Lãi suất bắt đầu xu hướng mới?

KHÁNH PHƯƠNG| 29/12/2016 03:39

Việc tăng lãi suất huy động vốn của các ngân hàng kể từ đầu tháng 11 đến nay là đáng chú ý. Liệu đây chỉ là động thái nhất thời để đảm bảo thanh khoản cuối năm hay sẽ bắt đầu một xu hướng tăng trở lại của mặt bằng lãi suất?

Lãi suất bắt đầu xu hướng mới?

Nếu động thái tăng lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thời gian qua tiếp tục được duy trì thì khả năng lãi suất cho vay có thể tăng.

Đọc E-paper

Lãi suất huy động tăng

Từ ngày 26/12/2016, lãi suất tiền gửi của Ngân hàng Đông Á tăng từ 0,3% - 0,7% ở các kỳ hạn dưới 6 tháng, đối với các khoản tiền gửi từ 1 tỷ đồng trở lên thì lãi suất đã chạm mức trần 5,5%. Đây là lần điều chỉnh lãi suất tiền gửi lần thứ hai trong tháng 12 của Đông Á, đưa ngân hàng này trở thành một trong những ngân hàng có mức lãi suất tiền gửi cao nhất trên thị trường hiện nay.

Cũng trong tháng 12, Sacombank đã tăng lãi suất tiền gửi thêm 0,1% ở các kỳ hạn 2 tháng và từ 6 tháng đến 11 tháng, sau khi đã tăng 0,2% ở các kỳ hạn 15 tháng, 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng hồi giữa tháng 11.

Từ ngày 21/12, VPBank cũng đã tăng 0,1% lãi suất huy động vốn kỳ hạn 1 tháng và 13 tháng, đáng chú ý lãi suất tiền gửi 12 tháng tăng mạnh: 0,4%. VPBank hiện là một trong số ít ngân hàng áp dụng các khung lãi suất khác nhau cho những khoản giá trị tiền gửi khác nhau, theo đó tiền gửi càng nhiều sẽ được hưởng lãi suất càng cao.

VIB, Eximbank, PVCombank và Tienphong Bank cũng là những ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất trong tháng 12. Riêng Ngân hàng VIB trong tháng 11 đã tăng mạnh lãi suất tiền gửi lên 0,5% ở các kỳ hạn dưới 12 tháng.

Cũng cần lưu ý là trong tháng 11 đã có vài ngân hàng tăng lãi suất, như Agribank tăng 0,1% ở kỳ hạn 1 tháng, Bảo Việt tăng 0,2% ở kỳ hạn 6 tháng và 0,1% ở kỳ hạn 12 tháng, Bắc Á tăng đều từ 0,1 - 0,2% trải dài ở các kỳ hạn từ một tháng đến 13 tháng, SCB tăng 0,2% ở kỳ hạn từ 6 tháng đến 11 tháng và 0,1% ở kỳ hạn 12 tháng, An Bình tăng 0,5% ở các kỳ hạn dài từ 15 tháng trở lên, OCB tăng 0,2% ở kỳ hạn 12 tháng.

Các yếu tố tác động đến lãi suất

Nhìn sang thị trường liên ngân hàng, mặt bằng lãi suất liên tục đi lên từ tháng 11 đến nay, và đặc biệt tăng nhanh kể từ đầu tháng 12, lãi suất qua đêm duy trì trên 4% từ ngày 12/12 đến nay, trong khi doanh số giao dịch tăng lên, cho thấy nhu cầu vay để đáp ứng thanh khoản của các ngân hàng tăng mạnh.

Trong bối cảnh nhu cầu kinh doanh tăng cao cuối năm, huy động vốn của nhiều ngân hàng đã bị chững lại do tiền gửi của khách hàng rút ra để kinh doanh, thanh toán tiền hàng cũng như tiêu dùng.

Ngược lại, tín dụng cuối năm lại tăng cao do nhu cầu vay tăng lên trong mùa cao điểm, trong khi các ngân hàng đang tăng tốc giải ngân để có thể đạt kế hoạch tín dụng năm. Do đó, cung vốn giảm trong khi cầu vốn tăng thì mặt bằng lãi suất tiền gửi tăng là tất yếu.

>>Cuối năm - "mùa kiếm tiền" của ngân hàng

Khả năng một lượng tiền gửi VND đã bị rút ra để đầu tư vào đồng USD trong thời điểm tỷ giá luôn chịu áp lực kể từ khi có kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ đến nay, cũng như FED đã tăng lãi suất vào giữa tháng 12 vừa qua và cho biết có thêm 3 lần tăng trong năm 2017. Tính đến ngày 26/12, tỷ giá trung tâm USD/VND đã tăng thêm 128 đồng, chiếm 50% tổng mức tăng 257 đồng của cả năm nay.

Trong bối cảnh lãi suất tiền gửi tăng nhưng lãi suất cho vay vẫn khá ổn định, theo như báo cáo cập nhật hằng tuần của Ngân hàng Nhà nước, trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn vẫn duy trì tại mức 6,8 - 9%/năm và lãi suất cho vay trung hạn vẫn ở mức từ 9,3 - 11% năm.

Tuy nhiên, với việc tăng lãi suất tiền gửi thời gian qua và nếu tiếp tục duy trì, thì khả năng lãi suất cho vay có thể tăng theo do các ngân hàng vẫn phải duy trì biên độ sinh lời nhất định để đảm bảo lợi nhuận, nhất là trong bối cảnh chi phí xử lý nợ xấu vẫn chiếm tỷ trọng lớn.

Nhất thời hay bắt đầu một xu hướng mới?

Việc tăng lãi suất huy động vốn của các ngân hàng kể từ đầu tháng 11 đến nay là đáng chú ý. Câu hỏi đặt ra là liệu đây chỉ là động thái nhất thời để đảm bảo thanh khoản cuối năm hay sẽ bắt đầu một xu hướng tăng trở lại của mặt bằng lãi suất trong thời gian tới?

Thực tế là với việc nếu phải vay mượn trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất gần 5% ở các kỳ hạn ngắn như qua đêm, một tuần hoặc hai tuần thì thay vào đó các ngân hàng có thể lựa chọn tăng lãi suất tiền gửi để có thể huy động nguồn vốn dài hạn hơn là phù hợp và có nhiều lợi ích hơn, do đó lãi suất tiền gửi từ khách hàng có tăng theo lãi suất thị trường cũng là dễ hiểu.

Và thực tế cho thấy mặt bằng lãi suất tăng không phải diễn ra trên diện rộng và đồng loạt, cho thấy áp lực thanh khoản chỉ xảy ra cục bộ tại một số ngân hàng và theo những thời điểm khác nhau.

>>Đã đến lúc giảm lãi suất cho vay

Cụ thể, lãi suất tiền gửi ở nhóm ngân hàng lớn vẫn tiếp tục được neo ở mức thấp sau lần điều chỉnh giảm mạnh vào cuối tháng 9 cho đến nay. Trong khi đó, dù thời gian qua một số ngân hàng có tăng lãi suất trở lại nhưng nếu so với thời điểm tháng 8 và tháng 9 thì mặt bằng lãi suất chung hiện tại vẫn ở mức tương đương, thậm chí còn thấp hơn, do vào cuối tháng 9 và trong tháng 10 đã có hàng loạt ngân hàng giảm lãi suất huy động với mức giảm khá lớn.

Thông thường lượng tiền gửi rút ra kinh doanh sẽ quay trở lại hệ thống ngân hàng sau Tết Nguyên đán, khi đó với dòng vốn huy động có thể tăng mạnh trở lại thì áp lực thanh khoản của các ngân hàng có thể giảm bớt và điều này giúp mặt bằng lãi suất tiền gửi có thể giảm trở lại. Tuy nhiên, trong trường hợp lãi suất liên ngân hàng vẫn treo ở mức cao và tỷ giá nếu tiếp tục chịu áp lực lớn trước sự tăng mạnh của đồng USD thì lãi suất tiền gửi sẽ khó giảm trở lại.

Dù thời gian qua một số ngân hàng tăng lãi suất trở lại nhưng nếu so với thời điểm tháng 8 và tháng 9 thì mặt bằng lãi suất chung hiện tại vẫn ở mức tương đương, thậm chí còn thấp hơn, do vào cuối tháng 9 và trong tháng 10 đã có hàng loạt ngân hàng giảm lãi suất huy động với mức giảm khá lớn.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lãi suất bắt đầu xu hướng mới?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO