Giảm lãi suất - xu hướng mới của ngành ngân hàng?

ANH KHOA| 10/08/2017 02:59

Sau chính sách giảm một loạt lãi suất điều hành hôm 10/7, một số ngân hàng thương mại cổ phần đã giảm lãi suất huy động đầu vào. Liệu đây chỉ là diễn biến nhất thời hay sẽ trở thành xu hướng trong thời gian tới?

Giảm lãi suất - xu hướng mới của ngành ngân hàng?

Lãi suất giảm nhẹ

Ngày 13/7/2017, VPBank đã giảm lãi suất huy động 0,1% ở các kỳ hạn từ 1 tháng đến 6 tháng, đánh dấu lần giảm thứ ba kể từ đầu năm đến nay. Tiếp đến ngày 27/7, ngân hàng này tiếp tục giảm thêm 0,1% lãi suất đầu vào ở các kỳ hạn từ 1 tháng đến 13 tháng; đáng chú ý việc giảm lãi suất cũng diễn ra ở các kỳ hạn dài hơn như giảm 0,1% kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng, giảm 0,2% ở kỳ hạn 18 tháng,

Trong tháng 7 vừa qua, VIB cũng giảm mạnh lãi suất tiền gửi so với khung lãi suất ban hành hồi tháng 3, cụ thể giảm 0,1% ở kỳ hạn 1 đến 2 tháng, giảm 0,2% ở các kỳ hạn 3 tháng và 9 đến 11 tháng, giảm 0,3% 7 đến 8 tháng và đặc biệt các kỳ hạn từ 4 đến 6 tháng giảm đến 0,4%.

Việc giảm mạnh đến 0,4% là khá bất ngờ, cho thấy nhu cầu huy động vốn của ngân hàng này không còn chịu quá nhiều áp lực sau khi đã phát hành một loạt chứng chỉ tiền gửi vào tháng 2/2017.

Báo cáo tài chính quý II vừa công bố của ngân hàng này cũng cho thấy dù tiền gửi khách hàng chỉ tăng 4,9% so với đầu năm, nhưng giấy tờ có giá tăng hơn ba lần, đạt 8.303 tỷ đồng vào cuối quý II.

Diễn biến lãi xuất tín phiếu

Tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank), khung lãi suất mới ban hành có hiệu lực từ 28/7/2017 cho thấy giảm đều 0,2% ở các kỳ hạn từ 6 đến 13 tháng, đáng lưu ý những kỳ hạn dài hơi như 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng cũng giảm từ 7% xuống còn 6,8%. Hay như tại HDBank, lãi suất các kỳ hạn dài như 13 tháng giảm 0,2% và 15 tháng giảm 0,05%, có hiệu lực từ 10/7/2017, tức cùng thời điểm với chính sách giảm các lãi suất điều hành của NHNN có hiệu lực.

Như vậy, sau thời điểm căng thẳng lãi suất trong quý I đầu năm nay, thì mặt bằng lãi suất trong quý II đã ổn định trở lại và đầu quý III đang cho thấy những dấu hiệu giảm xuống, đặc biệt sau thời điểm NHNN giảm các lãi suất điều hành chủ chốt trong tháng 7 vừa qua.

Cụ thể, so với thời điểm tháng 6, lãi suất bình quân tiền gửi trong tháng 7 của 35 ngân hàng kỳ hạn 1 đến 5 tháng giảm 0,01%, kỳ hạn 6 đến 11 tháng giảm 0,02%, kỳ hạn 13 tháng giảm 0,01%.

Diễn biến trên được đánh giá là khá tích cực, phù hợp với định hướng của nhà điều hành, nhất là trong bối cảnh chính sách tiền tệ nới lỏng cần phải được duy trì tại mặt bằng lãi suất thấp để có thể kích thích tiêu dùng và đầu tư, hỗ trợ cho quyết tâm giữ mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Chính phủ. Tuy nhiên, liệu đây chỉ là động thái nhất thời hay có thể khởi đầu cho một xu hướng giảm lãi suất tiếp trong thời gian tới. 

Sẽ có đợt giảm lãi suất tiếp theo?

Thanh khoản trong hệ thống ngân hàng tiếp tục dồi dào trong tháng 7 vừa qua, khiến NHNN liên tiếp phát hành tín phiếu để hút tiền về. Cụ thể, bắt đầu từ ngày 17/7 đến ngày 3/8, NHNN đã phát hành 101 nghìn tỷ đồng tín phiếu với lãi suất giảm từ mức ban đầu là 1,3% đến nay chỉ còn 0,28%. Nếu tính lượng tín phiếu đáo hạn và 506 tỷ đồng cho vay qua kênh OMO trong tuần từ 24 đến 28/8, thì từ ngày 17/7 đến ngày 3/8, NHNN đã hút ròng 31.494 tỷ đồng.

Trong bối cảnh cho vay đang chậm lại, huy động vốn tăng trưởng tích cực hơn khi các ngân hàng triển khai hàng loạt chương trình khuyến mãi cho khách hàng gửi tiền, thì thanh khoản hệ thống được kỳ vọng sẽ tiếp tục dồi dào trong quý III.

Đáng lưu ý là tại buổi họp báo của Chính phủ thường kỳ tháng 7 ngày 3/8 cho biết, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 7 là 8,92%, tuy nhiên số liệu công bố trước đó của NHNN cho thấy tăng trưởng tín dụng đến 30/6 đã là 9,06%. Điều này rõ ràng cho thấy tăng trưởng tín dụng đang bị chững lại.

Trong khi đó, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cho vay giữa các ngân hàng vẫn duy trì xu hướng giảm kể từ cuối tháng 5 đến nay, đáng lưu ý là lãi suất qua đêm, kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần đã rớt về mức dưới 1% kể từ nửa cuối tháng 7 đến nay. Hiện tại lãi suất qua đêm chỉ còn xoay quanh mốc 0,5% - mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay. Diễn biến tương tự cũng xảy ra trên thị trường trái phiếu, khi các phiên phát hành trái phiếu của Chính phủ liên tiếp ghi nhận những mức thấp mới.

Với diễn biến lạm phát và tỷ giá vẫn ổn định, với chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 chỉ tăng 0,31% so đầu năm, còn cách khá xa so với mục tiêu 4% trong năm nay đã giúp cho lãi suất thực vẫn khá hấp dẫn và có thể thu hút dòng tiền vào ngân hàng. Tỷ giá trung tâm giữa USD và VND được kiểm soát ổn định và chỉ mới tăng 1,24% so với đầu năm cũng góp phần hỗ trợ cho mặt bằng lãi suất.

Để tạo điều kiện giảm thêm mặt bằng lãi suất, NHNN có thể định hướng thị trường bằng cách giảm các lãi suất điều hành chủ chốt hoặc giảm lãi suất vay vốn trên thị trường mở, vốn đang là sự kỳ vọng khá lớn của thị trường.

Dù vậy, chính sách giảm trần lãi suất huy động có thể khó xảy ra vì NHNN không muốn tác động trực tiếp đến chính sách lãi suất tiền gửi của các ngân hàng, nhất là ở những ngân hàng nhỏ đang có nhiều khó khăn trong hoạt động và vốn vẫn đang niêm yết trần lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng gần mức trần 5,5%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giảm lãi suất - xu hướng mới của ngành ngân hàng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO