Giao dịch cổ phiếu quỹ: Của để dành

XUÂN HÒA| 26/06/2013 07:53

Các doanh nghiệp (DN) đang tích cực thực hiện giao dịch cổ phiếu quỹ. Đây có thể là điều cần chú ý cho nhà đầu tư?

Giao dịch cổ phiếu quỹ: Của để dành

Các doanh nghiệp (DN) đang tích cực thực hiện giao dịch cổ phiếu quỹ. Đây có thể là điều cần chú ý cho nhà đầu tư?

Đọc E-paper

Sôi động giao dịch cổ phiếu quỹ

Chỉ tính từ tháng 5 đến nay, có ít nhất 50 DN công bố kế hoạch giao dịch cổ phiếu quỹ. Trong đó, đáng chú ý là việc bán ra hàng triệu cổ phiếu quỹ của Kỹ nghệ lạnh (SRF), Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC)... Cụ thể, SRF đã bán thành công 1,338 triệu cổ phiếu quỹ cho Taisei Oncho với giá 40.000 đồng/CP.

Ở thời điểm công bố lẫn hiện tại, mức giá chào bán này cao hơn giá thị trường ước khoảng 25%. Sau giao dịch (ngày 12/6), Taisei Oncho trở thành cổ đông lớn thứ 2 ở SRF, nắm 16,45% vốn ở SRF. Hay BIC đã bán 1 triệu cổ phiếu cho đối tác với giá 9.200 đồng/CP.

BIC không công bố danh tánh người mua nhưng tiết lộ, tại thời điểm BIC giao dịch cổ phiếu quỹ (4/6), Mutual Elite Fund (NON-UCITS) đã mua vào 1.055.480 CP, nâng lượng cổ phiếu nắm giữ từ 3.106.770 CP (4,78%) lên 4.162.250 CP (lên 6,31%.vốn) và trở thành cổ đông lớn thứ 2 ở BIC.

Với Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH), việc chào bán cổ phiếu quỹ chưa được ấn định ngày giờ cụ thể nhưng theo nội dung nghị quyết hội đồng quản trị (tháng 3/2013), VSH quyết định chào bán 4 triệu cổ phiếu quỹ với giá bán dự kiến từ 12.000 đến 15.000 đồng/CP.

Được biết, đây là toàn bộ số cổ phiếu quỹ mà VSH sở hữu, được mua vào từ năm 2010 (từ 25/8/2010 đến 16/11/2010) với giá trị trên 47 tỷ đồng. Như vậy, nếu chào bán thành công trong mức giá dự kiến, VSH sẽ bổ sung nguồn tiền Công ty một khoản đáng kể, từ 48 tỷ đồng đến 60 tỷ đồng.

Ở phía bên mua, các đơn vị như Ngân hàng ACB (ACB), Công ty CP Bảo hiểm Petrolimex (PGI), Thủy sản Minh Phú (MPC)... đã đăng ký mua hàng triệu cổ phiếu quỹ.

Ấn tượng nhất vẫn là kế hoạch mua "khủng" của VIC (dự định gom mua tối đa 46,414 tỷ đồng) với giá 63.000 đồng/CP. Theo VIC, nguồn vốn mua lại cổ phiếu quỹ sẽ lấy từ thặng dư vốn cổ phần, các quỹ và lợi nhuận chưa phân phối dự kiến lên đến 3.000 tỷ đồng.

Đi tìm lý do

Theo những người trong ngành, dù có quy mô lớn như VSH, VIC, SRF, ACB... hoặc ở quy mô nhỏ hơn như DIH, AGF... thì cổ phiếu quỹ vẫn luôn là "của để dành" của DN, khi cần tiền, DN sẽ bán tài sản này đầu tiên. Thực tế tiền mặt của SRF hứa hẹn ghi thêm 53,52 tỷ đồng từ bán cổ phiếu quỹ.

Nhưng nhìn trên báo cáo tài chính quý I/2013, SRF không phải là đơn vị thiếu tiền vì tiền và tương đương tiền tính đến cuối tháng 3/2013 còn 176,5 tỷ đồng. Một giám đốc công ty chứng khoán ngại nêu tên nhận xét, có thể SRF đã bán cổ phiếu quỹ vì một động lực khác. Đó có thể chỉ đơn giản là việc chốt lời từ DN.

Thực tế, thị trường chứng khoán khởi sắc trở lại đã giúp giá nhiều cổ phiếu tăng mạnh. Bán cổ phiếu quỹ trong dịp này, đa số DN đều lãi. Theo ước tính, AGF lãi 136% từ bán 80.000 CP quỹ đã mua. Hay PET ước lãi 55% từ bán cổ phiếu quỹ.

Bán cổ phiếu quỹ cũng là bước dọn đường nhanh lẹ, chủ động cho đối tác chiến lược tham gia vào DN. Đơn cử, với thông tin Taisei Oncho trở thành cổ đông chiến lược ở SRF, nhà đầu tư rất bất ngờ.

Trường hợp DN mua khối lượng lớn cổ phiếu quỹ như chuyện cũ ở Sacombank cho thấy đó có thể là tín hiệu của một động thái tự vệ trước nguy cơ thâu tóm từ bên ngoài. Tuy nhiên, khi trình bày trước cổ đông, để tránh biến động, DN ít nói đúng lý do này. Lý do được khỏa lấp nhiều nhất là để "bình ổn giá cổ phiếu".

Theo đó, các công ty sẽ dùng một lượng tiền nhàn rỗi để gom mua cổ phiếu của chính mình, một mặt làm cho lượng cổ phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống, lợi nhuận trên cổ phiếu (EPS) sẽ cao hơn, lượng cung bán ra ít đi khiến cổ phiếu không bị bán ồ ạt. Ngoài ra, khi DN công bố mua cổ phiếu quỹ cũng tác động nhất định đến tâm lý nhà đầu tư và khiến giá cổ phiếu tăng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giao dịch cổ phiếu quỹ: Của để dành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO