất tiền gửi 14%/năm trong khi lạm phát trên 18%/năm), việc huy động vốn của các ngân hàng vẫn rất suôn sẻ. Sáu tháng đầu 2012, lãi suất huy động liên tục được điều chỉnh giảm, chỉ còn 9%/năm kể từ 11/6, nhưng tổng vốn huy động của hệ thống ngân hàng vẫn tăng gần 8% so với cuối năm 2011.

Chính vì thực tế này, nhiều người cho rằng nếu lạm phát năm nay chỉ ở mức 8% thì không lý gì lãi suất huy động không tiếp tục giảm. Không những thế, khi kinh tế có dấu hiệu suy giảm, để kích thích tăng trưởng, đẩy mạnh tiêu dùng và đầu tư trong dân, thì giảm lãi suất là một trong những biện pháp hữu hiệu.

Lãi suất huy động giảm kéo theo lãi suất cho vay giảm. Một khi các ngân hàng hỗ trợ bằng cách tạo điều kiện cho doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn vay, cả bằng thế chấp lẫn tín chấp, sẽ giúp được nhiều doanh nghiệp cải thiện dòng tiền và thúc đẩy hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh.

Nếu các ngân hàng còn chủ động giảm thêm lãi suất cho vay cho doanh nghiệp, mọi chuyện còn tốt hơn nữa. Dù trong ngắn hạn lợi nhuận của ngân hàng có thể bị ảnh hưởng, do rủi ro nợ xấu cũng như chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay thấp, bù lại trong dài hạn khi các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, nền kinh tế tăng trưởng tốt, thì tất cả đều hưởng lợi.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng trong thời điểm hiện nay, điều chỉnh giảm lãi suất nữa chưa hẳn đã tốt, bởi sẽ khuyến khích việc cung tiền dồn dập quá khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, khiến lạm phát quay trở lại. Cũng bởi việc điều hành chính sách tiền tệ của nước ta không chỉ nhằm vào mục tiêu lạm phát mà vào nhiều mục tiêu khác, nên vấn đề tăng giảm lãi suất không chỉ phụ thuộc vào yếu tố lạm phát.

Lạm phát giảm nhưng lãi suất khó giảm tương ứng là vì vậy. Tốc độ tăng trưởng tín dụng là một trong những yếu tố quan trọng sẽ tác động đến lãi suất và lạm phát.

Nếu như sáu tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng là 0,76% thì chỉ một tháng sau đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã lên mức 1,76%. Tất nhiên, để có được kết quả này, Ngân hàng Nhà nước lần lượt giảm các lãi suất chính sách, cho phép các ngân hàng chủ động quy định lãi suất tiền gửi trên một năm và gần đây nhất là chỉ đạo các ngân hàng thương mại đưa lãi suất các khoản nợ cũ xuống dưới 15%/năm.

Nhờ những chính sách đó, các ngân hàng thương mại thời gian qua đã đẩy mạnh hoạt động cho vay trong nhiều lĩnh vực, kể cả lĩnh vực không ưu tiên như bất động sản. Tình hình thời gian qua chưa ủng hộ cho xu hướng nào, giảm lãi suất hay không.

Lượng tiền bị rút khỏi ngân hàng tăng hơn trước, có thời điểm Ngân hàng Nhà nước phải tung tiền để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống, một số ngân hàng phải rất nỗ lực thu hút khách gửi tiền, điều này khiến lãi suất huy động khó giảm thêm.

Chiều ngược lại, tìm được khách hàng muốn vay vốn và đáp ứng được các tiêu chí của ngân hàng để cho vay là rất khó khăn. Để hấp dẫn doanh nghiệp tốt, một số ngân hàng buộc phải giảm lãi suất cho vay. Mà muốn có mức lãi như trước, dĩ nhiên các ngân hàng mong lãi suất huy động tiếp tục giảm.„

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lãi suất: Giảm nữa được không?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO