Giảm lãi suất huy động: Kín đầu, hở chân

VŨ HOÀNG| 21/05/2013 09:39

Với xu hướng giảm lãi suất huy động (LSHĐ) như hiện nay, người gửi tiền đang phải hy sinh quyền lợi cho cả ngân hàng (NH) và doanh nghiệp (DN).

Giảm lãi suất huy động: Kín đầu, hở chân

Với xu hướng giảm lãi suất huy động (LSHĐ) như hiện nay, người gửi tiền đang phải hy sinh quyền lợi cho cả ngân hàng (NH) và doanh nghiệp (DN).

Đọc E-paper

Lợi ích khó đảm bảo

Nếu quan sát có thể thấy biểu LSHĐ của các NH thương mại cổ phần (TMCP) giảm không quá mạnh và chỉ dừng lại ở những kỳ hạn ngắn, nhưng việc đưa LSHĐ về dưới chuẩn của khối này đang tạo điều kiện cho DN tiếp cận với nguồn vốn hợp lý hơn. Cụ thể, NH Quân đội công bố giảm lãi suất huy động xuống 7%/năm cho kỳ hạn 1 và 2 tháng.

NH ACB cũng giảm lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn xuống còn 7,2 - 7,3%/năm. LSHĐ một tháng của Techcombank giảm khá mạnh, chỉ còn 6,85%/năm, kỳ hạn 6 tháng còn 7,05%/năm...

Một số NHTMCP chưa giảm cho biết đang xem xét luồng tiền ra vào trên thị trường để điều chỉnh. Như vậy, có thể nói xu hướng giảm LSHĐ ở các NH sẽ còn diễn ra trên diện rộng trong thời gian tới.

Lý giải cho việc giảm LSHĐ, ông Trần Xuân Quảng, Phó tổng giám đốc MaritimeBank, nói rằng, đây là cơ sở để tạo vốn giá rẻ cho DN, đồng thời việc hạ LSHĐ cũng là để kích thích người có tiền thay vì gửi tiết kiệm lấy lãi sẽ chuyển sang đầu tư hoặc mua sắm kích thích tiêu dùng.

Mục tiêu của NH rõ ràng và hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, đứng ở góc độ người gửi tiền, họ đang phải hy sinh quyền lợi cho cả NH và DN.

Có lẽ vì thế mà một bộ phận người gửi tiền tạm thời điều chỉnh kênh đầu tư có khả năng sinh lời hơn khi LSHĐ xuống thấp hơn so với kỳ vọng của họ. Dù không quá ồ ạt, nhưng giám đốc khối khách hàng cá nhân của các NHTMCP tại TP.HCM thừa nhận có trường hợp khách hàng rút tiền để đầu tư vào các kênh khác.

Vì cơ bản, với chính sách này, mặt bằng lãi suất huy động sẽ tự động về mức 7% trở xuống, vừa đủ cao hơn so với mức lạm phát dự tính khoảng 6,5%, người gửi tiền cảm thấy nếu tiếp tục gửi NH thì tài sản không sinh lợi mà còn bị mất.

Điều đó giải thích vì sao vàng cao và TTCK ảm đạm nhưng nhu cầu ở hai thị trường này có sự chuyển dịch. Là người rút tiền tiết kiệm đổ vào chứng khoán, ông Nguyễn Hữu Phong (nhà đầu tư chứng khoán ở quận 3) nói rằng, những công bố về các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ từ đầu năm gần như đã được chiết khấu hết vào giá cổ phiếu.

Bên cạnh đó, dòng vốn ngoại có sự dịch chuyển thông qua khối lượng giao dịch trên thị trường. Từ đó, người có tiền kỳ vọng việc lựa chọn cổ phiếu để tích lũy có thể sẽ mang lại cơ hội cho các NĐT trong nước trong điều kiện hiện nay.

Ngược lại, người ta cũng đang rút tiền về, mua ngoại tệ, vàng, hoặc gởi USD vào ngân hàng, không đầu tư gì hết. Ở một khía cạnh nào đó, giá vàng trong nước cao lại vô tình như một thông điệp cho thấy, cầu của thị trường vẫn cao nên nhìn trong dài hạn, người có tiền vẫn thích tích trữ vàng, xem đó như nơi trú ẩn an toàn...

Rất khó để có thể thống kê con số chính xác, nhưng rõ ràng việc điều chỉnh kỳ vọng của người gửi tiền có khả năng làm mất cân đối dòng tiền của NH.

Bẫy thanh khoản có trở lại?

Tâm lý người gửi tiền giờ đây đã thay đổi khá nhiều. Không còn nhiều hiện tượng tâm lý bầy đàn, chạy theo thông tin nóng mà ầm thầm hướng theo giá trị.

Hay nói như ông Trần Xuân Quảng, ở giai đoạn này, thanh khoản hệ thống NH khá bền vững, biểu hiện ở việc dự trữ của các NH tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đều vượt so với quy định. Cung tín dụng cũng không tăng nhiều nên vấn đề thanh khoản không lo lắng lắm.

Mặt khác, những kênh đầu tư khác khả năng sinh lời chưa đủ hấp dẫn hoặc mức độ rủi ro vẫn cao nên không dễ dàng để người gửi tiền chuyển dịch kênh đầu tư. Bàn về vấn đề này, mới đây Phó thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cũng nói rằng, NH luôn là chỗ trú chân an toàn nhất cho các khoản tiền gửi.

Hiện NHNN đảm bảo cho các mức lãi suất tiền gửi cao hơn mức lạm phát, đảm bảo cho người gửi tiền có được sự sinh lợi nhất định. Đồng thời, các chính sách về lãi suất cũng sẽ tạo ra một nguồn vốn với mức giá hợp lý để ngân hàng cho doanh nghiệp vay với mức hợp lý.

Thế nhưng, trước lo ngại bẫy thanh khoản, ông Quảng nói thêm, các NH không thể chạy theo việc giảm LSHĐ liên tục mà phải tăng quản trị dòng tiền để điều tiết lãi suất đầu ra vào cho hợp lý. "Nếu không, chưa ai dám chắc NH đó có vấp phải bẫy thanh khoản hay không", ông Quảng nói.

Quả vậy, với những người có kinh nghiệm, khi không đảm bảo được lợi ích thì việc chuyển hướng hiển nhiên sẽ xảy ra. Bài học năm 2008 khi thực hiện gói kích cầu đã rất rõ ràng. Vốn ồ ạt bơm ra cho DN dẫn đến lạm phát, nợ xấu.

Bên cạnh đó, huy động giảm người dân lại rút tiền gây mất thanh khoản trở lại đối với hệ thống NH. Khi tiền chạy ra khỏi kênh tiết kiệm, NH lại phải cập rập tăng lãi suất để huy động thì lúc này bẫy thanh khoản xuất hiện.

Để giải quyết dù chỉ là một trong số các chính sách đã nêu cũng rất phức tạp và vô cùng khó khăn. Chẳng hạn, tạo lập LSHĐ như thế nào để có thể đảm bảo được lợi ích của người gửi tiền hiện nay là không hề đơn giản.

Sự thay đổi tư duy người gửi tiền để có thể xác định đúng lạm phát theo mục tiêu hay có chính sách lãi suất phù hợp là những vấn đề vô cùng nan giải và không thể giải quyết trong thời gian ngắn.

Nhưng thiết nghĩ, lưu thông tiền tệ được ví như máu lưu chuyển trong cơ thể con người, do vậy chừng nào mà chính sách này chưa được thiết kế phù hợp lợi ích khách hàng thì khó có thể thoát ra khỏi bẫy thanh khoản và lãi suất. Lúc đó, không chỉ DN, NH mà toàn bộ nền kinh tế sẽ lại gặp khó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giảm lãi suất huy động: Kín đầu, hở chân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO