Hỏi lớn mà vẫn đáp khẽ

HÀ PHƯƠNG| 29/12/2011 06:16

Khi nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn vào công ty chứng khoán (CTCK) thường đưa những mục tiêu, định hướng rất bài bản và hoành tráng. Nhưng từ nói đến làm vẫn tồn tại một khoảng cách khá xa.

Hỏi lớn mà vẫn đáp khẽ

Khi nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài bỏ vốn vào công ty chứng khoán (CTCK) thường đưa những mục tiêu, định hướng rất bài bản và hoành tráng. Nhưng từ nói đến làm vẫn tồn tại một khoảng cách khá xa.

Quen mặt vẫn cách lòng

Website của Công ty Woori CBV có chưng ra đoạn clip giới thiệu Tập đoàn Tài chính Woori (WFG) niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE). Cổ đông lớn nhất của Woori CBV là CTCK và Đầu tư Woori (WIS), và WIS là công ty con của WFG.

Tiền thân của Woori CBV là Công ty Chứng khoán Biển Việt, một thời được thị trường chú ý khi xây dựng các bộ chỉ số chứng khoán riêng, mang thương hiệu của mình.

Nhưng thời gian vừa qua vẫn chưa thấy Woori CBV phát huy được những thế mạnh mà chỉ thấy những rắc rối với người lao động tại công ty như không thanh lý hợp đồng hết hạn, không trả lại bằng đại học...

Lỗi do ai không quan trọng, nhưng có thể thấy những việc như vậy mà để dẫn đến tranh chấp, xuất hiện đầy rẫy trên mặt báo thì Woori CBV không chuyên nghiệp chút nào. Thẳng thắn mà nói, nhiều công ty cũng sa thải nhân viên rất “tàn nhẫn” nhưng cũng chưa có trường hợp nào lộn xộn như Woori CBV.

Tháng 7 năm nay, thị trường xuất hiện thông tin về việc Citigroup mua lại gần 10% cổ phần của CTCK Tầm Nhìn. Tầm Nhìn có vốn điều lệ 60 tỷ đồng, 10% tương ứng 6 tỷ đồng, còn Citigroup lại là một định chế tài chính hàng đầu thế giới.

Cũng phải nói thêm rằng, những định chế tài chính như Citigroup, Deutsche Bank... đều có rất nhiều “nhánh” mà mức độ liên đới với công ty mẹ không phải lúc nào cũng chặt chẽ theo kiểu “mẹ con”.

Nếu Citigroup mẹ mua Tầm Nhìn rồi rót vốn vào thì rất “sướng”, nhưng nếu chỉ là một “nhánh” nào đó thì phải xem lại? Cho đến giờ có thể thấy hoạt động của Tầm Nhìn không hề tạo ra được ấn tượng gì trên thị trường, không có dấu ấn gì của cổ đông lớn.

Nếu đặt ra câu hỏi, CTCK có yếu tố “ngoại” nào hoạt động hiệu quả nhất tại Việt Nam, chắc chắn “phiếu bầu” sẽ dồn về Kim Eng, còn vị trí nào sau Kim Eng? E rằng khó trả lời. Công ty vốn ngoại đã có mặt tại Việt Nam khoảng 5 năm nay, thời gian đủ dài để “quen mặt” với nhà đầu tư, nhưng sao vẫn “cách lòng”.

Không phải ngoại nào cũng... ngoại

Trong Top 10 CTCK dẫn đầu về thị phần môi giới, số lượng công ty trong nước áp đảo công ty ngoại. Ngoài hai cái tên quen thuộc là Kim Eng và HSC (có cổ đông là Dragon Capital) lâu lâu mới thấy một công ty ngoại nào đó lọt vào Top 10.

Trong khi đó, không ít công ty khi nói về mình đều đưa ra tiêu chí phục vụ khách hàng, công nghệ hiện đại, chuyên tâm vào hoạt động môi giới... Những CTCK này đang “nổ” hay cũng nỗ lực nhưng hướng đi không hợp lý?

Không thể đổ thừa vì sản phẩm của thị trường chứng khoán Việt Nam còn ít quá nên không có cơ hội đưa công nghệ hiện đại vào, vì hiện tại vẫn có những công ty được đánh giá cao về hệ thống giao dịch trực tuyến, chất lượng nổi trội.

Còn về lĩnh vực môi giới, nhiều cổ đông lớn của các công ty xưng là hàng đầu về mảng môi giới tại nước ngoài nhưng thông tin này cũng không ai kiểm chứng, và giỏi như vậy sao không thể áp dụng kinh nghiệm vào Việt Nam?

Trở lại với vấn đề tại sao nhiều công ty ngoại lại hoạt động èo uột như vậy? Giả thiết có thể là sự chụp giựt trong ý định nắm cổ phần tại CTCK của nhiều tổ chức. Nghi ngờ này là có cơ sở vì nhìn qua thị trường bất động sản cũng có những nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam xin giấy phép đầu tư nhưng thực chất là xí đất, chờ thời bán lại.

Chứng khoán cũng có thể như vậy, việc mở mới CTCK trở nên khó khăn trong vài năm gần đây, nên bỏ tiền mua công ty èo uột, hay nói nôm na là mua giấy phép, bơm vốn đủ để sống, rồi chờ thời bán lại cho những ai có nhu cầu cũng là một giải pháp hay.

Cũng có thể, một số nhà đầu tư khi nhìn thấy thị trường chứng khoán trong giai đoạn 2007 hoặc 2009 bùng phát nên nghĩ rằng có thể kiếm tiền nên việc sở hữu một CTCK để thuận lợi hơn trong việc đầu tư.

Kể từ ngày 12/1/2012, CTCK 100% vốn nước ngoài sẽ được hoạt động tại Việt Nam theo cam kết gia nhập WTO. Điều này liệu có nâng chất được những công ty nước ngoài đang hoạt động lặng lẽ như vừa nêu hay không?

Thực chất, nếu chủ động tạo ảnh hưởng lên một doanh nghiệp, thì chỉ cần sở hữu 25 - 30% cũng có thể toại nguyện. Thành công của một tập đoàn đa quốc gia tại một đất nước nào đó phải kết hợp giữa sự am hiểu địa phương và kinh nghiệm quốc tế.

Vì vậy, việc nâng được tỷ lệ sở hữu vượt 49% chỉ mới là một điều kiện cần. Sự thay đổi của những CTCK ngoại chỉ diễn ra khi cái đầu của những ông chủ ngoại có suy nghĩ, định hướng đầu tư bài bản hơn, dài hạn hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hỏi lớn mà vẫn đáp khẽ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO