Lãi suất đánh đu lạm phát

VŨ HOÀNG| 05/09/2013 05:55

So với đầu năm, lãi suất cho vay đã giảm 3 - 4% và đây được xem là tín hiệu tích cực hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp. Tuy nhiên, hạ lãi suất về lý thuyết khó lôi kéo được người vay và về lâu dài sẽ gây áp lực lớn đối với nguồn tiền huy động.

Lãi suất đánh đu lạm phát

So với đầu năm, lãi suất cho vay đã giảm 3 - 4% và đây được xem là tín hiệu tích cực hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, hạ lãi suất về lý thuyết khó lôi kéo được người vay và về lâu dài sẽ gây áp lực lớn đối với nguồn tiền huy động.

Đọc E-paper

Chủ động giảm

Tính đến thời điểm hiện tại, đây là lần thứ ba các ngân hàng thươngmại (NHTM) chủ động giảm lãi suất cho vay để kích cầu tiêu dùng.

Bên cạnh những gói lãi suất ưu đãi chuyên biệt như lãi suất thấp như HDBank dành 1.000 tỷ đồng cho DN vay bổ sung vốn lưu động với lãi suất từ 8 - 8,5%/năm, thời hạn vay tối đa 6 tháng, DaiABank triển khai hai gói tín dụng 2.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 9,99%/năm đối với khách hàng cá nhân và 9% đối với khách hàng DN, OceanBank triển khai sản phẩm "Niềm tin" với lãi suất cho vay mua nhà chỉ từ 5,91%/năm, nhìn chung, mặt bằng lãi suất cho vay đã được đưa về mức khá hợp lý.

Cụ thể, theo tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM, tính đến cuối tháng 8/2013, mức lãi suất cho vay được các tổ chức tín dụng (TCTD) áp dụng không quá 9% đối với 5 lĩnh vực ưu tiên.

Như vậy, so với thời điểm cuối năm 2012, lãi suất cho vay của NHTM trên địa bàn đã giảm mạnh, từ mức 12,5 -17%/năm xuống còn 10 -14%/năm, riêng lãi suất cho vay 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên giảm từ 12-13%/năm xuống còn 9-10%/năm.

Với mặt bằng lãi suất hiện nay, một số DN xác nhận đã hợp lý hơn. Ông Phan Đức Chiến, Giám đốc Công ty TNHH Đức Hoàng thừa nhận lãi suất đã giảm nhiều. Hiện tại, lãi suất vay USD chỉ khoảng 5,5-6% (tùy kỳ hạn vay) và tiền đồng dao động trên dưới 10%/năm.

"Có thể, lãi suất cho vay trung và dài hạn còn cao so với kỳ vọng của DN nhưng với những khoản vay ngắn hạn, trước đây 15-17% nay chỉ còn khoảng 9-11%, tôi thấy đã hợp lý”, ông Chiến nói.

Trường hợp khác, ông Mai Quang Vinh, chủ một DN tư nhân ở quận 7, TP.HCM cũng vừa vay được hơn 1 tỷ đồng từ gói vốn ưu đãi lãi suất trên của HDBank cũng chia sẻ, khi đáp ứng đủ điều kiện chương trình, người vay vay được vốn rẻ khá dễ dàng.

Rõ ràng, hạ lãi suất kích thích được nhu cầu vay vốn của cả DN lẫn cá nhân vay tiêu dùng đã giúp các NHTM cải thiện được tỷ lệ tăng trưởng tín dụng rõ rệt.

Bằng chứng, tính đến ngày 31/8/2013, chỉ tính riêng địa bàn TP.HCM, tổng dư nợ tín dụng của các TCTD ước đạt 900.000 tỷ đồng, tăng 0,37% so với tháng trước, tăng 5,21% so với cuối năm 2012 và tăng 16,9% so với cùng kỳ. Trong đó, dư nợ cho vay trung và dài hạn tăng 5,81% và dư nợ cho vay ngắn hạn tăng 4,73% (so với cuối năm 2012).

Mục tiêu khó đạt

Với tín hiệu tích cực, đa số lãnh đạo các ngân hàng (NH) đều khẳng định thời gian tới tình hình sẽ nhanh chóng được cải thiện. Nói như đại diện HDBank, khi DN tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ, kinh doanh thuận lợi thì sẽ tạo ra nhiều việc làm, đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế.

Khi đó, ngành NH cũng sẽ thu được nhiều lợi ích hơn. Từ đây, việc đạt được kế hoạch tăng trưởng tín dụng như mục tiêu của NHNN đề ra không khó.

Thừa nhận điều này, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, nói rằng, để đạt được mục tiêu đề ra 12%, trong thời gian từ nay đến cuối năm, mỗi tháng tín dụng tăng thêm 1,3 - 1,4% là khả thi. Bởi tăng trưởng dư nợ luôn có chiều hướng cải thiện trong những tháng cuối năm.

Tuy nhiên, bàn về vấn đề này, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, khẳng định sẽ không dễ dàng. Bởi nền kinh tế vẫn chưa thể thoát ra khỏi tình trạng "thừa tiền nhưng thiếu vốn".

Theo ông Lịch, vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào kích tổng cầu, giải quyết nợ xấu thì dư nợ mới có thể tăng. Hiện các NH đang dôi dư nguồn vốn khả dụng, nhưng không thể khơi được dòng chảy tín dụng vì tồn kho DN tăng, sức mua yếu, rào cản nợ xấu.

"Trong lúc này lãi suất không còn là vấn đề duy nhất đối với DN mà quan trọng hơn đó chính là tập trung giải quyết nợ xấu và kích thích được tổng cầu. Tuy nhiên, để xử lý được nợ xấu thì Công ty Quản lý tài sản Quốc gia - VAMC không thể giải quyết được tất cả mà đòi hỏi phải có sự nỗ lực từ phía các NH.

Song, VAMC cũng chỉ là một công cụ, không giải quyết được tất cả. Công ty này chủ yếu mua lại nợ xấu bất động sản để xử lý, làm sạch tài khoản NH; giúp cho DN đi vay có điều kiện để vay, không bị nợ xấu làm rào cản. Nhưng điều quan trọng đó chính là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế sẽ như thế nào", ông Lịch nói.

Cùng quan điểm, ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết, Việt Nam thuộc loại "tham vọng nhất thế giới" khi muốn một lần thực hiện được cả bốn mục tiêu là ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi dần sức tăng trưởng của nền kinh tế, sắp xếp, tái cấu trúc cả nền kinh tế, và hội nhập quốc tế một cách sâu rộng toàn diện.

Nói "tham vọng nhất" vì trong bối cảnh nguồn lực hạn chế về cả tài lực, nhân lực, mức độ minh bạch, giải trình còn kém, có khả năng tạo ra những sự bất định trong nền kinh tế.

Theo ông Thành, việc giảm lãi suất dù tạo cơ hội rất lớn để NH và DN có thể gặp nhau, song nếu nhìn tổng thể thị trường, có lẽ vấn đề giảm lãi suất đến hôm nay không còn là công cụ thu hút người vay. Vì cái gốc của vấn đề chỉ khi DN bán được hàng, luồng tiền mới được khơi thông.

Nhưng theo số liệu tổng hợp, sau mỗi lần giảm lãi suất, sức mua trên thị trường gần như không có nhiều thay đổi, thậm chí chỉ số sản xuất còn giảm mạnh.

Quả vậy, một chuyên gia tài chính khác cũng nhận định, về lý thuyết, sức mua trên thị trường mạnh thì sức hấp thụ vốn tín dụng NH mới có. Như nói ở trên, sức mua không có, vậy việc hạ lãi suất về lý thuyết khó lôi kéo được người vay.

Ngược lại, việc chủ động hạ lãi suất dài hạn sẽ gây áp lực lớn đối với nguồn tiền huy động. Đơn cử, lạm phát có thể 7,5% như mục tiêu Chính phủ đề ra thậm chí nhiều khả năng sẽ cao hơn.

"Nếu lãi suất huy động thấp hơn lạm phát (thực tế hiện nay lãi suất huy động đang thấp hơn lạm phát), làm không khéo sẽ khiến NH mất nguồn vào. Mặt khác, lạm phát cao, người dân thắt chặt chi tiêu, DN không bán được hàng thì lãi suất rẻ cũng không vay", chuyên gia này nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lãi suất đánh đu lạm phát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO